Cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo

Thương lái được xác định là cầu nối, mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp không thể triển khai hợp đồng liên kết sản xuất lâu dài với nông dân, hợp tác xã.

Cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo. Ảnh: TL

Đó là thông tin tại hội thảo về phát triển liên kết bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo do Văn phòng Điều phối Nông nghiệp Nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phối hợp với Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn và TP.Cần Thơ tổ chức ngày 2/5.

Tại hội thảo các đại biểu khẳng định, chuỗi giá trị lúa gạo ở ĐBSCL rất dài, nhiều trung gian, trong đó, thương lái được xác định là cầu nối, mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp không thể triển khai hợp đồng liên kết sản xuất lâu dài với nông dân, hợp tác xã.

TS. Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phân tích, doanh nghiệp thích mua lúa thông qua thương lái. Điều này giúp doanh nghiệp đỡ căng thẳng về tiền vốn phải bỏ ra vì không phải ứng trước cho nông dân trong thời gian dài từ 2 - 3 tháng và người nông dân cũng muốn bán lúa cho thương lái bởi có thể lấy tiền mặt ngay sau khi cân lúa.

Dưới góc nhìn khuyến nông địa phương, ông Võ Quốc Trung - chuyên viên Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho biết, thương lái mua bán lúa tạm chia thành 2 nhóm.

Nhóm thương lái “mua lúa - bán lúa” chiếm tỷ lệ trên 97%. Hoạt động chủ yếu của nhóm này là thỏa thuận với nông dân thu mua lúa tươi và bán lại lúa tươi cho doanh nghiệp chế biến xay xát tiêu thụ gạo thành phẩm.

Nhóm thứ hai là thương lái “mua lúa - bán gạo”. Nhóm này thỏa thuận với nông dân thu mua lúa tươi, sau đó gia công sấy khô, tồn trữ và xay xát gạo (chưa thành phẩm) bán lại cho doanh nghiệp chế biến hoặc tiêu thụ gạo theo kênh phân phối nội địa. Việc xác định thời điểm thu hoạch lúa thường được quyết định bởi thương lái. Điều này đôi khi trở thành vấn đề vướng mắc trong khâu tiêu thụ với người sản xuất.

Ông Trung đánh giá, thương lái tự quyết và chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh, không bị lệ thuộc quyết định của tập thể hay cơ chế giá như doanh nghiệp, tập đoàn. Bên cạnh đó, lực lượng này cũng chia sẻ được áp lực về nguồn vốn lưu động với doanh nghiệp vào giai đoạn cao điểm thu hoạch.

Từ những lợi ích đa chiều đó, TS Trần Minh Hải nhấn mạnh, cần xem thương lái là đối tác đồng hành với nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Cụ thể, ngành nông nghiệp các địa phương cần có cơ chế khuyến khích, tập hợp thương lái vào các nhóm, câu lạc bộ trên tinh thần tự nguyện. Từ đó, cùng trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận các nội dung tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trong bảo quản, vận chuyển, chế biến, bảo đảm chất lượng lúa gạo.

Cách làm này sẽ hạn chế được tình trạng “bẻ kèo” hoặc những hành vi thiếu lành mạnh trong mua bán nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam nghiên cứu lại những vấn đề thương lái cần về cơ chế pháp lý để bổ sung, khuyến khích lực lượng thương lái hoạt động. Đồng thời, hỗ trợ thêm cho thương lái trong việc tìm kiếm đầu vào cho nông dân.

Nguyên Phương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/can-xem-thuong-lai-la-doi-tac-dong-hanh-trong-chuoi-lua-gao-149967.html