Cần tước bằng lái vĩnh viễn người tái diễn vi phạm giao thông

Nhiều ý kiến cho rằng, cần xử phạt mức thật cao với những trường hợp tái phạm, vi phạm giao thông nhiều lần để tăng tính răn đe.

Người vi phạm giao thông đến Đội CSGT số 6, Hà Nội giải quyết nộp phạt

Người vi phạm giao thông đến Đội CSGT số 6, Hà Nội giải quyết nộp phạt

Trên thực tế, có nhiều trường hợp tài xế vi phạm giao thông nhiều lần liên tiếp, nhưng chỉ bị xử phạt như bình thường hoặc cao nhất thì kịch khung mức phạt. Nhiều ý kiến cho rằng, cần xử phạt mức thật cao với những trường hợp tái phạm, vi phạm giao thông nhiều lần để tăng tính răn đe.

Phạt xong... lại vi phạm

Ngày 15/3, Tổ TTKS của Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ trên đường Phạm Hùng đã phát hiện xe khách BKS 21B-251x do tài xế N.V.B. (SN 1980, ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) điều khiển chạy tuyến Yên Bái - Mỹ Đình và ngược lại vi phạm lỗi mở cửa xe khi đang chạy. Với lỗi vi phạm này, mức phạt là từ 800.000 - 1 triệu đồng. Nhưng do ngày đầu tháng 3, tài xế B. cũng đã vi phạm lỗi này, nên lần này, Đội CSGT số 6 tiến hành xử phạt tài xế B. mức kịch khung là 1 triệu đồng.

Tương tự, tài xế T.T.H. (SN 1978, ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) điều khiển ô tô BKS 19B-937x chạy tuyến TP Việt Trì đi Mỹ Đình (Hà Nội) vi phạm lỗi dừng đỗ xe nơi có biển cấm dừng, cấm đỗ. Theo quy định với lỗi này, tài xế vi phạm lần đầu phạt 600.000 đồng, nhưng do tài xế H. đã vi phạm lần trước, nên mức phạt kịch khung là 800.000 đồng.

Thiếu tá Nguyễn Việt Anh, Đội CSGT số 6 cho biết, quá trình xử lý vi phạm giao thông, khi nhập hồ sơ dữ liệu vi phạm, CSGT sẽ phát hiện được tài xế đó có vi phạm liên tiếp không. Nếu trong một tuần, một tháng, tài xế có cùng một lỗi vi phạm, thì lần 2 sẽ bị áp dụng xử phạt ở mức cao nhất.

Theo Trung tá Vũ Kiên Cường, Đội CSGT số 10 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), quá trình kiểm tra, xử lý theo chuyên đề tốc độ, nhiều ô tô con lưu thông trên QL21B thường vi phạm mức từ 5km đến dưới 10km. Với lỗi này, khung phạt từ 800.000 - 1 triệu đồng. Thông thường, CSGT sẽ xử lý mức trung bình là 900.000 đồng và nếu lần sau vẫn vi phạm hành vi chạy quá tốc độ thì bị xử phạt kịch khung 1 triệu đồng.

“Quá trình kiểm tra chuyên đề tốc độ, đơn vị phát hiện nhiều tài xế vi phạm liên tiếp lỗi tốc độ, có khi vừa bị lập biên bản trên địa bàn quận Hà Đông với lỗi vi phạm trên, thì khi tài xế này chạy xe đến QL21B lại vi phạm tiếp, vẫn chỉ ở mức 5 - 10km”, Trung tá Cường thông tin và cho biết, hiện CSGT vẫn xử tăng mức phạt đối với tài xế vi phạm liên tiếp. Tuy nhiên, mức kịch khung ở nhiều lỗi vi phạm chỉ nhỉnh hơn 100.000 - 200.000 đồng nên nhiều khi chưa có hiệu quả răn đe.

Ngoài ra, nhiều trường hợp, khi không tra cứu được thông tin tài xế đó đã từng vi phạm, hoặc vì muốn tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông, nên vi phạm thường chỉ bị xử phạt lỗi tại thời điểm vi phạm, không tính đến yếu tố vi phạm lần trước đó.

Cần phạt thật nặng hành vi tái phạm

Ngoài xử phạt thật nặng hành vi tái phạm, vi phạm giao thông liên tiếp, chúng ta cần nghiên cứu để bổ sung quy định khen thưởng, khuyến khích các tài xế nhiều năm chấp hành tốt pháp luật trật tự ATGT. Như ở Úc, người nào điều khiển phương tiện lưu thông 20 năm không vi phạm thì được cấp một GPLX màu vàng để được ưu tiên đi vào làn xe vắng hơn.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM

Về vấn đề này, ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, thực tế đời sống xã hội có nhiều trường hợp vi phạm hành chính nhưng tái phạm, vi phạm nhiều lần. Hành vi tái phạm phổ biến nhất là lĩnh vực giao thông, có những trường hợp người vi phạm tái phạm nhiều lần nhưng hình thức xử lý chưa được thực hiện nghiêm túc, thiếu tính răn đe.

Theo ông Xuyền, Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện đã quy định rõ thế nào là tái phạm, nhưng thực tiễn áp dụng vẫn gây nhiều tranh cãi. Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ có những sửa đổi, bổ sung cụ thể để các cơ quan thực thi pháp luật dễ dàng áp dụng trong thực tế xử lý hành vi tái phạm. “Đối với vi phạm giao thông, theo quan điểm của tôi là không xử phạt nặng đối với việc vi phạm lần đầu vì còn nhiều yếu tố như nhận thức của người vi phạm còn hạn chế, quy định xử phạt chưa được tuyên truyền sâu rộng. Tuy nhiên, đối với hành vi tái phạm thì phải xử phạt thật nặng vì họ đã vi phạm, đã biết những lỗi đó nhưng lại tiếp tục tái phạm”, ông Xuyền nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nhiều quốc gia, hành vi tái phạm, vi phạm giao thông nhiều lần có thể bị phạt tù. Tuy nhiên, ở Việt Nam, điều này lại rất phổ biến. “Hiện theo quy định, những hành vi vi phạm giao thông nhiều lần ở Việt Nam cũng chỉ xử lý hành chính. Để tạo tính răn đe, đánh vào ý thức, thì cần tăng nặng xử phạt các hành vi tái phạm, vi phạm nhiều lần, ngoài phạt tiền cao hơn, còn nên áp dụng các hình phạt bổ sung như là cấm hành nghề một thời gian, tước GPLX”, luật sư Cường nói.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cũng cho rằng: Mức xử lý vi phạm hành chính hiện nay mặc dù đã tăng, nhưng mới chỉ áp dụng xử phạt một lần, dẫn tới tái vi phạm, vi phạm nhiều lần và nhờn luật.

Theo luật sư Hậu, đối với những trường hợp tài xế vi phạm những lỗi là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT như sử dụng ma túy, rượu bia, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ... nếu tái phạm thì không chỉ phạt kịch khung, mà cần có biện pháp nghiêm khắc hơn, như tước GPLX vĩnh viễn, cấm hành nghề... “Cần phạt thật nặng đối với người tái vi phạm mới đủ sức răn đe”, luật sư Hậu đề xuất.

Văn Huế - Việt Hòa

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/tai-dien-vi-pham-giao-thong-can-phat-nang-d457700.html