Cần xây 2 lớp kè chắn sóng để chấm dứt xói lở - bồi lấp ở Cửa Đại

Ngày 25/4, dẫn đầu đoàn công tác của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã có chuyến thực tế Cửa Đại (phường Cửa Đại, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam báo cáo về tình hình xói lở, bồi lấp ở Cửa Đại với đoàn công tác của Quốc hội

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam báo cáo về tình hình xói lở, bồi lấp ở Cửa Đại với đoàn công tác của Quốc hội

Ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, vấn đề xói lở và bồi lấp ở Cửa Đại diễn biến theo mùa, bắt đầu từ năm 2004 đến nay với tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở là 8km. Để chống sạt lở bờ biển Cửa Đại, TW và địa phương đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng kè cứng, đê ngầm cách 200m và bồi cát. Tuy nhiên, tất cả những giải pháp mang tính tạm thời trên đều không mang lại hiệu quả. Bằng chứng là chỉ trong vòng 2 năm qua, 3km bờ biển Cửa Đại đã lâm vào tình cảnh sạt lở nghiêm trọng.

“UBND tỉnh đã lập phương án trình Chính phủ và xin cấp vốn đầu tư 700 tỷ đồng để triển khai thêm tuyến đê ngầm, nuôi bãi, kè bờ và nạo vét ngay ở khu vực bờ biển thuộc bãi tắm Cửa Đại. Dự kiến, dự án này có tổng chiều dài khoảng 2,5km, trong đó kè mềm sẽ do TP. Hội An thực hiện”- ông Thu nói.

Tại đây, ông Thu cũng đã báo cáo với đoàn công tác về đảo cát mới hình thành ở vùng biển Cửa Đại. Ông Thu cho biết, cồn cát đã xuất hiện từ rất lâu. Tuy nhiên, đến tháng 2/2018, cồn cát mới nhô lên mặt nước. Đặc biệt, từ tháng 2/2019, tốc độ bồi bắt đầu nhanh hơn và có xu hướng mở rộng kích thước.

Việc bơm cát vẫn được tiếp tục để chống sạt lở ở Cửa Đại

Cụ thể, qua đợt khảo sát mới đây của Chi cục Phòng chống thiên tai Miền Trung và Tây Nguyên, cồn cát đang tiếp tục phát triển theo hướng bồi về cả 3 hướng phía Bắc (bồi diện rộng), hướng Đông lẫn hướng Nam. Riêng hướng Tây thì vị trí các cọc (12 cọc tre đóng ngày 31/3) cơ bản vẫn không thay đổi so với mép nước.

Đảo cát hiện tại có kích thước như sau: Diện tích phần nổi: 13,625ha (đo đạc, tính toán từ 733 điểm bấm tọa độ); Chu vi: 3,649km. Chiều dài (2 điểm xa nhất): 1.126m (tăng 83m về phía Bắc và Nam). Chiều rộng lớn nhất: 220m (tăng 20m về phía Đông, so với thời điểm quan trắc 9h ngày 31/3 là 200m). Chiều cao trung bình so với mặt nước biển: 2m.

Sau khi lắng nghe báo cáo của đại diện lãnh đạo địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, trước tiên, tỉnh Quảng Nam cần sớm phối hợp với các nhà chuyên môn tìm hiểu nguyên nhân hình thành đảo cát ở cửa hạ nguồn sông Thu Bồn. Để từ đó, có phương án tối ưu đối với đảo cát.

Bộ trưởng Bộ trưởng Trần Hồng Hà nghe báo cáo về công tác xử lý chống xói lở ở Cửa Đại, Hội An

Đề cập đến tình trạng sạt lở trở thành “bài toán” nan giải đối với địa phương Quảng Nam trong nhiều năm qua, Phó Chủ tịch Quốc hội gợi ý, tỉnh Cà Mau đã triển khai công trình xây dựng 2 lớp đê ngầm chắn sóng và cho thấy hiệu quả rõ ràng.

“Nếu được phê duyệt kinh phí đầu tư, chúng ta cần xem xét phương án xây dựng kè chắn sóng 2 lớp. Trong đó, lớp ngoài sẽ là tuyến đê ngầm nhằm giảm áp lực của sóng biển đánh vào bờ. Khi ấy, bờ biển sẽ được đảm bảo”- ông Hiển chia sẻ.

Liên quan đến việc xói lở - bồi lấp ở Cửa Đại, trước đó, vào chiều 10/4, Bộ trưởng Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Tài nguyên & Môi trường cùng Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan - bà Cornelia Van Nieuwenhuizen đã có chuyến thực tế khu vực bờ biển Cửa Đại.

Tình trạng sạt lở ở Cửa Đại đã diễn ra 15 năm nay

Tại đây, nhà chức trách cùng chuyên gia Hà Lan đã gợi ý Việt Nam nên xây đảo nhân tạo ngay tại vùng biển Cửa Đại và cho rằng đó là điều hoàn toàn phù hợp.

Trước những ý kiến đóng góp của Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước cùng chuyên gia Hà Lan, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà bày tỏ, việc xây dựng đảo nhân tạo là một ý tưởng táo bạo. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, nếu thực hiện thì các bên cần nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ trước khi quyết định vì đây là khu vực liên quan đến an ninh quốc phòng, tiếp giáp với khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, khu bảo tồn biển và thường xuyên chịu tác động của gió bão mạnh kèm sóng lớn hàng năm, chế độ dòng chảy phức tạp.

“Tôi đánh giá cao những thành tựu mà Hà Lan đã đạt được trong việc chống xói lở. Tuy nhiên cần có sự tham gia của các nhà khoa học của Hà Lan cũng như của Việt Nam cùng nhau nghiên cứu, tổ chức các hội thảo khoa học để đưa ra giải pháp có tính bền vững của dự án”- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Lan Anh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/can-xay-2-lop-ke-chan-song-de-cham-dut-xoi-lo-boi-lap-o-cua-dai-1268477.html