Canada tố Mỹ quấy nhiễu ngư dân ở biển tranh chấp

Vùng biển quanh hòn đảo Machias Seal xảy ra tình trạng lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ đột ngột tra hỏi ngư dân Canada.

Khu vực này là nơi có Đảo Machias Seal và là một trong những tranh chấp biên giới còn lại cuối cùng giữa Mỹ và Canada, nhờ các quy định cạnh tranh được đưa ra bởi các hiệp ước và trợ cấp đất đai. Các vùng nước xung quanh hòn đảo rộng 18 mẫu Anh, nổi tiếng với nghề đánh bắt tôm hùm, được gọi là vùng Xám, có nghĩa là cả Mỹ và Canada đều coi đây là lãnh thổ có chủ quyền.

Đảo Machias Seal

Tranh luận về chủ quyền lại tiếp tục nổ ra khi một ngư dân Canada hồi tháng 6, đầu tháng 7 cho biết, lực lượng Tuần tra Biên giới của Mỹ đã cố gắng "quấy rối" một số ngư dân ở vùng biển mà hai nước lâu nay vẫn đánh bắt hải sản chung.

Người phát ngôn của cơ quan Đối ngoại toàn cầu Canada, ông John Babcock tuyên bố ngắn gọn rằng Chính phủ đang tìm hiểu "những sự cố xảy ra tại vùng biển Canada".

Ông Babcock không đề cập đến những cáo buộc hay phản ứng của ngư dân Canada mà cho hay rằng, hai nước đang cố gắng liên lạc cho đến khi vấn đề ranh giới được giải quyết.

“Chủ quyền của Canada trên đảo Machias Seal và vùng biển xung quanh là lâu đời và có nền tảng vững chắc trong luật pháp quốc tế. Cho đến khi vấn đề ranh giới được giải quyết, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các bước đi với phía Mỹ để đảm bảo rằng khu vực này được quản lý tốt.

Canada và Mỹ có một lịch sử hợp tác lâu dài nhằm đảm bảo việc đánh bắt cá trong khu vực này được quản lý tốt và an toàn cho cả hai nước” - ông Babcock nhấn mạnh.

Còn Bộ trưởng Bộ Thủy sản New Brunswick (Canada) - ông Rick Doucet thì nói với tờ National Post rằng, ông đã nghe nhiều báo cáo về các nhân viên Tuần tra Biên giới Mỹ có vũ trang lên thuyền đánh bắt tôm hùm của ngư dân để tìm người nhập cư.

"Điều ấy có quá đáng không? Chắc chắn rồi. Khá là lo ngại khi bạn có những người dân sống lênh đênh trên mặt nước, làm công việc của họ, nuôi sống gia đình họ... và giờ thì họ bị quấy nhiễu. Các cư dân Canada đang bị Tuần tra Biên giới Mỹ quấy nhiễu. Tôi nhấn mạnh, cần phải dừng lại hành động đó ngay lập tức" - ông Doucet nói.

Cũng trả lời tờ báo này, phát ngôn viên của Lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ (một cơ quan thuộc Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ) lại cho rằng, họ đang thực thi đúng pháp luật về luật di trú.

"Tuần tra Biên giới Mỹ không lên tàu Canada trong Vùng Xám mà không có sự đồng ý của họ" - người này cho biết.

Cơ quan này sau đó giới thiệu tất cả các yêu cầu bình luận tới Bộ Ngoại giao Mỹ.

Lực lượng Tuần tra Biên giới của Mỹ

Thông tin chi tiết hơn về vụ việc, anh Laurence Cook, một người săn tôm hùm và đại diện của Hiệp hội Ngư dân từ đảo Grand Manan hôm 25/6 thông tin, các ngư dân Canada cho biết lực lượng tuần tra biên giới Mỹ trên tàu cao tốc đã chặn các tàu đánh bắt tôm hùm của Canada ở vùng Xám.

"Tôi không biết họ đến từ đâu. Chúng tôi chưa từng gặp lực lượng tuần tra biên giới Mỹ ở vùng Xám trước đây. Chắc có một chút hiểu lầm ở đâu đó. Những tàu cá đang ở trong vùng biển quốc tế, nên lực lượng tuần tra biên giới Mỹ không nên lên tàu của Canada" - anh Laurence Cook cho biết thêm.

Anh Laurence Cook cho biết ít nhất 10 thuyền Canada đã bị chặn lại và bị thẩm vấn về việc họ có mang theo ma túy và có phải là người nhập cư bất hợp pháp hay không.

Đảo Machias Seal, cách Đảo Grand Manan và phía đông Maine khoảng 19 km về phía tây nam, nằm trong khu vực tranh chấp được gọi là vùng xám, nơi các ngư dân tôm hùm từ cả Canada và Mỹ từ lâu đã đánh bắt cùng với nhau. Ảnh: The Canadian Press.

Stephen Kelly, một nhà nghiên cứu tại Đại học Duke ở Durham (Bắc Carolina), và cựu nhà ngoại giao Mỹ từng phục vụ tại Canada nói với tờ The Star: “Cả hai quốc gia đều không chấp nhận rằng có một vùng Xám. Điều đó đã tạo ra căng thẳng hơn trong khu vực trong thập kỷ qua".

Việc các cảnh sát Mỹ nói rằng, họ đang tìm kiếm những người nhập cư bất hợp pháp là điều rất... không bình thường.

"Cũng có thể... nhưng Vịnh Maine không phải là con đường chính cho những người nhập cư bất hợp pháp lẻn vào Mỹ. Nếu có khả năng, họ sẽ lén lút theo cách khác. Người ta dường như đang cố gắng ra khỏi Mỹ và sang Canada tị nạn mới phải" - chuyên gia này cho biết.

Thay vào đó, nếu nói rằng, lực lượng tuần tra Mỹ đang tìm kiếm những kẻ buôn lậu ma túy, đó có thể sẽ là lời giải thích hợp lý hơn.

Trong Hiệp ước Paris được ký kết giữa Anh và Mỹ khi Mỹ mới độc lập, Mỹ đã được trao tất cả các đảo trong "20 dải" ven bờ Maine, ngoại trừ những hòn đảo thuộc khu thuộc địa Nova Scotia (khi đó của Anh và sau này trở thành một phần của Canada). Hai bên đã có nhận thức khác biệt về việc Machias Seal có phải là một phần lịch sử của Nova Scotia hay không.

Căng thẳng giữa hai nước đã gia tăng khi Mỹ vào tháng 5 đã đánh thuế nhập khẩu thép và nhôm của Canada, khiến Ottawa áp thuế tương đương với các mặt hàng trên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump còn chỉ trích Thủ tướng Canada Justin Trudeau khi gọi ông là "không trung thực và yếu ớt".

Hai nước cũng đang trong quá trình đàm phán căng thẳng về NAFTA, thỏa thuận Bắc Mỹ mà ông Trump đã gọi là "thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từng được thực hiện".

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/canada-to-my-quay-nhieu-ngu-dan-o-bien-tranh-chap-3363619/