Cần xử lý nghiêm khắc hành vi đi khỏi nơi cách ly nếu gây hậu quả

Trong khi ngành y tế và các ngành chức năng đang nỗ lực thực hiện những giải pháp phòng bệnh Covid-19 như phân loại, giám sát, cách ly những trường hợp nghi nhiễm, tiếp xúc với người bệnh, đi về từ vùng dịch… thì cá nhân người được cách ly lại cố tình hoặc vô tình rời khỏi nơi cách ly khiến tình hình càng thêm rối.

Hoang mang khi người ở khu cách ly vắng mặt

Ngày 10-2, BV Đa khoa tỉnh Quảng Ninh phát hiện một người đàn ông trong diện cách ly không có mặt tại BV. Ngay cả vợ của người đàn ông này cũng không liên lạc được với chồng. Bản thân người đàn ông này làm hướng dẫn viên cho đoàn khách trên tàu Diamond Princess (thời điểm đó ghi nhận 61 khách nhiễm virus Corona), từng cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long hôm 28-1.

Sau khi thông báo, tìm kiếm thì ngày 11-2, người đàn ông này đã quay lại BV và tiếp tục thực hiện cách ly. Theo kiểm tra của cơ quan chức năng, bệnh nhân này ho khan nhiều, có đờm trắng.

Ngày 10-2, một phụ nữ người Hải Phòng trốn khỏi khu cách ly thuộc đơn vị Trung đoàn 123 đóng quân ở TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Đến ngày 12-2, lực lượng chức năng đã tìm thấy người phụ nữ tại khu vực biên giới Việt-Trung. Lý do chị “biến mất” khỏi khu cách ly chỉ đơn giản là “nhớ chồng” và lo việc bán hàng nên đã trốn đi.

Hay như sự việc chàng trai N.V.Th. ở tâm dịch Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc rời khỏi địa phương đến thăm người yêu ở tận Cam Đường, Lai Châu. Chàng trai này cho rằng mình không “trốn” khỏi nơi cách ly vì chiều 12-2 tỉnh ban hành quyết định cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi, người dân “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, nhưng việc chuẩn bị phong tỏa địa bàn đến trưa 13-2 mới triển khai, mà Th. rời khỏi địa phương để đi ăn cưới từ sáng sớm 13-2.

Tất cả những trường hợp này dù cố tình hay vô ý rời khỏi nơi cách ly cũng khiến cho cộng đồng lo lắng, hoang mang bởi “con virus vô hình”, nếu “chủ thể” mang trong người mà đi khắp nơi thì sẽ phát tán, gieo rắc cho không biết bao nhiêu người. Vì vậy, điều quan trọng cần mỗi người trong diện cách ly nâng cao ý thức, tuân thủ cách ly để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

 Những người ở khu vực cách ly cần nâng cao ý thức vì sức khỏe cộng đồng. Ảnh:V.H

Những người ở khu vực cách ly cần nâng cao ý thức vì sức khỏe cộng đồng. Ảnh:V.H

Làm lây dịch bệnh có thể bị xử lý hình sự

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, ThS. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Bộ Y tế bày tỏ: Các trường hợp phải cách ly phòng lây lan dịch bệnh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền mà cố tình bỏ trốn, không tuân thủ hoặc trường hợp đi ra khỏi vùng cách ly là hành vi có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh diện rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhiều người và phát sinh nhiều hệ lụy cho cộng đồng, xã hội. Vì vậy, đây là những hành vi cần phê phán, thậm chí cần xử lý nghiêm khắc nếu gây hậu quả.

Theo ThS. Trần Thị Trang, hiện nay, dịch bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A, đã được công bố dịch. “Việc cố tình bỏ trốn không thực hiện cách ly có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 về vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế”.

Mức phạt theo quy định này cụ thể: Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

Trường hợp nếu cố tình rời khỏi vùng có dịch đã được cơ quan có thẩm quyền công bố cách ly, không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch thì tùy theo tính chất, mức độ và loại hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo một trong các quy định tại Điều 11 “Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch” tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.

Cụ thể, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300.000 đồng đối với một trong các hành vi: “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”; Hoặc “Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối hành vi “Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A”.

Nếu trường hợp người thực hiện các hành vi này mà làm lây lan dịch bệnh, gây hậu quả thiệt hại cho người khác, cho xã hội và Nhà nước thì tùy tính chất, mức độ còn có thể bị xử lý hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật Hình sự: Phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 - 5 năm (điểm c khoản 1). Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù đến 12 năm (khoản 2, khoản 3).

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế khuyến cáo: Dịch bệnh truyền nhiễm có tính chất đặc thù là lây lan theo cấp độ tiếp túc của các cá nhân trong cộng đồng. Nếu không tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch bệnh thì hậu quả xảy ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới không chỉ một vài cá nhân mà của cả xã hội.

“Vì vậy, người dân cần hợp tác, tuân thủ và thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế và cơ quan có thẩm quyền, đừng vì một vài bất tiện nhỏ trong sinh hoạt mà gây ra nhưng hệ lụy khó lường, ảnh hưởng đến người khác và cộng đồng và cả bản thân mình vì phải chịu trách nhiệm pháp lý. Lúc đó, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng và khó khắc phục”, ThS. Trang chia sẻ.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-xu-ly-nghiem-khac-hanh-vi-di-khoi-noi-cach-ly-neu-gay-hau-qua-180302.html