Cần xử lý nghiêm chủ nuôi để chó cắn chết người

Vụ việc cả đàn chó xông vào tấn công một em bé 7 tuổi tại Hưng Yên khiến em bé tử vong đang gây phẫn nộ, đau xót trong dư luận. Điều đặc biệt là đây không phải lần đầu một vụ việc tương tự như vậy xảy ra, trước đó đã có nhiều ca tử vong, chấn thương nặng do chó cắn. Các cơ quan thông tấn báo chí liên tiếp đưa tin cảnh báo song ý thức của người nuôi chó vẫn không có dấu hiệu thay đổi.

Chiều tối ngày 3/4, sau khi tan học, nhóm học sinh lớp 1 Trường Tiểu học thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên rủ nhau chơi đá bóng ở sân vận động cũ của huyện Kim Động.

Khi cả nhóm ra về, chỉ còn cháu N.Đ.D, nhà gần sân vận động nên vẫn ở lại. Khi đó, bất ngờ một đàn chó chạy ra, xông vào cắn cháu D làm cháu bị thương nặng.

Ngay khi phát hiện vụ việc, gia đình và lãnh đạo huyện Kim Động đã khẩn trương đưa cháu đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên và sau đó là Bệnh viện Việt Đức. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, cháu D. đã qua đời.

Đây không phải vụ việc nghiêm trọng đầu tiên do chó cắn mà trước đó, tháng 3/2019, một em bé 9 tuổi ở Yên Bái bị đàn chó 4 con ở nhà nuôi xong vào cắn, khiến em bị thương nặng, mất toàn bộ da vùng mu, dương vật gần như cụt, bại não…

Tháng 8/2018, một người đàn ông ở Hà Nội bị một con chó giống từ châu Âu cắn vào cổ, ông được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó.

Chưa hết, tháng 7/2018, một em bé 8 tháng tuổi ở Ba Đình, Hà Nội bị một chú chó ngao Tây Tạng nhà nuôi cắn chết khi em đang ở trong nhà.

Nguy cơ bị chó cắn đang rình rập mỗi người dân.

Liên tiếp các vụ tai nạn thương tâm, những cái chết tức tưởi của người dân xảy ra song ý thức của những người nuôi chó vẫn không thay đổi.

Theo quy định, từ ngày 15/9/2017, Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y và một số lĩnh vực khác có hiệu lực thi hành.

Theo đó, những hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; không tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng... bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng.

Cũng theo Nghị định 90/2017, Chủ tịch UBND cấp xã - phường có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi không rọ mõm hoặc không tiêm phòng bệnh dại cho chó...

Song dường như quy định trên chưa thực sự đi vào thực tế khi nhiều hành vi sai phạm vẫn không bị xử lý dẫn đến người dân “nhờn” với Luật.

Do vậy, qua sự việc thương tâm em bé 7 tuổi tử vong do bị một đàn chó tấn công, nhiều luật sư cùng lên tiếng cho rằng, hành vi này cần phải xử lý nghiêm để răn đe.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, TP. Hà Nội cho biết, trong trường hợp súc vật gây hại cho người khác, tùy theo mức độ thiệt hại, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường theo Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015. Mức bồi thường trước tiên dựa trên cơ sở thỏa thuận của các bên.

Cũng theo luật sư Thơm, nếu không thỏa thuận được sẽ giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự, khởi kiện ra tòa. Mức bồi thường do tòa quyết định.

Trường hợp, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, với trường hợp chó cắn chết người, nếu chủ vật nuôi nhận thức rõ về sự nguy hiểm của con vật này, để xảy ra hậu quả chết người xảy ra và thực tế đã có người chết thì đối tượng này có thể bị xử lý hình sự về tội "giết người”. Trường hợp bị thương tích thì xử lý theo tội danh "cố ý gây thương tích”.

Còn nếu chủ vật nuôi do sơ suất trong việc quản lý, nuôi thả chó gây ra hậu quả chết người dù không mong muốn hậu quả xảy ra thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "vô ý làm chết người”.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/can-xu-ly-nghiem-chu-nuoi-de-cho-can-chet-nguoi-102460.html