Cần xem xét sự việc thấu tình đạt lý

Báo Quân đội nhân dân nhận được đơn kiến nghị của 13 doanh nghiệp đang hoạt động tại dự án Nhà máy Ô tô 1-5 (xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, TP Hà Nội). Theo đơn phản ánh, các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây đã đầu tư xây dựng hạ tầng, sản xuất theo lời kêu gọi đầu tư của Công ty Cổ phần Ô tô 1-5 từ năm 2015, 2016, thế nhưng mới đây, UBND huyện Đông Anh đưa ra quyết định cưỡng chế, dỡ bỏ toàn bộ cơ sở vật chất của các doanh nghiệp này khiến họ đứng trước nguy cơ phá sản và hàng nghìn công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp…

Nhận "trái đắng" khi hợp tác đầu tư

Trong đơn, đại diện của 13 doanh nghiệp cho biết: Ngày 28-3-2001, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành Quyết định số 831/QĐ-BGTVT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô khách công suất 5.000 xe/năm tại xã Nguyên Khê, chủ đầu tư là Tổng công ty Cơ khí GTVT (nay là Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam). Ngày 5-6-2007, Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam ban hành Quyết định số 226/KH-ĐT giao Nhà máy Sản xuất Ô tô 1-5, nay là Công ty Cổ phần Ô tô 1-5 (sau đây gọi là Công ty 1-5) làm chủ đầu tư thực hiện dự án. Ngày 27-4-2009, dự án được UBND huyện Đông Anh cấp Giấy phép xây dựng số 50/2009/GPXD-UBND. Tuy nhiên, do Công ty 1-5 không đủ nguồn lực để thực hiện nên mời 13 doanh nghiệp hợp tác đầu tư, xây dựng hệ thống máy móc, nhà xưởng, sản xuất công nghiệp, sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho ngành ô tô trên phần diện tích thuộc quyền sử dụng của Công ty 1-5.

 Nhà máy của 13 doanh nghiệp được xây dựng trên khu đất thuộc dự án của Công ty Cổ phần Ô tô 1-5.

Nhà máy của 13 doanh nghiệp được xây dựng trên khu đất thuộc dự án của Công ty Cổ phần Ô tô 1-5.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Thuận Thành, một trong số 13 doanh nghiệp cho biết: "Tin tưởng vào những cam kết của Công ty 1-5, đồng thời nhận thấy việc đầu tư này là phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1529/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ… 13 doanh nghiệp chúng tôi tiến hành đầu tư xây dựng 31 nhà xưởng và sử dụng ổn định từ năm 2015, 2016 đến nay, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Thế nhưng những ngày gần đây, các doanh nghiệp chúng tôi cùng gần 2.000 công nhân đang vô cùng hoang mang lo lắng, đứng trước nguy cơ phá sản bởi quyết định cưỡng chế của UBND huyện Đông Anh”. Đại diện các doanh nghiệp cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào việc xây dựng hệ thống nhà máy, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương, mỗi năm đóng góp hàng chục tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách nhà nước".

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo tài liệu mà các doanh nghiệp cung cấp, ngày 30-3-2016, UBND huyện Đông Anh ban hành Quyết định số 699/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty 1-5 vì đã tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng (đây chính là các công trình của 13 doanh nghiệp được Công ty 1-5 mời gọi hợp tác đầu tư xây dựng). Quyết định nêu rõ: “Phạt tiền 40 triệu đồng, yêu cầu Công ty 1-5 hoàn thiện các thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 dự án 5.000 xe/năm. Khi được UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết thì phải khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đề nghị cấp phép xây dựng theo quy định, nếu không được chấp thuận điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án thì công ty phải tự dỡ bỏ các công trình vi phạm sai so với quy hoạch được phê duyệt”.

Trước quyết định trên của UBND huyện Đông Anh, các doanh nghiệp đang hoạt động tại dự án đã vào cuộc, phối hợp với Công ty 1-5 để thực hiện hoàn tất thủ tục pháp lý sao cho các công trình được tiếp tục đưa vào khai thác, sử dụng. Ngày 19-5-2016, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 2495/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết Nhà máy Ô tô 1-5, tỷ lệ 1/500 giao Công ty 1-5 tổ chức, lập quy hoạch.

