Cần xem xét quy định 'Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ'

Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) quy định 'Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ', nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng chưa phù hợp.

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh cho biết, trình độ dân trí ở nước ta dù đã nâng lên, nhưng nhận thức, ý thức pháp luật vẫn chưa đồng đều. Một bộ phận người dân còn hạn chế tiếp cận pháp luật, chưa đủ điều kiện nắm bắt thông tin, khó cung cấp đủ chứng cứ. Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị còn thiếu hoặc không chủ động cung cấp thông tin cho người dân khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, cần xem xét thêm quy định “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ” để bản án đúng người, đúng tội.

ĐBQH Phan Huỳnh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) nhận thấy, đến thời điểm này, các bên đương sự, tổ chức, cá nhân, kể cả cơ quan nhà nước cũng không hẳn am hiểu lĩnh vực pháp luật. Vì vậy, việc thu thập chứng cứ cung cấp cho tòa án, cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn. Nếu tòa án không thu thập thêm chứng cứ, nhất là với các trọng án, vụ án phức tạp, nhiều đương sự, việc thu thập chứng cứ sẽ gặp khó khăn. Để quyết định của tòa án đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, đúng sự việc, đại biểu nhận thấy việc quy định “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ” cần có thêm thời gian nghiên cứu, xem xét trước khi Quốc hội thông qua.

Quang cảnh tổ thảo luận

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) khẳng định: “Nếu chúng ta khoán cho các bên tự thu thập chứng cứ, sẽ rất thiệt thòi cho người yếu thế. Khi nói “tòa án chủ trì việc thu thập chứng cứ” không mâu thuẫn với việc các bên tự thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, mỗi bên đều thu thập chứng cứ có lợi cho mình, giấu đi chứng cứ bất lợi. Chính vì các bên không giải quyết được, mới tìm đến tòa án. Chỉ có tòa án mới “ra lệnh” được cho ngân hàng, cơ quan nhà nước… cung cấp thông tin, chứng cứ cho tòa án. Từ đó, tòa có chứng cứ khách quan để ra phán quyết công bằng, hợp lý cho các bên. Chúng ta sửa luật để thuận lợi hơn cho người dân hay thuận lợi hơn cho tòa án?”.

Tương tự, ĐBQH Nguyễn Thanh Sang (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) nêu thực tiễn nhiều cơ quan nhà nước không tự cung cấp chứng cứ nếu cơ quan quản lý có thẩm quyền không yêu cầu. Đặc biệt, trong các vụ án hành chính, người dân đi kiện cơ quan quản lý nhà nước, việc thu thập chứng cứ càng khó khăn hơn. Nhiều vụ án, tòa phải tạm đình chỉ để chờ các cơ quan này trả lời. Tòa án là cơ quan quyền lực, khi thu thập chứng cứ còn khó khăn, huống chi giao cho người dân. Vì vậy, quy định về nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án là rất nhân văn. Với khả năng và năng lực của mình, thẩm phán sẽ giúp người dân thu thập chứng cứ toàn vẹn nhất.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, ĐBQH Mai Khanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) chia sẻ: “Nói rằng các đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, nhưng thực chất, khi đương sự đến tòa án, hầu như chỉ nộp đơn, 100% việc thu thập chứng cứ do tòa án thực hiện. Thực tế này làm nảy sinh hàng loạt vấn đề. Thứ nhất, gây ra sự nghi ngờ việc thu thập chứng cứ của thẩm phán - người trực tiếp được giao nhiệm vụ. Thứ hai, cơ quan nhà nước, cá nhân, tổ chức quên mất nhiệm vụ cung cấp chứng cứ cho đương sự, người dân - một nghĩa vụ đã được thể chế trong các văn bản quy định pháp luật, trong rất nhiều thiết chế khác. Nhiệm vụ thu thập chứng cứ không nên dồn hết cho cơ quan tòa án, mà quên đi vai trò, nghĩa vụ của các thiết chế, cơ quan trong việc cung cấp chứng cứ cho người dân”.

Giải trình phiên thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, có ý kiến khác nhau về những đề xuất đổi mới là chuyện bình thường. “Các nước không quy định giao nhiệm vụ này cho tòa án. Nhân dân chờ đợi những phán quyết công tâm, khách quan, công bằng, chứ không phải là chờ đợi tòa thu thập chứng cứ xong, xét xử dựa trên chứng cứ đó, mà xem nhẹ chứng cứ của người khác.

Khi bên nguyên đơn và bên bị đơn không thể thu thập chứng cứ, tòa án sẽ hỗ trợ bằng một quyết định yêu cầu cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ cung cấp cho người dân. Nếu các bên yêu cầu, tòa án sẽ ra lệnh như vậy. Ai không chấp hành lệnh này, tòa án sẽ xử phạt theo pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng” - ông Nguyễn Hòa Bình phân tích.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đầy đủ ý kiến của các ĐBQH; giao Thường trực Ủy ban Tư pháp phối hợp các cơ quan chủ trì soạn thảo, hoàn thiện dự thảo luật. Dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách để cho ý kiến dự án luật này trước khi trình Quốc hội xem xét.

N.R

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/can-xem-xet-quy-dinh-toa-an-khong-co-nghia-vu-thu-thap-chung-cu--a382543.html