Cần xử lý triệt để điểm ô nhiễm thuốc trừ sâu ở Bắc Cạn

Sau khi được xác định ô nhiễm do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật ở Bản Vén, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông là đặc biệt nghiêm trọng, làm nhân dân bất an, tỉnh Bắc Cạn cần xử lý triệt để điểm ô nhiễm này nhằm làm cho môi trường trong lành, bảo vệ đời sống nhân dân.

Xử lý ô nhiễm thuốc trừ sâu trên diện tích nền nhà và khuôn viên gia đình anh Hà Văn Quyền.

Xử lý ô nhiễm thuốc trừ sâu trên diện tích nền nhà và khuôn viên gia đình anh Hà Văn Quyền.

Những cái chết nghi do kho thuốc trừ sâu

Những năm còn là Đội trưởng sản xuất của Hợp tác xã Đôn Phong, bà Nguyễn Thị Thơ, mẹ vợ anh Hà Văn Quyền thường nhận vật tư của Hợp tác xã, trong đó có thuốc trừ sâu rồi đưa về nhà mình cất trữ trước khi phát cho các xã viên đưa đi sản xuất. Thuốc trừ sâu được để lâu ngày dưới sàn nhà, dùng không hết nên bà Thơ đào hố chôn dưới sàn nhà, số khác do bao bì bị hở, rò rỉ ngấm xuống đất. Nhà bà Thơ trở thành điểm tồn dư thuốc trừ sâu, cơ quan chức năng xác định là đặc biệt nghiêm trọng.

Sống tại khu vực này, gia đình anh Quyền dùng nước sinh hoạt múc từ dưới giếng lên, nước giếng có mùi lạ, có những thời điểm mùi trở nên nồng nặc. Những năm qua anh Quyền đã phải đào tới ba cái giếng ở những vị trí khác nhau trong khuôn viên nhà mình, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Anh Quyền xót xa chia sẻ: Những năm qua gia đình tôi lần lượt phải vĩnh biệt những người thân yêu nhất, đó là bố vợ bị ung thư vòm họng, mẹ vợ bị ung thư hạch, vợ bị ung thư dạ dày, chị vợ có u lớn trong bụng đã ra đi. Còn tôi đã bị phát hiện ung thư hạch từ cách đây hơn bốn năm.

Anh Quyền kể, ban đầu không biết có thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu tại vị trí nền nhà cũ. Khi cuốc đất để trồng cây vào năm 1997, cuốc sâu khoảng 30 cm thì phát hiện có một lớp bột trắng nặng mùi thuốc sâu, anh Quyền xúc bỏ đi. Hỏi mẹ vợ là bà Nông Thị Thơ thì được biết, đó là thuốc trừ sâu do bà đem về khi còn làm Đội trưởng đội sản xuất của Hợp tác xã vào những năm 1960. Dùng không hết nên để dưới gầm sàn nhà rồi lấp vào. Thiếu đất canh tác, thời gian qua, anh Quyền đã trồng ngô lên vị trí đất này. Tuy nhiên, cũng như những cây màu trước đã trồng, cứ đến khi ra hoa thì ngô lại lụi dần rồi chết, không cho thu hoạch. Vịt nuôi thả ở ao gần đó cũng hay bị què hoặc chết mà không rõ nguyên nhân.

Trưởng thôn Bản Vén Đinh Văn Thái chia sẻ: Đến nay, tính cả những người trong gia đình ông Quyền thì toàn thôn đã có khoảng 12 người bị mắc bệnh ung thư, nhiều người đã ra đi. Thôn đã nhiều lần kiến nghị vấn đề ô nhiễm do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, năm trước có một đơn vị của Bộ Quốc phòng xuống lấy mẫu đất kiểm tra và được biết mẫu đất cực kỳ ô nhiễm càng khiến người dân lo âu.

