Cần viện trợ khẩn cấp cho Hy Lạp

Baonghean.vn) - Liên minh châu Âu (EU) đang đề xuất tăng thêm viện trợ nhân đạo cho Hy Lạp, quốc gia hiện có hơn 20.000 người tị nạn và di cư mắc kẹt sau khi các đường biên giới bị siết chặt dọc các nước Balkan, ngăn họ di chuyển lên phía Bắc tới những khu vực thịnh vượng hơn của châu Âu.

Người tị nạn và di cư xuống tàu chở khách Diagoras tại cảng Piraeus, gần Athens, Hy Lạp hôm 1/3. Ảnh: Reuters.

Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành EU hôm 1/3 cho biết sẽ đưa ra một bản kế hoạch vào ngày 2/3 nhằm hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho các cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khối nước gồm 28 thành viên, tương đương với những chiến dịch cơ quan này đã triển khai ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas phát biểu tại cuộc họp thường lệ tại Brussels cho biết kế hoạch trên là cần thiết để “ngăn tổn thất nhân đạo xảy ra khi lượng người lớn chưa từng có đặt chân tới EU”.

Schinas khẳng định Ủy ban châu Âu rất quan ngại về việc bùng phát bạo lực tại biên giới Hy Lạp - Macedonia. Phát biểu của ông được đưa ra trong bối cảnh khối nước EU đang hướng về hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngày 7/3 tới với Thổ Nhĩ Kỳ, điểm đến chủ yếu đối với đa số người muốn tìm về châu Âu.

Hơn 1 triệu người tị nạn và di cư đã đến châu Âu trong năm ngoái - hầu hết là đi qua Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp - và đến thời điểm này của năm 2016 lại có thêm 130.000 người nữa.

Không đủ khả năng ứng phó, Hy Lạp và các nước khác dọc theo tuyến đường di cư chính đã có xu hướng cho dòng người đi qua lãnh thổ của mình, khiến khu vực Schengen của châu Âu rơi vào bờ vực sụp đổ.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hôm 29/2 đã thảo luận với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk sẽ tới thăm Áo, Slovenia, Croatia, Macedonia, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này.

Brussels và Berlin, hiện đang đấu tranh để đưa ra kế hoạch chung của châu Âu nhằm giảm bớt tác động của khủng hoảng di cư, rót tiền cho Thổ Nhĩ Kỳ để giảm nhanh số người tiếp cận với châu Âu, mà rất nhiều trong số đó là chạy trốn chiến tranh tại Syria.

Tuy nhiên, ngày càng có thêm nhiều quốc gia EU xem việc đơn phương thắt chặt biên giới của riêng họ là cứu cánh, tìm cách kiểm soát dòng người và ngăn lượng người đến gia tăng trong tháng 3 khi thời tiết có nhiều chuyển biến tốt.

Áo, điểm dừng chân cuối cùng của người tị nạn và di cư trước khi tới điểm đến hàng đầu là Đức, đã chọc giận Athens, Berlin và Brussels hồi tháng trước khi tuyên bố mức trần người di cư mà nước này tiếp nhận giải quyết mỗi ngày.

Thủ tướng Werner Faymann đã bênh vực động thái trên, cho rằng Áo không thể trở thành “phòng chờ” của Đức.

Ông Tusk, hiện đang có mặt tại Vienna trong giai đoạn đầu của chuyến đi dọc tuyến đường Balkan trước thềm hội nghị thượng đỉnh, phát biểu sau các đàm phán với ông Faymann: “Chúng ta phải cùng nhau đối mặt với những hậu quả do chính quyết định của chúng ta đưa đến. Quốc gia mà chúng ta phải đặc biệt hỗ trợ chính là Hy Lạp”.

Thu Giang

(Theo Reuters)

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/quoc-te/201603/can-vien-tro-khan-cap-cho-hy-lap-2669872/