Cần truyền thông kiến thức, cách giảm hại cho người sử dụng ma túy để từ đó từ bỏ

Bà Nguyễn Hoài Hương (SCDI) cho biết, SCDI hỗ trợ các nhóm và cộng đồng người sử dụng ma túy thông qua mạng lưới cộng đồng tiếp cận, truyền thông các kiến thức liên quan đến ma túy, các loại ma túy, giảm hại như thế nào, các thông tin liên quan đến bệnh tật,… để người sử dụng ma túy biết, giảm hại và dần từ bỏ ma túy.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Hoài Hương, Phó Giám đốc quản lý chương trình cộng đồng (Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, SCDI) cho biết, cách đây khoảng 10 năm, trong bối cảnh những người sử dụng ma túy, bán dâm, người có HIV, … đều là những người bị kỳ thị. Vào thời điểm đó họ được coi là tệ nạn xã hội nên không nhiều người làm việc vì họ. Để hỗ trợ những người trên, Chính phủ Việt Nam cũng có khá nhiều chương trình hỗ trợ những người trên nhưng hiệu quả hỗ trợ không được nhiều mà chủ yếu mang tính quản lý và răn đe.

Do đó, SCDI nhìn thấy khe hở trong hỗ trợ họ để họ sống tốt hơn và bản thân sống tốt hơn cũng như là hòa nhập và đóng góp xã hội tốt hơn thì vẫn còn khoảng trống để SCDI làm và muốn hỗ trợ vì họ. Từ đó, trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) ra đời. Từ ngày ra đời trung tâm cách đây 10 năm, SCDI vẫn xác định sứ mệnh của mình là làm việc với/vì những người dễ bị tổn thương, đang đứng ở góc độ nào đó bị rơi ra khỏi lưới an sinh xã hội của nhà nước về một số mặt nhất định.

Trong suốt 10 năm vừa qua, nhóm người sử dụng ma túy là đối tượng mà SCDI đã và đang theo đuổi. Trong đó, SCDI có hai mảng chính hỗ trợ người nghiện ma túy là can thiệp hỗ trợ trực tiếp, can thiệp giảm hại, can thiệp hỗ trợ thông qua mạng lưới cộng đồng của người sử dụng ma túy. Đồng thời, vận động chính sách mà SCDI làm việc với các đối tác nhà nước, Chính phủ để cùng hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho đối tác nhà nước chịu trách nhiệm liên quan trong mảng này cũng như vận động cho một môi trường phù hợp hơn liên quan đến người sửu dụng ma túy.

Đặc biệt, vận động theo hướng tăng cường hỗ trợ giảm hại, hỗ trợ hòa nhập đối với người sử dụng ma túy và gần đây, thuật ngữ điều trị người nghiện ma túy được sử dụng nhiều hơn. Bà Hương cho biết thêm, SCDI hướng đến thay vì gọi người sử dụng ma túy là tệ nạn xã hội và cần phải cách ly hoặc tạm thời cách ly, loại bỏ khỏi xã hội một khoảng thời gian thì chuyển hướng sang hỗ trợ họ để họ dần ổn định tình trạng sử dụng của mình cũng như hướng đến việc dừng sử dụng.

Tất nhiên, ai cũng muốn, kể cả SCDI, mong muốn rằng không có thêm người sử dụng ma túy. Đặc biệt là không có thêm nhiều người bắt đầu sử dụng ma túy cũng như những người đã sử dụng thì dừng sử dụng. Nhưng câu chuyện dừng sử dụng ma túy không đơn giản như mình muốn là được. Do đó, trong quá trình vẫn còn người dùng ma túy thì dùng thế nào để ít bị hại nhất cho chính người đó và những người xung quanh. Đó là những thứ SCDI muốn làm với người sử dụng ma túy.

Năm 2013, khi luật xử lý vi phạm hành chính ra đời, quy định quy trình đưa người đi cai nghiện bắt buộc đã thay đổi và để đưa người đi cai nghiện bắt buộc phải trải qua một quá trình từ việc giáo dục tại xã phường thị trấn, tái phạm bao nhiêu lần rồi mới lập hồ sơ, qua tòa án ma túy xác định nghiện mới đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Năm 2015 đã thay đổi từ nghiện ma túy là tệ nạn sang nghiện là một bệnh liên quan đến não bộ và cai nghiện bắt buộc hay cai nghiện tập trung không giải quyết được hết vấn đề về nghiện. Ngoài ra, không phải ai sử dụng ma túy là nghiện. Do sự thay đổi trong quan điểm cũng như cách tiếp cận từ nhà nước nên các hoạt động của SCDI cũng dần được điều chỉnh và thay đổi theo. Tuy nhiên, tầm nhìn và sứ mệnh vẫn là những hoạt động nhằm nâng cao giá trị, nâng cao quyền năng, nâng cao nhận thức của người sử dụng ma túy cũng như hỗ trợ giảm hại để họ có cuộc sống tốt hơn.

