Cần xử lý nghiêm việc lấn chiếm bãi triều ở vịnh Cửa Lục

Tình trạng hàng trăm hộ dân tự ý lấn chiếm đất bãi triều để cắm cọc nuôi hà, đắp bờ vây vùng bãi triều để đánh bắt thủy sản trên địa bàn xã Thống Nhất và Lê Lợi thuộc huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh), đã diễn ra từ nhiều năm nay. Việc làm này đã xâm hại nghiêm trọng rừng ngập mặn, ảnh hưởng đến luồng lạch, dòng chảy và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông thủy cho các tàu, thuyền lưu thông qua khu vực này. Đặc biệt là môi trường sinh thái vịnh Cửa Lục đang đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm.

Những năm qua, trên địa bàn các xã Thống Nhất và Lê Lợi, huyện Hoành Bồ diễn ra tình trạng một số hộ dân tự ý cắm cọc chiếm đất bãi triều, trong đó có số ít người nuôi hà, còn lại chủ yếu là cắm cọc tre, cọc bê-tông, cọc gỗ, thậm chí có người chặt phá rừng ngập mặn hàng chục năm tuổi để làm cọc cắm nhằm mục đích chiếm đất. Gần đây, tình trạng tranh giành đất bãi triều, mâu thuẫn giữa người nuôi hà và người đi khai thác tự nhiên đã xảy ra, dẫn đến xô xát. Nguy hiểm hơn là đã xuất hiện hoạt động mua bán trái phép đất mặt nước nhằm mục đích trục lợi. Đây là những hành vi vi phạm về luật đất đai, môi trường, an toàn giao thông đường thủy, ảnh hưởng dòng chảy, xâm hại rừng ngập mặn, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng việc khai thác hải sản tự nhiên của người dân địa phương.

Trước tình trạng này, huyện Hoành Bồ và chính quyền các xã Thống Nhất và Lê Lợi đã tăng cường tuyên truyền, vận động tới các hộ dân nuôi hà để người dân tự động tháo dỡ, thu hồi các cọc nuôi hà, cũng như phá bỏ bờ vây hoàn trả diện tích bãi triều đã lấn chiếm trái phép. Xã Thống Nhất đã vận động hàng chục hộ dân tự động tháo dỡ cọc nuôi hà, cũng như huy động lực lượng tập trung giải tỏa số cọc cắm nuôi hà trái phép trên địa bàn các thôn gồm: thôn Đình, thôn Chợ, thôn Chân Đèo và thôn Xích Thổ. Cùng với xã Thống Nhất, hiện nay xã Lê Lợi cũng đã tổ chức vận động người dân tự động tháo dỡ cọc nuôi hà, cũng như huy động các lực lượng tiến hành nhổ bỏ các bãi cọc cắm nuôi hà trên đất bãi triều ven vịnh Cửa Lục.

Chủ tịch UBND xã Thống Nhất Phạm Văn Luyến cho biết, việc giải tỏa bảo đảm hành lang an toàn giao thông đường thủy, quản lý đất bãi triều, quản lý rừng ngập mặn là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước; xã cũng đã ra thông báo và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp hộ dân cố tình không chấp hành và có hành vi xuyên tạc, cản trở quá trình giải tỏa sẽ bị lập biên bản và tùy theo mức độ để xử lý theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật An ninh mạng, Luật Hình sự, Luật Đất đai, Luật Quản lý, bảo vệ rừng.

Qua rà soát, hiện toàn xã Thống Nhất có 131 hộ đang nuôi hà trên diện tích 125 ha đất bãi triều nằm trong khu vực vịnh Cửa Lục. Hiện địa phương vừa kết hợp vận động nhân dân tự tháo dỡ cũng như huy động các lực lượng tập trung giải tỏa số cọc cắm nuôi hà trái phép. Đến thời điểm này, xã Thống Nhất có 50 hộ tự nguyện tháo dỡ số cọc đã cắm để nuôi hà với tổng diện tích tháo dỡ hơn 40 ha.

Ông Nguyễn Văn Hồng, trú tại thôn Chợ cho biết, gia đình ông quây khoảng ba ha bãi triều để nuôi hà bằng hình thức thả vỏ chứ không cắm cọc treo dây như một số hộ khác. Hiện gia đình ông đang thu hoạch nốt số hà còn lại và phá dỡ bờ quây và nhổ bỏ một số cọc đã cắm, hoàn trả lại bãi triều theo chủ trương của xã và huyện.

Được tuyên truyền, vận động, đến nay hầu hết các hộ dân các xã Thống Nhất và Lê Lợi đã hiểu và thừa nhận hành vi cắm cọc trên đất bãi triều là vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường, an toàn giao thông đường thủy, xâm hại rừng ngập mặn, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến quyền khai thác hải sản tự nhiên của người dân địa phương. Nhiều hộ dân đã chủ động tháo dỡ số cọc đã cắm, trả lại hiện trạng ban đầu cho vịnh Cửa Lục. Tuy nhiên, bên cạnh các hộ dân có ý thức, vẫn còn một số hộ dân chưa tự giác chấp hành, thậm chí có hộ dân khu vực thôn Xích Thổ vẫn tiếp tục mang vỏ hà vãi xuống đất bãi triều khu vực Cầu Thôn 1, đây là hành vi cố tình chống đối, đi ngược lại với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Được biết, huyện Hoành Bồ có hai tuyến luồng đường thủy nội địa đang hoạt động với tổng chiều dài 25 km, đi qua thị trấn Trới và các xã Lê Lợi, Thống Nhất, Vũ Oai. Trong thời gian qua, việc nhiều hộ dân ở các xã ven biển đánh bắt, nuôi thủy sản trên tuyến đường thủy nội địa với nhiều hình thức như: giăng lưới, cắm cọc, làm giàn nuôi hà treo dây đã gây cản trở tới việc lưu thông của tàu, thuyền, cũng như ảnh hưởng tới hệ sinh thái rừng ngập mặn ở khu vực này.

Qua rà soát, toàn huyện Hoành Bồ có gần 200 hộ lấn chiếm hơn 200 ha đất bãi triều, chủ yếu tập trung tại hai xã Lê Lợi, Thống Nhất. Hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên tuyến đường thủy nội địa ở các xã Lê Lợi và Thống Nhất là trái với pháp luật.

Phó Bí thư Huyện ủy Hoành Bồ Phạm Lê Hưng cho biết, huyện đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân của các xã lấn chiếm đất bãi triều nuôi hà tự động tháo dỡ cọc cắm để nuôi hà, đối với các hộ không chấp hành sẽ kiên quyết giải tỏa số cọc cắm trái phép, bảo đảmhành lang an toàn giao thông đường thủy, trả lại nguyên trạng cho các tuyến luồng trên vịnh Cửa Lục trong thời gian sớm nhất.

Với các giải pháp tích cực, thời gian tới, huyện Hoành Bồ quyết tâm xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng lấn chiếm trái phép đất bãi triều ở vịnh Cửa Lục của các hộ dân hai xã Thống Nhất và Lê Lợi để khai thác và nuôi trồng thủy sản, gây mất an toàn giao thông đường thủy, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhất là đối với một số hộ dân có hành vi trục lợi đất bãi triều trái phép.

Bài, ảnh: QUANG THỌ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41487002-can-xu-ly-nghiem-viec-lan-chiem-bai-trieu-o-vinh-cua-luc.html