Cần ưu tiên cho trẻ em vùng khó khăn, miền núi, vùng biên giới

Chiều 23-3, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).

Trước khi các đại biểu Quốc hội thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).

Theo báo cáo, một trong những vấn đề được các đại biểu rất quan tam là điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi nhằm thống nhất việc sử dụng thuật ngữ “người chưa thành niên” và hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, vẫn có nhiều đại biểu băn khoăn với việc nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi vì nó sẽ gây ra một số hệ luy.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) cho biết, thực tế hiện nay, trẻ em trưởng thành sớm hơn trước, tại sao lại tăng độ tuổi của trẻ em lên? Việc tăng tuổi trẻ em sẽ không tương thích với các luật khác, tạo ra nhiều vấn đề cho xã hội như như nạn tảo hôn... Đại biểu cho biết, theo phong tục ở vùng núi phía Bắc, 16 tuổi, thậm chí ở độ tuổi thấp hơn đã lập gia đình. Vì vậy, nếu nâng độ tuổi trẻ em lên thành 18 tuổi sẽ dẫn đến tình trạng tảo hôn trái pháp luật tràn lan. Mặt khác, nếu quy định trẻ em dưới 18 tuổi, khi đất nước có xâm lược thì không lẽ chúng ta tổng động viên cả trẻ em ra trận?

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: V.H

Còn theo đại biểu Trương Trong Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), nếu chúng ta quy định từ 16 đến dưới 18 tuổi vẫn là trẻ em thì một loạt hành vi dân sự của các thanh thiếu niên ở lứa tuổi này là phải tính toán lại từ Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình.

Ngoài ra, Luật cũng được điều chỉnh, bổ sung nâng cao hiệu quả trong việc bảo vệ trẻ em, quy định về trách nhiệm của Chính phủ trong việc hướng dẫn quy trình, thủ tục xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp với từng trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần hỗ trợ, can thiệp.

Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình), đề nghị bổ sung thêm một số chính sách để thực hiện các quyền của trẻ em. Theo đó, trong dự thảo luật quy định 25 quyền của trẻ em, đây đều là những quyền cơ bản không thể thiếu. Theo đại biểu, nếu xét về góc độ chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển toàn diện của trẻ thì Luật cần bổ sung quyền sống chung với gia đình của trẻ em. Bởi lẽ, trên thực tế, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau mà nhiều trẻ em sinh ra không được sống chung với cha mẹ mà phải sống chung với người thân.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) kiến nghị, cần bổ sung một số đối tượng trẻ em yếu thế vào nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (khoản 1, điều 10), như nhóm trẻ em di cư để tránh thiệt thòi cho các em, tránh bị bóc lột, xâm phạm.

Ngoài ra, cần bổ sung cho trẻ mắc bệnh hiếm theo quy định của Bộ Y tế như các bệnh về gen, xương thủy tinh, đột biến vào khoản 1, điều 10. Bởi hiện nay, ở Việt Nam, tuy tỷ lệ trẻ em mắc bệnh hiếm vẫn ít nhưng không phải là không có. Những bệnh này nếu có được điều trị thì trẻ em sẽ phát triển bình thường, tuy nhiên chưa được bảo hiểm thanh toán. Do vậy, nếu thêm những đối tượng này vào luật thì sẽ giúp đỡ các em và gia đình, đồng thời đón đầu, phòng tránh được cho trẻ em các bệnh nguy hiểm.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn. Ảnh: V.H

Nhận thấy việc chăm sóc sức khỏe trẻ em ở vùng núi, vùng khó khăn, miền núi biên giới, biển đảo còn nhiều hạn chế, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đề nghị, Điều 43, 44 về bảo đảm chăm sóc sức khỏe trẻ em cần bổ sung thêm một khoản ưu tiên cho trẻ em vùng khó khăn, vùng núi, dân tộc. Bởi theo đại biểu, hiện vấn đề chăm sóc trẻ em vùng núi, đặc biệt là các xã thuộc Chương trình 135 rất khó khăn.

Do vậy, những trẻ em này cần được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả tiền ăn, tiền chữa trị, tiền đi lại trong quá trình khám chữa bệnh, nhằm giảm bớt khó khăn cho các em và gia đình. Đại biểu Nguyễn Văn Tiên cho biết thêm: Hiện nay, ở vùng núi vẫn có tình trạng trẻ sinh ra không được khai sinh, không có thẻ Bảo hiểm y tế nên không thể chữa bệnh. Đại biểu cho rằng, trong luật cần bổ sung đối tượng trẻ em không có giấy tờ cũng được khám, chữa bệnh như trẻ em có Bảo hiểm y tế; UBND cấp tỉnh nơi bố mẹ cư trú cần có trách nhiệm để tạo thuận lợi hơn cho gia đình.

Liên quan đến tình trạng tảo hôn, đại biểu Nguyễn Văn Tiên nêu nạn tảo hôn rất phổ biến ở nhiều vùng miền núi, với tỉ lệ từ 3 đến 10%. Tuy nhiên, có xã can thiệp việc này rất tốt, có xã làm chưa tốt. Đại biểu kiến nghị, Điều 51, 52 của luật cần quy định trách nhiệm để cấp cơ sở thực hiện các biện pháp vận động, can thiệp nhằm hạn chế tỷ lệ tảo hôn.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/can-uu-tien-cho-tre-em-vung-kho-khan-mien-nui-vung-bien-gioi/