Ông Hạ Đình Nhuyên, một người dân gắn bó từ bé với Bản Vén cho biết: Nhiều hộ dân trong thôn đào giếng khoan để sử dụng nhưng đa phần nước có mùi tanh lạ, đun lên có cặn, váng không dùng được. Thời gian qua, được sự hỗ trợ của dự án Childfun, toàn thôn đã đào hơn 20 giếng nhưng trong số đó chỉ có hai giếng là nước có thể dùng được, còn lại đều phải bỏ.

Trưởng thôn Đinh Văn Thái khẳng định thêm: Ngay như gia đình ông, giếng khoan sâu vài chục mét, sử dụng hơn 20 cống bê-tông định vị nhưng nước cũng không dùng được. Nước hút lên rất trong nhưng khi đun thì lập tức ngả vàng, nổi váng, mùi tanh lạ. Vấn đề này cộng với việc có nhiều người bị ung thư đang khiến người dân hoang mang vì liên tưởng nguồn nước gây bệnh.

Hầu hết những người dân chúng tôi tiếp xúc đều bày tỏ lo âu về nguồn nước, bởi họ không biết nước nơi đây có bị ô nhiễm hay không và mức ô nhiễm có phải là tình trạng dẫn tới bệnh ung thư hay không. Theo kết quả phân tích của Công ty Cổ phần Kỹ thuật và Phân tích môi trường (Hà Nội), mẫu đất tại nhà ông Hà Văn Quyền có hàm lượng DDT là 2,6 mg/kg đất khô; Lindane 2,3 mg/kg đất khô; Vofatox 1,9 mg/kg đất khô, cao hơn rất nhiều lần mức cho phép. Tuy nhiên, đối với mẫu nước giếng khoan tại thôn thì vẫn chưa được đưa đi xét nghiệm.

Cần xử lý triệt để ô nhiễm

Được sự quan tâm của tỉnh Bắc Cạn và Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay điểm ô nhiễm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật là phần đất ở và khuôn viên gia đình anh Hà Văn Quyền đang được xử lý với diện tích 1.500 m2. Toàn bộ phần diện tích này được đào lên sâu hơn hai mét, chỗ sâu nhất là 2,7 m để làm tơi đất, sau đó trộn với bột sắt, ô-xy già, vôi, phân vi sinh, ủ trong vòng từ ba đến năm ngày rồi trả về vị trí cũ. Phần đất bị ô nhiễm nặng nhất là khoảng gần 20 khối, sẽ được vận chuyển về nhà máy xử lý ở tỉnh Hải Dương. Công việc này sẽ được hoàn thành vào đầu năm 2018.

Tuy nhiên, người dân thôn Bản Vén cho rằng, việc xử lý ô nhiễm ở đây mới được thực hiện trên phạm vi hẹp là phần đất ở và khuôn viên của gia đình anh Hà Văn Quyền, lớp đất được xử lý chỗ sâu nhất là 2,7 m. Trong khi đó, giếng nước của nhiều gia đình chung quanh ở xa đến vài trăm mét, sâu hàng chục mét vẫn có mùi lạ. Điều đó có thể, thuốc trừ sâu đã ngấm sâu dưới lòng đất, phát tán đi xa.

Nhân dân thôn Bản Vén mong muốn cơ quan chức năng cần lấy mẫu đất ở vị trí xa hơn so với điểm đang xử lý, nước giếng của một số hộ đưa đi xét nghiệm để xác định mức độ ô nhiễm, từ đó có cơ sở xử lý những bước tiếp theo. Việc xử lý triệt để điểm ô nhiễm này cần thời gian dài và nguồn kinh phí lớn, vượt khả năng của địa phương. Trước mắt, địa phương cần sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt thôn Bản Vén đã bị hư hỏng để cấp nước hợp vệ sinh, nhân dân yên tâm sinh sống.

Bài, ảnh: THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc/moi-truong/item/34637902-can-xu-ly-triet-de-diem-o-nhiem-thuoc-tru-sau-o-bac-can.html