Càng gặp điều xấu thì càng phải sống đẹp

Nhà thơ Dương Kỳ Anh (Dương Xuân Nam), quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh; cựu tổng biên tập báo Tiền Phong, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Trưởng ban Tổ chức kiêm chủ tịch Hội đồng giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam từ năm 1988 đến 2008.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh.

Nguyễn Tham Thiện Kế: Nói đến Dương Kỳ Anh, người ta nghĩ ngay đến các hoa hậu. Là người có công khởi tạo phòng trào thi hoa hậu ở VN, tổ chức thành công cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất, nhà thơ chắc chưa hình dung mình đã đặt nền móng phát triển một phân khúc đặc biệt của ngành công nghiệp showbiz ở VN hiện nay?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Khi khởi xướng cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất, bản thân tôi cũng như tờ báo chỉ muốn tôn vinh cái đẹp, tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, tạo nên một sinh hoạt văn hóa mới bổ ích, lành mạnh, hấp dẫn ở Việt Nam, để định hướng về cái đẹp cho tuổi trẻ.

Có một điều tôi đã ôm ấp từ lâu, từ trước đó, mà sau này tôi mới nói ra ấy là qua cuộc thi hoa hậu, muốn khẳng định cái tôi bản thể, cái tôi chân chính của con người Việt Nam mà nhiều năm chiến tranh và cả sau đó nó đã bị cơ chế bình quân, bao cấp “ nuốt” mất …

Qua mấy cuộc thi, tôi bắt đầu hiểu rằng từ đây các nghề mới ra đời như người mẫu thời trang, mỹ phẩm, phẩu thuật thẩm mỹ… tạo nên ngành công nghiệp showbiz sau này .

Nhà thơ có đối sánh nào không về các cuộc thi hoa hậu thời đoạn 1988- 2008 và sau này, khi ông không còn làm trưởng ban giám khảo và trưởng ban tổ chức nữa?

- Thời gian qua nhiều hãng truyền hình, nhiều tờ báo đã phỏng vấn tôi về vấn đề này, tôi đều nói rằng thời tôi làm, các cuộc thi hoa hậu Việt Nam luôn đặt mục tiêu tôn vinh cái đẹp lên hàng đầu. Gần đây, nhiều cuộc thi sắc đẹp hình như không phải thế, ban tổ chức một số cuộc thi còn có nhiều mục đích khác thì phải, cả nhiều thí sinh đi thi hình như cũng có những mục đích ngoài cái đẹp, họ đến với cuộc thi hình như không chỉ đến với một ngày hội văn hóa tôn vinh cái đẹp mà còn muốn có một danh hiệu nào đó để tiến thân trong ngành công nghiệp Showbiz …

Tôi thiển nghĩ rằng, nếu các cuộc thi sắc đẹp bị thương mại hóa thì hỏng!

Từng trả lời báo chí rằng yêu cái đẹp, là nhà thơ, và vì một mối tình ẩn ức nơi Sapa đèo sương ông mới nghĩ đến phải tổ chức các cuộc thi hoa hậu. Một số phận mồ côi mẹ năm 9 tuổi, từng phải dắt hai em mình đi ăn xin, đi ở, cày thuê, cuốc mướn… khổ nhục hết chỗ nói, dù ông nội nhà thơ đã từ bỏ con đường làm quan, đi làm cách mạng, bị thực dân Pháp bắt đi tù… học xong đại học đi bộ đội sau ngày nước nhà thống nhất, chuyển sang làm báo, giữ chức TBT báo Tiền Phong hơn 20 năm- tôi thấy lý đó chưa thật thuyết phục lắm… Với Dương Kỳ Anh- thì mọi sự đều đặc biệt mới phải?

