Cần vào cuộc xử lý nghiêm hoạt động tiêu cực liên quan 'Hội Thánh Đức Chúa Trời'

Một tổ chức tiêu cực phi tôn giáo có tên 'Hội thánh Đức Chúa Trời' đang hoạt động diễn ra có nhiều biểu hiện tiêu cực, khiến phần lớn người tham gia bị u mê, cho rằng mình không phải là người bình thường mà là người trời, nhiều người theo tổ chức này đã bỏ học, bỏ cả công việc, vợ chồng mâu thuẫn, ly hôn,... đang gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận xã hội.

“Hội Thánh Đức Chúa Trời” hoạt động ra sao?

Theo các cơ quan chức năng, qua tìm hiểu được biết đây là phong trào tôn giáo bắt nguồn từ Hàn Quốc được thành lập vào năm 1985 với hơn 2 triệu tín đồ phân bố tại 175 quốc gia có tên “Hội Thánh Đức Chúa Trời” (còn gọi tên khác là “Thánh Đức Chúa Trời Mẹ”).

Giáo lý của tổ chức này có một số nội dung mang tính chất tà giáo, không đúng với Kinh thánh truyền thống của Cơ đốc giáo và bị cả Tin lành chính thống đặc biệt là Hội thánh Công giáo chỉ trích kịch liệt.

Tại Việt Nam, “Hội Thánh Đức Chúa Trời” truyền vào từ năm 2001, do một số giáo sĩ Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam và một số cá nhân làm việc ở Hàn Quốc trở về. Đến nay, tổ chức này đã phát triển được trên 2.300 người tin theo trên phạm vi 20 tỉnh thành phố, xu hướng hoạt động của tổ chức này ở miền Bắc và miền Nam độc lập về tổ chức, đường hướng hoạt động có sự khác nhau.

Trụ ở chính của tổ chức này tại 352/5C Lê Văn Quới, phường Bình Hòa A, quận Tân Bình, TPHCM, do Nguyễn Văn Hòa làm trưởng ban.

“Hội thánh Đức Chúa Trời” có các đối tượng cầm đầu, tổ chức giảng đạo, hoạt động trái phép thường được gọi là các “chấp sự”. Tổ chức tà đạo này không phân cấp quản lý mà tổ chức theo từng nhóm (Sion) khoảng 30 tín đồ, không có chức sắc lãnh đạo chung; tín đồ có uy tín hay hiểu biết sâu rộng về việc đạo sẽ hướng dẫn việc sinh hoạt đạo cho các tín đồ khác.

Khi đủ số lượng, một tín đồ chủ chốt đủ điều kiện sẽ tách ra thành lập Sion mới và tiếp tục thu hút các tín đồ. Người chủ chốt này thường lợi dụng danh nghĩa mở các văn phòng đại diện, thành lập công ty, buôn bán hàng đa cấp, trung tâm từ thiện, nhân đạo trá hình... với mục đích là tuyên truyền, phát triển tổ chức.

Ở phía Bắc (chủ yếu ở Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam), tổ chức này hoạt động nặng về mê tín cực đoan, với mục đích là tuyên truyền, phát triển tổ chức gây nhiều phức tạp về trật tự, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hoạt động tôn giáo. Điển hình là tại Hà Nội – nơi có nhiều Sion nhất, lên tới hàng trăm Sion, hoạt động của tổ chức này xuất hiện từ năm 2012 tới nay, tập trung ở các phường Mộ Lao, phường Quang Trung, phường Dương Nội (quận Hà Đông), khu đô thị mới Cầu Bươu, Tân Triều (huyện Thanh Trì), phường Đức Giang, khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên)…

Trước đây, các đối tượng thường thuê nhà 2-3 tầng với giá vài chục triệu đồng/tháng để làm nơi tụ tập, truyền đạo trái phép, tuy nhiên, do bị kiểm tra nên các đối tượng đã chia cơ sở nhỏ lẻ hơn để dễ dàng chuyển địa điểm nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Còn ở Hải Phòng, “Hội thánh Đức Chúa Trời” cũng diễn ra phức tạp tại nhiều quận, huyện như Kiến An, Thủy Nguyên, Tiên Lãng... với hơn 200 người tham gia, chủ yếu là phụ nữ, sinh viên.

PA88 Công an Hải Phòng cho biết, đã phát hiện người đứng đầu tổ chức “Hội thánh Đức Chúa Trời” ở Hải Phòng là đối tượng Đàm Văn Mạnh (29 tuổi, ở thôn Hầu, Lâm Động, Thủy Nguyên, Hải Phòng). Đối tượng là lao động tự do nhưng lại núp bóng giám đốc chi nhánh một công ty chuyên bán hàng đa cấp ở khu đô thị Văn Khê (quận Hà Đông).

Cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm hoạt động tiêu cực phi tôn giáo

Về việc tổ chức hoạt động tôn giáo trái pháp luật, mê tín dị đoan của “Hội thánh Đức Chúa Trời”, ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng, "Hội Thánh Đức Chúa Trời" bao gồm cả các nhóm Tin Lành đã được chính quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Vì vậy, các biểu hiện cực đoan mà báo chí phản ánh xảy ra ở thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên,... liên quan đến tổ chức mang tên "Hội Thánh Đức Chúa Trời" cần được kiểm chứng và phân biệt với các nhóm Tin Lành khác có tên gọi tương tự, tránh đánh đồng với các tổ chức Tin Lành nói chung.

Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định, không có loại hình tôn giáo nào lại đi dụ dỗ, lôi kéo người tham gia dưới những cuộc hội thảo như đa cấp, không có loại hình tôn giáo nào lại đi thu tiền thu nhập hàng tháng của những người tham gia, không có tôn giáo nào lại tuyên truyền những luận điệu về ngày tận thế, về việc con cái không phải do cha mẹ sinh ra… khiến con người sống lạnh lùng với chính người thân, nhẫn tâm quay lưng với tổ tiên nguồn cội, dẫn đến sự lệch chuẩn trong đạo đức xã hội.

Dù biết rằng, ở Việt Nam, nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng của mọi người tuy nhiên, cũng nghiêm cấm các hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Với những hoạt động tiêu cực, cần có sự hướng dẫn, chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những cá nhân có hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ cũng kêu gọi, người dân cần nâng cao nhận thức và cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất và những lời tuyên truyền lừa đảo về ngày tận thế, về sự cứu rỗi của đấng linh thiêng bằng việc nộp tiền, từ bỏ cuộc sống hiện thực, từ bỏ gia đình, công việc,... Các các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm theo pháp luật những hoạt động tiêu cực phi tôn giáo trên.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/phap-luat/can-vao-cuoc-xu-ly-nghiem-hoat-dong-tieu-cuc-lien-quan-hoi-thanh-duc-chua-troi-3925324-c.html