Liên quan đến mảng can thiệp hỗ trợ trực tiếp cho họ thì SCDI làm việc với các tổ chức dựa vào cộng đồng, các nhóm tự lực của người sử dụng ma túy ở các tỉnh thành trên toàn quốc. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có mạng lưới của người sử dụng ma túy, liên kết với nhau, làm các công việc của cộng đồng để hỗ trợ nhau trong việc hòa nhập và giảm hại. SCDI không cung cấp dịch vụ trực tiếp nhưng hỗ trợ các nhóm và cộng đồng người sử dụng ma túy trong các khuôn khổ dự án khác nhau từ dự án toàn cầu về phòng chống HIV cho đến các dự án của các nhà tài trợ khác để chạy các chương trình hỗ trợ người sử dụng ma túy.

Bà Nguyễn Hoài Hương cho biết, chia sẻ trong một sự kiện truyền thông về giảm hại và tiến tới ngừng sử dụng ma túy.

Các hoạt động chính thông qua mạng lưới cộng đồng này chủ yếu là tiếp cận, truyền thông các kiến thức liên quan đến ma túy, các loại ma túy, giảm hại như thế nào, các thông tin liên quan đến bệnh tật khi sử dụng ma túy dễ lây lan như nhiễm HIV với người tiêm chích không an toàn, sử dụng chung bơm kim tiêm,…

Hoặc các bệnh dễ lây nhiễm khác của người sử dụng ma túy như viêm gan B, C hay lao,... Các nhóm dựa vào cộng đồng cũng tổ chức truyền thông hàng tuần, hàng tháng cho những người sử dụng ma túy trên địa bàn của họ để ngươi sử dụng ma túy biết đến và có các biện pháp phòng tránh lây nhiễm cho mình và lây nhiễm cho cộng đồng. Hàng năm, SCDI hỗ trợ các tổ chức dựa vào cộng đồng này cũng như mạng lưới người sử dụng ma túy để nâng cao năng lực cho họ vì họ đều là những người đến từ cộng đồng người sử dụng ma túy. Có rất nhiều người trước đây sử dụng ma túy đã trở thành cộng tác viên hoặc tiếp cận viên của nhóm và phần nhiều trong số họ đã đoạn tuyệt được với ma túy, giữ sạch rồi quay trở lại giúp đỡ anh chị em trong cộng đồng.

Những người vẫn còn dùng ma túy hoặc những bạn có nhiều nguy cơ bị nghiện. Ví dụ, người sử dụng lâu rồi thì bị nghiện nhưng có những bạn trẻ mới sử dụng ma túy nhưng chưa nghiện thì các bạn cũng tiếp cận để cung cấp thông tin, các bạn tự giảm hại cho mình.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, SCDI cùng với một số đối tác ở địa phương như Hải Phòng, Hà Nội, TP HCM, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu có tổ chức điểm tư vấn hỗ trợ điều trị nghiện dựa vào cộng đồng.

Qua làm việc trực tiếp với người sử dụng ma túy thì thời gian cắt cơn cai nghiện chỉ là thời gian ngắn nhưng để hỗ trợ được họ giữ được sạch, ngừng sử dụng thì liên quan đến rất nhiều vấn đề khác như: Sức khỏe thể chất nói chung, tâm thần, các kiến thức cũng như các chế độ dinh dưỡng khác. Theo đề án hỗ trợ người cai nghiện ma túy thì dần dần sẽ giảm thiểu cơ sở cai nghiện bắt buộc và chuyển sang hướng đa chức năng bao gồm từ cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện và điều trị Methadone.

Với việc chuyển đổi trên sẽ có tác dụng nhiều hơn nữa liên quan đến chi phí cần phải bỏ ra. Nếu đưa một người vào trung tâm thì phải tốn rất nhiều chi phí cho người đó cũng như các chi phí vận hành trung tâm mà cũng chỉ có 1 thời hạn nhất định. Và khi về cộng đồng thì có đến hơn 90% tái nghiện.

Do vậy, SCDI thí điểm với các nhóm dựa vào cộng đồng cũng như các đối tác địa phương thành lập điểm tư vấn hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng và bắt đầu thí điểm từ năm 2016 đến nay. Mô hình điểm tư vấn hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng thì khung cứng là những người ở địa bàn, tại địa phương, tại phường và đặt tại trạm y tế xã phường.

Người giữ vai trò cán bộ chuyên trách hay cán bộ điều phối là người tại hệ thống xã phường đó. SCDI hỗ trợ kỹ thuật các phường này trong sự hợp tác với Cục phòng chống tệ nạn xã hội và các chi hội, UBND các quận, phường đặt điểm. “Chúng tôi cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về mảng điều trị nghiện này mong muốn những điều tốt hơn cho xã hội, quản lý được, ổn định được trật tự xã hội”, bà Hương nhấn mạnh.

=

Hoa Đỗ - Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-truyen-thong-kien-thuc-cach-giam-hai-cho-nguoi-su-dung-ma-tuy-de-tu-do-tu-bo-162860.html