Cần xây dựng cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường vùng nông thôn

Tiếp tục phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, chiều 15-11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã trả lời các vấn đề 'nóng' về môi trường. Trong đó, nhiều đại biểu lo lắng về môi trường nông thôn đang bị ô nhiểm nặng nề, đặc biệt tại các cụm công nghiệp, làng nghề; sự cố môi trường ở 4 tỉnh miền Trung. Do đó, các đại biểu đề nghị Bộ trưởng trả lời các vấn đề liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư và trách nhiệm của các bộ, ban, ngành về sự cố môi trường 4 tỉnh miền Trung.

Đại biểu Ma Thị Thúy chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Ảnh: Văn Bình

Đại biểu Ma Thị Thúy chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Ảnh: Văn Bình

Môi trường nông thôn ô nhiễm nghiêm trọng

Đối với vấn đề ô nhiễm môi trường ở vùng nông thôn đã có nhiều đại biểu đặt câu hỏi chất vấn. Theo đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn đang rất nghiêm trọng, rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và nhất là các loại vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật trực tiếp thải ra môi trường đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân.

Trước nhiều câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã chia sẻ với sự lo lắng của các đại biểu và đồng tình với nhân định của đại biểu Thúy. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, thực tế các vùng nông thôn chính là nơi đang chịu tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, quá trình dịch chuyển các khu công nghiệp ô nhiễm sang khu vực nông thôn, nên hoạt động kinh tế ở đây rất sôi động, kéo theo môi trường bị ô nhiễm nặng nề.

Đặc biệt, ở nông thôn, các làng nghề, cụm công nghiệp thường ở xen với dân, công tác quy hoạch không tốt. Bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều cụm công nghiệp mọc lên nhưng chỉ có 5% cơ sở có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các làng nghề cơ bản chưa có biện pháp quản lý về môi trường.

“Vấn đề quản lý môi trường nông thôn do Bộ TN&MT chịu trách nhiệm quản lý chung. Nhưng trong phân định hạ tầng về môi trường, hạ tầng xử lý chất thải lại giao cho nhiều bộ khác nhau, trong đó, trách nhiệm trực tiếp và cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dẫn đến việc ở đô thị, môi trường được kiểm soát chặt chẽ, nhưng vùng nông thôn, các làng nghề truyền thống vấn đang bị buông lỏng, chưa có quy định để kiểm soát. Do vậy, cần xây dựng các cơ chế chính sách pháp luật để phân biệt giữa nông thôn thuần nông với nông thôn ở ngoại thành và nông thôn hiện nay đang trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

Bên cạnh đó, cần quan tâm quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách, nguồn lực và bộ máy quản lý tương xứng với các yêu cầu. Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải cùng nhau xây dựng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới; quan tâm đến tiêu chí về quy hoạch, hạ tầng thiết bị thu gom, xử lý, để giải quyết các vấn đề môi trường.

Theo phân định của Luật bảo vệ môi trường thì quy hoạch và xử lý chất thải sinh hoạt là trách nhiệm của Bộ Xây dựng. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng và Bộ TN&MT sẽ phối hợp chặt chẽ trong xây dựng, quy hoạch các khu xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại theo cách thức tính toán sử dụng có tính liên tịch và liên vùng. Đặc biệt, cần xác định vấn đề môi trường nông thôn như một yếu tố quan trọng để đáp ứng cho sự phát triển bền vững vùng nông thôn trong tương lai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận trách nhiệm sự cố Formosa

Đối với vấn đề ô nhiễm môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra cũng được nhiều đại biểu quan tâm đến trách nhiệm của các Ban, Bộ, ngành. Trong đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi với Bộ trưởng trần Hồng Hà, cơ sở nào để đảm bảo tính vững chắc của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa sắp tới sẽ không tái diễn việc xả thải gây ô nhiễm môi trường để tạo niềm tin cho nhân dân miền Trung?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: Văn Bình

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đối với Formosa thì Bộ TN&MT là cơ quan chịu hoàn toàn trách nhiệm trong giai đoạn sau khi xác định được các vi phạm của Formosa, chỉ ra các nguyên nhân cũng như các nguồn gây ô nhiễm nước thải, khí thải và chất thải rắn; các vi phạm liên quan đến vấn đề công nghệ sản xuất, quy trình và công nghệ xử lý...

Đối với biện pháp xử lý, tất cả khâu từ nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và nước thải sinh hóa phát sinh từ nguồn thải của nhà máy điện và luyện cốc hoặc khu vực khác như cảng của Formosa đều được xem xét và có quy trình xử lý cụ thể. Tất cả các nguồn thải, các thông số thải được kiểm soát chặt chẽ bằng các thiết bị tự động, hiện đại, quan trắc đầy đủ thông số và chuyển thẳng về cho cơ quan quản lý nhà nước ở Sở TN&MT Hà Tĩnh và Bộ TN&MT.

Để đáp ứng được các yêu cầu, nguồn có khả năng gây ra ô nhiễm môi trường như khí thải, nước thải phải tái tuần hoàn. Phía cuối đường ống có một hồ chỉ thị sinh học rộng trên 10 ha, tại đó được giám sát chất lượng để đáp ứng được quy chuẩn về môi trường, kèm theo các quy chuẩn được đặt ra với yêu cầu nghiêm ngặt hơn. “Có thể nói, các quy trình và yêu cầu công nghệ xử lý đối với Formosa, chúng ta đã thống nhất tích cực thực hiện với tinh thần xây dựng nhà máy đảm bảo an toàn đối với môi trường và có thể duy trì lâu dài, không xảy ra sự cố và phát triển bền vững ở địa phương” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/can-xay-dung-co-che-chinh-sach-bao-ve-moi-truong-vung-nong-thon/