Cần xây dựng hệ thống chính sách dân tộc mang tính tổng thể, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả

Phát biểu tại Hội thảo Thực trạng chính sách dân tộc, định hướng xây dựng chính sách giai đoạn 2021-2030 tổ chức sáng 3-1 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia giàu kinh nghiệm cùng trao đổi, thảo luận, đóng góp nhiều ý tưởng, gợi mở những định hướng cho việc xây dựng một hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn tới mang tính tổng thể, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Mai

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến, chủ trì hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển bền vững.

Thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, vùng DTTS&MN đã đạt được những kết quả quan trọng: Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng phát triển (98,4% xã có đường đến trung tâm, 98% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia); tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, cuối năm 2017, ở các huyện nghèo còn dưới 40%, ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%/năm. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập, khám chữa bệnh của đồng bào, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (100% xã có trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế). Công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc được chú trọng. Thông tin tuyên truyền phát triển nhanh, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thông tin, liên lạc của nhân dân (trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình)…

Phó Thủ tướng Thường trực cũng thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục. Đó là, hệ thống chính sách còn dàn trải, chồng chéo; nguồn lực thực hiện còn khó khăn, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của từng vùng; chưa khuyến khích được đồng bào tự vươn lên thoát nghèo. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và thực hiện chính sách còn hạn chế.

Đời sống đồng bào DTTS ở một số địa bàn còn rất khó khăn. Thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân trong khu vực; tỉ lệ dân số DTTS chiếm 14,6% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 52,7% số hộ nghèo của cả nước. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội còn nhiều khó khăn. Khoảng 21% người trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cao nhưng tỉ lệ khám, chữa bệnh còn thấp. Thụ hưởng văn hóa và tiếp cận các tiến bộ xã hội của đồng bào DTTS ở nhiều địa phương còn hạn chế. Năng lực, trình độ của cán bộ cơ sở, cán bộ người DTTSở một số địa phương còn yếu; nhiều vấn đề bức xúc của đồng bào chậm được phát hiện, giải quyết.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia giàu kinh nghiệm cùng trao đổi, thảo luận, đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về hệ thống chính sách dân tộc thời gian qua (giai đoạn 2016-2018); phân tích đúng thực trạng đời sống, thu nhập, sinh kế và mức độ tiếp cận văn hóa, giáo dục, y tế… của đồng bào DTTS; đóng góp nhiều ý tưởng, gợi mở những định hướng cho việc xây dựng một hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn tới mang tính tổng thể, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.

Hội thảo thu hút rất đông đại biểu đến từ các bộ ngành, cán bộ làm công tác dân tộc và các chuyên gia hoạch định chính sách. Ảnh: Hoàng Mai

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến: Hiện nay có 54 chính sách còn hiệu lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi và Hỗ trợ cho đồng bào DTTS rất ít người.

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết, định hướng chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra mục tiêu: Ban hành đồng bộ các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách, phấn đấu đến năm 2030 thu hẹp một bước chênh lệnh giữa vùng DTTS và miền núi so với vùng phát triển; không còn huyện đặc biệt khó khăn, giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn, giảm 60% hộ nghèo DTTS hiện nay; 100% các xã vùng DTTS có đủ các hạ tầng thiết yếu như đường ô tô cứng hóa đến trung tâm xã, trường học các cấp được kiên cố hóa, 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, nâng cáo chất lượng tiếp cận các dịch vụ phúc lợi cơ bản của người dân; không còn tình trạng hộ dân tộc thiểu số nghèo cùng cực; không còn hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt mà chưa được hỗ trợ.

Tại hội thảo, bên cạnh việc đánh giá các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, các đại biểu đã góp ý, đưa ra các giải pháp về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao dân trí; tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng; lồng ghép các nguồn lực dể phát triển vùng DTTS.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/can-xay-dung-he-thong-chinh-sach-dan-toc-mang-tinh-tong-the-dong-bo-hieu-luc-hieu-qua/