Cần ưu tiên phát triển công nghệ ở những lĩnh vực có lợi thế

Các nhà khoa học cho rằng, Việt Nam nên chọn những lĩnh vực có lợi thế, ưu tiên để tập trung phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, nên đầu tư vào những đề tài công nghệ có tính ứng dụng cao, đem lại hiệu quả và giải được các bài toán thực tế.

Tại hội nghị góp ý dự thảo Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (Chiến lược) giai đoạn 2021 – 2030, GS Nguyễn Năng Định, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết có 7 lĩnh vực nên đưa ra để phát triển mũi nhọn, trong đó có công nghệ giao thông, chế tạo máy, nông lâm ngư nghiệp trong đó có nông nghiệp xanh sạch, khoáng sản - dầu khí, luyện kim và vật liệu tiên tiến, y sinh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục - đào tạo.

Cũng tại đây, GS Lưu Văn Bôi, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nêu quan điểm, nước ta còn nghèo, tiềm lực khoa học công nghệ còn yếu, không thể đầu tư tất cả các lĩnh vực. Do đó cần phải chọn ra một số lĩnh vực ưu tiên.

Biến đổi khí hậu là vấn đề cần ưu tiên đầu tư trọng tâm trong giai đoạn tới. Sự tồn tại của Đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề ngập mặn, mưa lũ tàn phá miền Trung, sạt lở ở miền núi... thiết thân với người dân. Bên cạnh đó, cho rằng dịch bệnh, y tế công cộng, các lĩnh vực phi truyền thống... cần được quan tâm giải quyết bằng khoa học công nghệ.

"Phát triển công nghệ không có nghĩa là chạy đua mà không phù hợp. Công nghệ phải đưa được vào sản xuất, ai cũng hiểu, dùng được. Đầu tư phải có trọng điểm", GS Đinh Văn Bôi nói.

Các nhà khoa học cho rằng, Việt Nam nên chọn những lĩnh vực có lợi thế, ưu tiên để tập trung phát triển công nghệ.

Các nhà khoa học cho rằng, Việt Nam nên chọn những lĩnh vực có lợi thế, ưu tiên để tập trung phát triển công nghệ.

Liên quan đến đầu tư khoa học trọng điểm, GS Lê Huy Hàm cho rằng hệ thống khoa học công nghệ trong nước quá lớn, cồng kềnh nên ngân sách không thể đảm bảo đầu tư tới hạn để phát huy hiệu quả. Do vậy, để chuyển dịch từ ứng dụng công nghệ sang sáng tạo ra công nghệ, cần có cơ chế tài chính phù hợp, hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực. Chỉ tập trung đầu tư vào những đề tài công nghệ có tính ứng dụng cao, đem lại hiệu quả. Để thành công, một mình Bộ Khoa học và Công nghệ không làm được mà cần có sự đồng lòng của cả hệ thống.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, xu thế chung thế giới, trong hệ thống đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp là trung tâm. Chiến lược này của Việt Nam cũng đi theo hướng đó. Dù vậy, chủ thể nghiên cứu vẫn là các viện và trường đại học. Doanh nghiệp là đơn vị đặt hàng, đưa ra đầu bài để nhà khoa học nghiên cứu, sau đó trở lại ứng dụng vào sản xuất của doanh nghiệp.

Thực trạng ở Việt Nam, có một thời gian yêu cầu nhóm nghiên cứu phải ra được sản phẩm thương mại. Điều này là sai về quy trình. Nhà khoa học chỉ có thể đưa ra được sản phẩm trí tuệ, không thể có quy trình sản xuất hay tiềm lực đầu tư tài chính, marketing hay tính mạo hiểm như doanh nghiệp. Đó là lý do để Chiến lược lần này đưa doanh nghiệp là trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, trong Chiến lược lần này, trường đại học phải là chủ thể nghiên cứu mạnh. Trường đại học có nguồn lực tốt, có các thế hệ kế cận, đội ngũ sinh viên, thạc sỹ, nghiên cứu sinh... đông đảo, gắn với đào tạo. Theo đó, các công nghệ mới, tiên tiến nhất, được ứng dụng nhiều nhất, sẽ phải ra đời từ các trường đại học.

Dự thảo Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (Chiến lược) giai đoạn 2021 – 2030 do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo. Dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện, dự kiến tháng 11 sẽ trình Chính phủ.

Huyền Phạm

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/can-uu-tien-phat-trien-cong-nghe-o-nhung-linh-vuc-co-loi-the/20211014085207487