Cần xử lý dứt điểm vụ chiếm dụng đất trái phép ở miền biển Cà Mau

Hơn 18 năm trời 'đội' đơn cầu cứu chính quyền và cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi cho mình, thửa đất đã được cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) của ông Đặng Hoàng Phú (sinh năm 1964, ngụ khóm 1, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) vẫn bị chiếm dụng trái phép. Phía cơ quan chức năng địa phương đã từng vào cuộc để thực thi bản án, nhưng vì thiếu kiên quyết khiến vụ việc kéo dài tới nay, gây bức xúc trong quần chúng, nhân dân...

Căn nhà của bà Điệp xây dựng trái phép trên phần đất của ông Phú, đến nay vẫn chưa bị cưỡng chế.

Căn nhà của bà Điệp xây dựng trái phép trên phần đất của ông Phú, đến nay vẫn chưa bị cưỡng chế.

Hơn 18 năm trời "đội" đơn cầu cứu chính quyền và cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi cho mình, thửa đất đã được cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) của ông Đặng Hoàng Phú (sinh năm 1964, ngụ khóm 1, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) vẫn bị chiếm dụng trái phép. Phía cơ quan chức năng địa phương đã từng vào cuộc để thực thi bản án, nhưng vì thiếu kiên quyết khiến vụ việc kéo dài tới nay, gây bức xúc trong quần chúng, nhân dân...

Thuê đất "cướp" luôn đất thuê

Theo đơn trình bày và nội dung có trong bản án của hai cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm ở Cà Mau, vào năm 1996, ông Dương Hùng Chiến (ngụ khóm 4, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) sang nhượng cho ông Đặng Hoàng Phú thửa đất nuôi trồng thủy sản diện tích 20.000 m2, với giá 36 chỉ vàng 24K. Thửa đất nêu trên sau đó được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ (tờ bản đồ số 02, thửa số 0040, QSDĐ số 02325), ngày 17-4-1998, đứng tên ông Đặng Hoàng Phú.

Sau khi bán đất, ông Chiến và gia đình thuê lại toàn bộ đất của ông Phú (hợp đồng thuê từng năm) với giá bốn chỉ vàng 24K/năm. Canh tác được khoảng 5,5 năm nhưng ông Chiến chỉ trả được bốn chỉ vàng cho nên ông Phú yêu cầu trả hết số vàng còn lại nhưng gia đình ông Chiến không trả. Vì vậy, ông Phú ngưng hợp đồng cho thuê và lấy lại thửa đất đã cho ông Chiến thuê. Gia đình ông Chiến tiếp tục không trả cho nên ông Phú có đơn đề nghị cơ quan pháp luật giải quyết.

Tại bản án phúc thẩm (số 15/PT-DS, ngày 2-4-2002), Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Cà Mau, đã tuyên giữ y bản án sơ thẩm số 19 (ngày 11-6-2001) của TAND huyện Trần Văn Thời, buộc ông Chiến cùng gia đình phải di dời nhà, trả lại đất canh tác và 18 chỉ vàng 24K còn nợ cho ông Phú. Sau khi bản án có hiệu lực, ông Phú làm đơn yêu cầu cơ quan chức năng huyện Trần Văn Thời thi hành bản án nêu trên. Vậy nhưng, chờ mãi đến ngày 10-1-2005, ông Chiến mới nhận được Quyết định (số 04/QĐ-THA) từ Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Trần Văn Thời, về việc tiến hành cưỡng chế, buộc vợ ông Chiến là bà Huỳnh Thị Điệp (ông Chiến đã chết) giao lại đất cho ông Phú.

Việc đo đạc, cắm mốc phần đất cưỡng chế THA cho ông Phú diễn ra một năm sau đó (ngày 10-1-2006), nhưng tổng diện tích đất bàn giao cho ông Phú chỉ 19.457,36 m2. Phần diện tích còn lại, trong biên bản cắm mốc thể hiện "tạm giao cho bà Điệp sử dụng, khi nào UBND thị trấn Sông Đốc bố trí được đất ở nơi khác thì sẽ cưỡng chế tiếp tục để giao dứt điểm cho ông Phú".

