Canada: Thủ tướng Trudeau bị yêu cầu từ chức, Hạ viện họp khẩn

Tại phiên tranh luận khẩn vào tối 28/2, các nghị sỹ đối lập tại Hạ viện Canada đã cho rằng, Ottawa đang phải đối mặt với 'một cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ... giáng một đòn mạnh vào sự độc lập' của hệ thống tư pháp quốc gia này.

Cuộc tranh luận đã được tổ chức ở Hạ viện một ngày sau khi cựu Bộ trưởng Tư pháp kiêm Tổng Chưởng lý Jody Wilson-Raybould tố cáo rằng bà đã bị ép phải từ bỏ một cuộc điều tra hình sự chống lại công ty kỹ thuật và xây dựng SNC-Lavalin có trụ sở ở thành phố Montreal.

Công ty SNC-Lavalin đã bị buộc tội gian lận và tham nhũng từ 4 năm trước với cáo trạng rằng họ đã trả gần 36 triệu USD để hối lộ các quan chức trong chính quyền của cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi và lừa đảo các tổ chức ở Libya khoảng 98 triệu USD trong thời gian từ năm 2001 - 2011.

Khai trước ủy ban tư pháp Hạ viện hôm 27/2, bà Wilson-Raybould cáo buộc 11 quan chức cấp cao chính phủ, trong đó có 2 lãnh đạo hàng đầu trong nội các của Thủ tướng Justin Trudeau, đã liên tục thúc giục bà xem xét đề nghị với công ty SNC-Lavalin một thỏa thuận tạm hoãn truy tố để cho phép công ty này trả một khoản tiền phạt thay vì phải đối mặt với cáo buộc hình sự.

Thủ tướng Canada Justine Trudeau bị các nghị sĩ phe đối lập yêu cầu từ chức. (Nguồn: Reuters)

Bà Wilson-Raybould, người vừa từ chức từ đầu tháng Hai, cũng cho rằng từ hồi tháng 9/2018, Thủ tướng Justin Trudeau đã cảnh báo bà rằng sẽ có hậu quả đáng sợ về chính trị và kinh tế tại khu vực tỉnh Quebec nói tiếng Pháp, nơi công ty SNC-Lavalin đặt trụ sở, nếu tiến hành điều tra hình sự đối với công ty này.

Trong khi đó, Thủ tướng Trudeau thừa nhận có nêu vấn đề này với bà Wilson-Raybould, nhưng cho rằng điều này là thích hợp vì “người dân Canada trông chờ chính phủ tìm cách bảo vệ việc làm cho họ”.

Thủ tướng Justin Trudeau cũng tiếp tục bác bỏ cách diễn giải của bà Wilson-Raybould đối với các sự kiện mà bà đã mô tả là can thiệp chính trị "vào việc thực hiện quyền truy tố của bà" và khẳng định rằng ủy ban tư pháp và Ủy viên các vấn đề đạo đức Canada, phụ trách điều tra vấn đề này, "sẽ quyết định về điều gì đã xảy ra".

Tuy nhiên, các nghị sỹ đảng Bảo thủ đã tiếp tục lặp lại yêu cầu Thủ tướng từ chức, sau khi lãnh đạo của phe này, ông Andrew Scheer đã chính thức đề nghị Cảnh sát Kỵ binh Hoàng gia phát động một cuộc điều tra hình sự về khả năng cản trở thi hành công vụ trong vụ bê bối SNC-Lavalin.

Ông Andrew Scheer tuyên bố: "Người dân Canada không thể chấp nhận một Thủ tướng sẵn sàng phạm pháp để bảo vệ các lợi ích chính trị của ông ta".

Trong khi đó, phản ứng trước tố cáo trên của Bà Wilson-Raybould, nhiều Bộ trưởng trong nội các của Thủ tướng Trudeau đã đứng ra bênh vực ông.

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho rằng “Thủ tướng (Trudeau) không bao giờ gây sức ép một cách không thích hợp” và khẳng định bà “tin tưởng Thủ tướng Trudeau 100%”.

Bộ trưởng Tài chính Bill Morneau cho rằng “hoàn toàn hợp lý” khi các quan chức của Bộ này thảo luận với các nhân viên của Bộ trưởng Tư pháp về những tác động kinh tế theo sau quyết định của Bộ Tư pháp.

SNC-Lavalin hiện đang sử dụng 9.000 nhân viên tại Canada và hơn 50.000 nhân viên tính trên quy mô toàn thế giới.

Trong vụ việc liên quan đến SNC-Lavalin, Thủ tướng Trudeau đã “để mất” một cố vấn thân cận là ông Gerald Butts – người đã từ chức tuần trước.

Ông Butts phủ nhận việc ông hay nhân viên trong Văn phòng Thủ tướng đã gây sức ép với bà Wilson-Raybould và hiện ông đang đề nghị được phép điều trần tại Ủy ban Pháp lý của Quốc hội.

(theo Tân Hoa xã)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/canada-thu-tuong-trudeau-bi-yeu-cau-tu-chuc-ha-vien-hop-khan-88618.html