Cần xử lý nghiêm hành vi vứt xác lợn gây ô nhiễm môi trường ở Văn Bàn

Hơn một tuần trở lại đây, lực lượng chức năng xã và người dân thôn 3 Minh Hạ, xã Minh Lương (huyện Văn Bàn) đã phải thu gom, xử lý hàng chục xác lợn chết trôi dạt về hồ thủy điện Minh Lương Thượng. Điều đáng nói, tình trạng lợn chết trôi dạt về hồ thủy điện diễn ra liên tục, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Theo phản ánh của người dân thôn 3 Minh Hạ, khoảng hơn 1 tuần nay, xác lợn chết, thối rữa liên tục trôi dại về hồ thủy điện Minh Lương Thượng gây ra mùi hôi khó chịu cho các hộ dân sống ven hồ. Theo bà L.T.P, khoảng hơn 1 tuần trước, không biết xác lợn từ đâu trôi dạt, nổi trên hồ thủy điện Minh Lương Thượng, số lượng xác lợn có lúc lên tới vài chục con, một số con dạt vào bờ, mắc cạn và thối rữa gây mùi hôi, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đặc biệt, những ngày trời nắng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, khiến cả gia đình phải bỏ nhà lên lán cách đó hơn 100 m để “lánh nạn”.

Nhiều lợn chết trôi dạt về hồ thủy điện Minh Lương Thượng.

Xác lợn mắc vào cây cối ven hồ, phân hủy, bốc mùi hôi thối.

“Sau khi xác lợn trôi về, thối rữa gây mùi hôi khó chịu, chúng tôi đã báo lên UBND xã để cử thêm lực lượng hỗ trợ người dân vớt xác lợn, đem chôn, xử lý mùi hôi quanh khu vực. Lần đầu tiên, chúng tôi đã vớt hơn 30 xác lợn, nhiều con đã thối rữa. Tuy nhiên, tình trạng lợn chết trôi dạt về hồ thủy điện Minh Lương Thượng vẫn tiếp tục xảy ra. Đề nghị các cơ quan chức năng phải xác minh làm rõ, xử lý nghiêm hành động thiếu ý thức này – ông L.L.T bức xúc.

Có mặt tại hồ thủy điện Minh Lương Thượng, thôn 3 Minh Hạ vào trưa 22/8, phóng viên Báo Lào Cai tiếp tục ghi nhận tình trạng lợn chết nổi trên mặt hồ, nhiều xác lợn bị trói chân hoặc nhét vào bao tải trôi nổi theo dòng nước hoặc mắc vào cây ven hồ, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Trong đó, có cả lợn trắng, lợn đen và nội tạng lợn nhét vào bao tải. Một số con lợn có trọng lượng đến cả 100 kg, đang trong quá trình phân hủy. Ngay trong buổi chiều 22/8, các lực lượng chức năng của xã Minh Lương đã thu gom được 14 xác lợn và bao tải nội tạng lợn để xử lý, chôn lấp. Đến sáng 23/8, lực lượng chức năng của xã tiếp tục phát hiện và thu gom thêm 6 xác lợn trên lòng hồ thủy điện Minh Lương Thượng.

Ông Hứa Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Minh Lương cho biết: Tính đến trưa 23/8, lực lượng chức năng và người dân đã phát hiện, thu gom và xử lý 52 xác lợn, bao tải nội tạng lợn trôi dạt về hồ thủy điện Minh Lương Thượng. Từ khi có hiện tượng xác lợn trôi dạt về hồ thủy điện, chúng tôi đã liên tục tổ chức họp dân, quán triệt đến người dân các thôn, bản không được vứt lợn chết ra môi trường. UBND xã cũng giao lực lượng công an xã tổ chức theo dõi, điều tra, xác minh hành vi ném xác lợn ra môi trường, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn cho biết: Khu vực lòng hồ thủy điện Minh Lương Thượng là hợp lưu của các suối chảy qua địa bàn xã Nậm Xây, Nậm Xé, Minh Lương. Hiện, dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra trên địa bàn hai xã Minh Lương và Nậm Xây, nên rất có thể xác lợn xuất phát từ 2 khu vực này. Đây chắc chắn là xác lợn liên quan đến dịch bệnh, bởi nếu lợn chết do thiên tai thì các xã đã tổng hợp, báo cáo huyện.

Lực lượng chức năng xã Minh Lương thu gom, xử lý xác lợn chết.

“Sau khi nắm được thông tin về việc nhiều xác lợn trôi dạt về hồ thủy điện Minh Lương Thượng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo lãnh đạo huyện chỉ đạo các xã trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh; các xã rà soát đàn vật nuôi; tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Quan điểm của huyện là không bao che, bởi đây là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến môi trường và nguy cơ bùng phát dịch bệnh” – ông Thiện khẳng định.

Cũng theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn: Hành vi vứt xác lợn ra môi trường đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Thú y và quy định phòng, chống dịch tả lợn châu Phi của UBND huyện Văn Bàn. Việc vứt xác lợn ra môi trường không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan, bùng phát dịch tả lợn châu Phi đối với các xã vùng hạ du của suối Chăn.

Tại Khoản 1, điều 25, Luật Thú y 2015 quy định:

Điều 25. Xử lý ổ dịch bệnh động vật trên cạn

1. Chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi có nghĩa vụ sau đây:

a) Cách ly ngay động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh;

b) Không giết mổ, mua bán, vứt động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh ra môi trường;

c) Thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, tiêu hủy, giết mổ bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

d) Cung cấp thông tin chính xác về dịch bệnh động vật theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và nhân viên thú y cấp xã;

đ) Chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, hành vi của các hộ chăn nuôi vứt xác lợn chết ra môi trường đã vi phạm quy định về nghĩa vụ của chủ vật nuôi theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 25 Luật Thú y 2015: “Không giết mổ, mua bán, vứt động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh ra môi trường”. Hành vi vi phạm của các hộ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 6 và khoản 10, Điều 5, Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Khoản 6 và khoản 10 Điều 5 Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y quy định:

“Điều 5. Vi phạm quy định chung về phòng bệnh động vật

6. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường;

b) Buôn bán con giống mắc bệnh truyền nhiễm.

10. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật, xác động vật và sản phẩm của chúng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này;

b) Buộc tiêu hủy thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc y tế, thuốc y tế đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 7 và khoản 8 Điều này”.

Theo đó, người chăn nuôi có hành vi giết mổ, mua bán, vứt động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh ra môi trường có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 5 – 6 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (Buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật, xác động vật và sản phẩm của chúng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6, Điều 5, Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y).

Hành vi vứt xác lợn ra môi trường không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Văn Bàn. Thiết nghĩ, chính quyền các địa phương, đặc biệt là xã Minh Lương, Nậm Xây cần nêu cao trách nhiệm, khẩn trương thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, đồng thời điều tra, làm rõ hành vi vi phạm các quy định của Luật Thú y và các quy định phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, tránh để dịch bệnh bùng phát, gây hại đến động vật nuôi và bức xúc trong nhân dân.

Nhóm Phóng viên KT-XH

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/can-xu-ly-nghiem-hanh-vi-vut-xac-lon-gay-o-nhiem-moi-truong-o-van-ban-z5n20200824095728288.htm