Mọi việc tưởng đã yên nhưng khi lực lượng chức năng rời khỏi hiện trường, bà Điệp cùng gia đình đã nhổ bỏ các cột mốc, bị chính quyền và Công an Sông Đốc lập biên bản. Ngày 25-1-2007, ông Phú và gia đình vận chuyển cây xuống cất nhà nhằm định cư và canh tác lâu dài trên đất của mình nhưng bà Điệp cùng gia đình tiếp tục ngăn cản, thậm chí đuổi đánh và gây thương tích khiến ba người trong gia đình ông Phú phải nhập viện. Không chỉ vậy, khi được yêu cầu về trụ sở làm việc, bà Điệp và người thân trong nhà còn chống đối, xúc phạm và đánh lại lực lượng thi hành công vụ. Toàn bộ sự việc trên được thể hiện tại biên bản được lập vào lúc 15 giờ ngày 25-1-2007, người ký biên bản khi đó là Thiếu tá Nguyễn Mạnh Thường, Phó Trưởng Công an thị trấn Sông Đốc.

Chính quyền... bất lực

Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến việc thi hành bản án giao lại đất cho gia đình ông Phú kéo dài hơn 18 năm qua. Sau lần bị đuổi đánh, ông Phú nhiều lần gửi đơn cầu cứu UBND huyện Trần Văn Thời và cơ quan có thẩm quyền tại địa phương để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho mình và gia đình nhưng vụ việc vẫn "giẫm chân tại chỗ". "Tôi đã sáu lần gửi đơn cho UBND huyện, yêu cầu can thiệp giải quyết nhưng họ chưa hề có văn bản trả lời cho tôi là khi nào sẽ thi hành xong bản án, hoặc tại sao không thi hành dứt điểm bản án" - ông Phú bức xúc.

Nhận thấy sự chậm trễ của cấp huyện, ông Phú gửi đơn cầu cứu lên tỉnh và được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (khi ấy là ông Dương Tiến Dũng) chỉ đạo bằng Công văn số 4902/UBND-NC (ngày 25-9-2013), giao Cục THADS tỉnh nghiên cứu, chỉ đạo theo đúng trình tự, thủ tục luật định.

Sau chỉ đạo từ cơ quan cấp tỉnh, Chi cục THADS huyện Trần Văn Thời có văn bản trả lời nội dung: Do chưa có chỗ di dời, nên không thi hành phần dời nhà bà Điệp được, phải chờ chỉ đạo từ UBND huyện thì phía THA huyện mới THA được.

Liên quan vụ việc, ông Huỳnh Văn Hiệu, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Cà Mau cho biết: Tài sản đã cưỡng chế giao trên thực tế và ông Phú đã ký nhận tài sản nhưng sau đó bị tái chiếm thì cơ quan THADS không có trách nhiệm giao lại. Để xử lý ông Phú nên đề nghị can thiệp từ UBND cấp xã nơi có tài sản bị chiếm. Trong trường hợp tài sản không được trả lại thì ông Phú đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Về phần đất THA cho ông Phú còn thiếu gần 500 m2, cũng đang rất khó khăn, bởi gia đình bà Điệp không nhận nền tái định cư mà UBND thị trấn Sông Đốc cấp, gia đình có hành vi và thái độ chống đối quyết liệt cơ quan THA; tự ý thay đổi hiện trạng nhà ở (xây thêm nhà và các kiến trúc khác) gây nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức THA của chấp hành viên. "Đây là vụ việc khó khăn và hết sức phức tạp, có khả năng gây mất ANTT ở địa phương nếu tổ chức cưỡng chế THA. Vậy nên, Cục THADS tỉnh đã có Chỉ đạo Chi cục THADS huyện Trần Văn Thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo THADS huyện Trần Văn Thời để có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với vụ việc của ông Phú. Đồng thời chỉ đạo THADS huyện chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức cưỡng chế thi hành dứt điểm vụ việc theo quy định của pháp luật" - ông Hiệu chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, thừa nhận thiếu sót và chỉ rõ nguyên nhân: Do việc triển khai thực hiện qua các thời kỳ thiếu kiên quyết; giữa bản án và thực tế còn nhiều vấn đề chưa thể triển khai được; các cơ quan liên quan nhiều lần ngồi lại bàn bạc nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ; phía bị THA không tự giác chấp hành bản án mà còn chống đối quyết liệt.

Đồng chí Trần Tấn Công cho biết: Để giải quyết dứt điểm vụ việc của ông Phú, trong thời gian sớm nhất, Ban Chỉ đạo THA huyện sẽ tranh thủ thống nhất hướng giải quyết cùng Cục THA tỉnh, trên tinh thần giải quyết giao lại đất cho ông Phú. Ban Chỉ đạo THA huyện cũng đồng thời xem xét trách nhiệm các cá nhân liên quan đã giải quyết THA đất đai cho ông Phú bị chậm trễ (trong trường hợp cá nhân đó còn công tác).

Bài và ảnh: HỮU TÙNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/bandoc/can-xu-ly-dut-diem-vu-chiem-dung-dat-trai-phep-o-mien-bien-ca-mau-642465/