- Nếu nói có gì đặc biệt thì, điều đặc biệt nhất là gia đình tôi, một gia đình tri thức nông thôn nhiều đời đã tham gia các phong trào yêu nước… Gia đình và cả bản thân tôi đã trải qua những giai đoạn lịch sử “đặc biệt”, những cái mốc lịch sử thật oai hùng và tàn khốc của đất nước… Tôi đã tái hiện điều này trong tiểu thuyết “Xuyên Cẩm” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004), và cuốn tiểu thuyết mới của tôi đang in, cuốn “ Miền trần gian” (Nhà xuất bản HNV năm 2018).

Người phương Tây có câu nói: Nỗi khổ là một gia tài lớn, câu này thật đúng với tôi. Khổ đau nhiều mới yêu thương lắm-một nhà thơ đã viết như vậy. Qua nhiều khổ đau, oan ức, mất mát mới hiểu phải làm gì trong cuộc đời này để có được những điều tốt, đẹp… Càng gặp cái xấu, cái ác trong đời ta lại càng muốn vươn tới cái đẹp vì cái đẹp chính là cái thiện…

Thời trẻ tôi qua miền sông La, sông Lam, ôi chao các thiếu nữ miền gió lào cát trắng ấy da trắng đến ngại ngần, mắt thẳm bâng khuâng, tóc dài bối rối. Trong số các hoa hậu, á hậu đăng quang do ông chủ trì, có nhan sắc xứ Nghệ nào không?

- Hà Tĩnh quê tôi có núi Hồng, sông Lam , sông La, cảnh vật nên thơ, cũng có nhiều cô gái đẹp, qua các cuộc thi hoa hậu Việt Nam tuy chưa có cô nào đoạt danh hiệu hoa hậu, nhưng cũng có nhiều cô gái đoạt giải cao …

Ba tập sách ông viết về đề tài hoa hậu, hẳn là bán chạy. Với nàng thơ thì ông cũng có nhiều thi phẩm ấn tượng, ông có thể trích dẫn những câu thơ mà ông cảm xúc nhất về cái đẹp được không?

- Bộ sách ba cuốn “Chuyện ít biết về hoa hậu Việt Nam” của tôi đúng là có nhiều người đọc, nhưng tôi viết không phải vì mục đích giật gân, câu khách mà muốn qua những câu chuyện ít người biết về hoa hậu và các cuộc thi hoa hậu để nói lên quan điểm về cái đẹp của tôi, một nhà thơ yêu cái đẹp …

Nhà thơ Dương Kỳ Anh và Hoa hậu Bùi Bích Phương.

Trong 5 tập thơ, 4 cuốn tiểu thuyết và 7 tập truyện ngắn của tôi đã xuất bản tôi đều hướng về cái đẹp, từ cái đẹp hình thể đến vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách…

Tôi yêu cái đẹp như trời vậy
Chẳng đợi hoa đào, xuân vẫn sang
Có cô yếm thắm ngàn năm tuổi
Trong sắc dân gian má ửng hồng
( Trích bài thơ : Với tranh tố nữ)

…Ngực em căng tròn
Môi em chín mọng
Áo xiêm lơi lỏng
Rốn tròn bây bi

Ta nhìn thẹn lắm
Rồi ta bồi hồi
Rồi ta xanh tươi …
(Trích bài Apsara )

Thưa, có thực sự là ông làm báo với tư duy cảm xúc của một nhà thơ?

- Tôi làm thơ trước khi làm báo, tôi đã có thơ đăng trên báo và trong tập thơ “Bông hồng đỏ” (Nhà xuất bản Kim Đồng) cùng với Trần Đăng Khoa và một số người mà theo Trần Đăng Khoa thời đó người ta gọi chúng tôi là “Giàn thần đồng”, nghĩa là tôi làm thơ từ lúc trẻ con, còn học ở trường làng, trước khi tôi vào đại học, đi bộ đội rồi mới về làm báo. Tháng 9-1975 tôi mới bắt đầu viết báo. Bài báo đầu tiên của tôi viết là một bài thơ. Nhưng sau đó tôi nhận ra rằng thơ là thơ, báo là báo, không thể lẫn lộn. Nhưng vì tôi yêu thơ, yêu văn chương nên tôi rất quý và ngưỡng mộ các nhà văn, nhà thơ có tên tuổi lúc đó. Tôi đã bàn trong ban biên tập và quyết định chủ trương thà ít mà tinh, nên báo Tiền Phong thời đó cán bộ phóng viên không nhiều nhưng đã làm được một khối lượng công việc lớn, nhờ chủ trương phát triển đội ngũ cộng tác viên sâu rộng trong cả nước.