Theo đại diện các doanh nghiệp, đến nay, UBND TP Hà Nội vẫn chưa có văn bản nào thu hồi nhiệm vụ đã giao cho Công ty 1-5. Thế nhưng, ngày 25-10-2019, UBND huyện Đông Anh đã ban hành Quyết định số 8042/QĐ-CCXP: “Buộc Công ty 1-5 phá dỡ các công trình vi phạm trên, thời gian thực hiện 60 ngày kể từ ngày nhận được quyết định”.

Ngày 20-11, có mặt thực tế tại khu vực Nhà máy Ô tô 1-5, phóng viên ghi nhận các doanh nghiệp đều đã xây dựng nhà máy, nhà xưởng kiên cố với quy mô lớn, gồm nhiều hệ thống máy móc. Các hoạt động sản xuất vẫn được tiếp tục. Đa phần công nhân đang làm việc ở đây đều là thợ cơ khí tay nghề cao, độ tuổi 30-50 tuổi. Trao đổi với chúng tôi, đại diện Công ty TNHH Cơ khí Bắc Đô cho biết: “Các thiết bị máy móc của công ty nặng cả chục tấn được đổ bê tông ngầm dưới mặt đất để bảo đảm độ an toàn, nếu tiến hành tháo dỡ và di dời thì phải thuê chuyên gia nước ngoài và mất đến cả năm trời, chi phí sẽ lên đến hàng chục tỷ đồng. Nếu UBND huyện Đông Anh tiến hành tháo dỡ thì công ty sẽ phải ngừng sản xuất, các hợp đồng đã ký kết sẽ bị hủy, công nhân mất việc, công ty sẽ phá sản”. Đó cũng là tình cảnh chung của 13 doanh nghiệp đang hoạt động tại đây. Người lao động cũng rất hoang mang bởi khi quyết định cưỡng chế được thực hiện thì cũng là lúc họ không còn việc làm, kinh tế gia đình sẽ rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Xuân Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết: "UBND huyện ra quyết định cưỡng chế xử lý vi phạm với chủ thể là Công ty 1-5 chứ không phải là 13 doanh nghiệp". Sau đó ông Linh cho biết, dù chủ thể vi phạm theo quản lý nhà nước là Công ty 1-5 nhưng UBND huyện Đông Anh rất quan tâm đến kiến nghị của các doanh nghiệp nên đã mời các doanh nghiệp đến đối thoại cùng tìm biện pháp tháo gỡ. Ngày 6-12-2019, UBND huyện Đông Anh đã có Công văn số 2673/UBND-KT gửi Báo Quân đội nhân dân do ông Nguyễn Xuân Linh ký, khẳng định: Công ty 1-5 là đơn vị được UBND TP Hà Nội giao quản lý và cho thuê đất để thực hiện dự án theo quy định. Do đó việc UBND huyện Đông Anh ban hành các quyết định xử phạt, cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các công trình vi phạm này để áp dụng đối với chủ thể hợp pháp là Công ty 1-5 là đúng quy định của pháp luật. Mặc dù các cơ quan chức năng của huyện Đông Anh đã nhiều lần lập biên bản xử phạt, yêu cầu có biện pháp khắc phục nhưng Công ty 1-5 không tự giác thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty 1-5 không có thẩm quyền cho thuê lại đất, không có quyền chuyển nhượng đất. Chính việc tự ý kêu gọi hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp khác của Công ty 1-5 đã dẫn đến hệ lụy với 13 doanh nghiệp này. Cũng theo phản ảnh của 13 doanh nghiệp, dù là chủ thể theo quyết định xử lý vi phạm nhưng Công ty 1-5 thiếu tích cực trong tập trung giải quyết hậu quả sự việc, thậm chí công ty này có biểu hiện phó mặc cho các doanh nghiệp.

Nguyện vọng của 13 doanh nghiệp là được ổn định, tiếp tục sản xuất, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương cũng như của chính các doanh nghiệp và người lao động. Đây là nguyện vọng chính đáng, nhất là Tết Nguyên đán đang đến gần. Đề nghị UBND huyện Đông Anh cũng như các cơ quan chức năng của TP Hà Nội cần xem xét thấu đáo, giải quyết có tình có lý vụ việc. Báo Quân đội nhân dân sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.

Bài và ảnh: NGUYỄN TUẤN - VĂN THI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/can-xem-xet-su-viec-thau-tinh-dat-ly-604830