Cần xây dựng cơ chế can thiệp thị trường vàng

Chiều 15-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc phiên họp thứ 33.

Phát biểu bế mạc, Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn cho biết sau 3 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, UBTVQH đã hoàn thành chương trình phiên họp để cho ý kiến các nội dung còn lại trình QH tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới.

Kỳ họp thứ 7 của QH dự kiến diễn ra từ ngày 20-5 đến ngày 27-6. QH sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó có 24 nội dung thuộc công tác lập pháp, 15 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và xem xét các vấn đề quan trọng khác. Trong đó có những nội dung có ý nghĩa rất lớn về kinh tế - xã hội như Quy hoạch không gian biển quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam…

Tại phiên thảo luận về báo cáo công tác dân nguyện tháng 4-2024 diễn ra cùng ngày, ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện, nêu một trong những vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm, đó là giá vàng liên tục biến động và tăng cao, nguy cơ tác động xấu đến nền kinh tế, đời sống người dân. Ban Dân nguyện kiến nghị UBTVQH đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số bộ ngành có giải pháp tăng cường công tác thanh tra, giám sát thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Đồng thời, tăng cường xử lý buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng thị trường bảo đảm cho thị trường vàng ổn định, minh bạch, lành mạnh.

Thảo luận tại phiên họp về báo cáo công tác dân nguyện, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định Bộ Công an đã kiến nghị, tham mưu Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định 24 năm 2012 về độc quyền vàng miếng SJC, tăng cường quy mô dự trữ vàng, quản lý khuôn vàng miếng SJC tại nhà máy in tiền quốc gia.

Nêu rõ hơn một số giải pháp, Trung tướng Lê Quốc Hùng cho hay Bộ Công an kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương xây dựng, áp dụng cơ chế can thiệp của cơ quan quản lý vào thị trường vàng như các cơ chế can thiệp vào giá mua, giá bán, cơ chế can thiệp vào cung - cầu thị trường. NHNN cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật thị trường như kiểm soát tối đa nguyên liệu đầu vào, chất lượng sản phẩm. Bộ Tài chính cần nghiên cứu triển khai, thực hiện giải pháp về quản lý thuế, hóa đơn điện tử nhằm ngăn chặn tình trạng mua vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ không có hóa đơn, chứng từ, góp ổn định thị trường vàng.

Cũng tại phiên họp 33, UBTVQH đã cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Các ý kiến tại phiên họp kiến nghị Chính phủ có giải pháp giải quyết vướng mắc về pháp lý triển khai dự án, việc huy động vốn khó khăn dẫn đến nhiều dự án phải giãn tiến độ, dừng triển khai...

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/can-xay-dung-co-che-can-thiep-thi-truong-vang-196240515215917319.htm