Cẩn trọng với vết thương do rắn cắn

Nhiều trường hợp người dân bị rắn cắn và dẫn đến nguy kịch do không biết cách sơ cấp cứu ban đầu, thậm chí có người tử vong do độc tố của rắn. Ngoài ra, việc chữa trị vết thương rắn cắn không đúng cách hoặc áp dụng cách dân gian… cũng tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe cao.

Điều trị kịp thời cho một nạn nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn nguy kịch.

Nguy kịch do rắn độc cắn

Mới đây, thông tin từ Bệnh viện (BV) Quận Thủ Đức, TPHCM cho biết, trong lúc dọn dẹp cỏ trong khuôn viên trường, một người bảo vệ đã bị rắn lục đuôi đỏ cắn trọng thương. Nạn nhân tên T.M.T. (64 tuổi, ngụ phường Tân Phú, Quận 9), là nhân viên bảo vệ cho một trường đại học trên địa bàn TPHCM có cơ sở tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức. Theo đó, khoảng 9 giờ sáng ngày 31.7, trong lúc đang phát quang dọn dẹp cây cỏ ở khuôn viên trường thì bị rắn cắn vào tay, do ông không mang đồ bảo hộ. Lúc này, ông T. đã gọi người ứng cứu và được đưa vào BV quận Thủ Đức cấp cứu ngay sau đó.

Tại BV này, BS Nguyễn Trọng Dũng (Khoa Hồi sức tích cực chống độc A, BV Quận Thủ Đức) cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng còn tỉnh, tiếp xúc được, vết thương rắn cắn ở ngón áp út bàn tay phải đã sưng to. Sau khi sơ cứu và truyền huyết thanh, thuốc kháng sinh, đồng thời làm xét nghiệm cho bệnh nhân tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân T. được chuyển tiếp sang khoa Hồi sức tích cực chống độc A để tiếp tục theo dõi và điều trị. Sau hơn một ngày điều trị tại đây, sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định, vết thương do rắn cắn đã không còn sưng. Trước đó, BV này cũng đã kịp thời cứu chữa cho một bệnh nhân 75 tuổi, ngụ tại phường Hiệp Bình Chánh, bị rắn lục đuôi đỏ cắn khi đang hái lá chùm ngây ở gần nhà. Được biết, xung quanh nơi ở của bệnh nhân này cũng có rất nhiều cây bụi, nơi trú ẩn ưa thích của loài rắn độc này.

Trước tình trạng nhiều bệnh nhân đến BV Thủ Đức cấp cứu do rắn cắn điều trong tình trạng nguy kịch, theo BS Dũng, từ đầu năm tới nay, Khoa ghi nhận có nhiều trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn tại Thủ Đức và khu vực giáp ranh vì vậy bà con phải hết sức đề phòng để không bị rắn cắn. Không phải bệnh viện nào cũng có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn để kịp thời điều trị, do đó người dân nên thường xuyên dọn dẹp xung quanh nhà, cắt ngắn cây cỏ, phát quang bụi rậm bởi đây có thể là nơi trú ngụ của nhiều loài rắn. Ngoài ra, theo BS Dũng khi dọn dẹp nên mặc quần dài, áo dài tay, đi ủng, mang bao tay loại dày, trùm kín vùng đầu - cổ - mặt, đeo kính bảo hộ, khua gậy dài trước khi dọn cỏ. Giữ nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ. Cần diệt chuột và các loại côn trùng vì chúng là những con mồi yêu thích của rắn lục đuôi đỏ…

Cách sơ cấp cứu khi bị rắn cắn

“Đối với trường hợp đã bị rắn lục đuôi đỏ cắn, bệnh nhân chỉ nên rửa sạch vết thương, có thể nẹp cố định chi bị cắn, sau đó chuyển đến cơ sở y tế gần nhất, càng nhanh càng tốt. Không nên tự ý buộc dây ga-rô chặt ở vị trí rắn cắn, bởi vì việc buộc dây ga-rô kéo dài có thể làm cho chỗ tổn thương sưng nề hơn, dẫn đến hoại tử chi về sau”, BS. Dũng khuyến cáo thêm.

Cũng liên quan đến các trường hợp bị rắn cắn, đặc biệt đối với trẻ em, các BS tại TPHCM khuyến cáo phụ huynh cách sơ cứu đúng cách khi con em mình bị rắn cắn. Theo đó, việc sơ cứu có thể tiến hành như sau: Cho trẻ nằm yên, trấn an trẻ; Bất động và đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc; Rửa sạch vết thương bằng xà bông và nước; Phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng; Băng thun hoặc vải sạch lên vết thương về phía trên vết thương.

“Nếu không may bị rắn cắn thì nên tránh việc rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra, việc làm này hiện nay không thấy hiệu quả mà gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc; đặc biệt không đắp lá cây không rõ loại lên vết thương vì có thể gây hoại tử nhiễm trùng nặng thêm vết cắn; người nhà cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để nơi đây xác định loại rắn cắn và chích huyết thanh kháng nọc phù hợp…”, một BS nói.

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/suc-khoe/can-trong-voi-vet-thuong-do-ran-can-624201.ldo