Nhiều người rất nhớ cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh của TP? Từ bệ phóng ấy, đã có những tên tuổi nào xuất hiện và khẳng định tên tuổi đến bây giờ?

- Báo Tiền Phong không chỉ tổ chức thi người đẹp mà còn có chủ trương KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI.

Chúng tôi tổ chức giải chạy Việt Dã để chọn người tài trong thể thao, để thanh niên hướng tới việc rèn luyện sức khỏe, thi TÁC PHẨM TUỔI XANH là để phát hiện những tài năng trẻ trong văn chương, nghệ thuật, thi BÀN TAY VÀNG là phát hiện thợ giỏi vv…
Cuộc thi TÁC PHẨM TUỔI XANH lần đầu năm 1989-1990 là kết hợp với trường viết văn Nguyễn Du, sau đó chúng tôi tự tổ chức, sau này đến cuộc thi sáng tác văn học cho cả các lứa tuổi là cuộc thi TẦM NHÌN THẾ KỶ.

Nhiều tên tuổi nổi danh về sau đã xuất hiện ở các cuộc thi TPTX và TẦM NHÌN THẾ KỶ như Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Lê Quốc Hán, Dương Phương Vinh, Nguyễn Vĩnh Tiến, Đỗ Bích Thúy, Hoàng Tố Mai, Đinh Thu Hiền …

Trong những năm tháng làm TBT Tiền Phong, những lúc tuyệt vọng nhất thì ông bấu víu niềm tin vào điều gì? Đã bao giờ ông định thoái lui, buông xuôi trước áp lực?

- Thời đó, tôi luôn tin vào những điều mình làm là đúng. Bây giờ nghĩ lại mới biết: Đi vào trong láo nháo của cuộc đời, mới biết chúng ta nhầm lẫn cả (Tôi không biết thơ ai ). Thực ra có những lúc mệt mỏi, đau đầu, chán ngán… Nhưng, sau một đêm mất ngủ, tôi lại tự CÂN BẰNG MÌNH: Tìm an nhàn trong bận rộn / Tìm niềm tin trong thất vọng / Nhân ái bao dung với phản trắc, dối lừa …

Cho đến bây giờ cũng vậy, làm việc gì tôi cũng tìm cách làm đến cùng, quyết không buông tay, dừng lại.

Bây giờ “cuộc chơi” đã khép, ông tự hào về điều gì nhất?

- Tôi nghỉ quản lý tờ báo đã 10 năm, thời gian qua, tôi có nhiều thì giờ để đọc , nhất là các tác phẩm triết học, tôi vẫn viết đều, viết cho nhiều tờ báo, và sáng tác văn chương, gần như mỗi năm tôi in một cuốn sách. Cho vui thôi mà! Giải thưởng hay danh hiệu này khác, cũng thế thôi… Tôi cảm ơn trời đất, tổ tiên vì những gì tôi có. Nhưng, CÓ ĐẤY LÀ KHÔNG, KHÔNG LÀ CÓ / CÓ KHÔNG, KHÔNG CÓ CÕI NHÂN GIAN …

Ông từng nói, sống tử tế vì những điều tốt đẹp. Và tôi cũng có thễ diễn đạt ý ấy theo một cách khác: Càng gặp những điều xấu thì ta càng phải sống tốt đẹp. Ở tuổi này, bây giờ ông vẫn hành động và đặt niềm tin vào điều ấy không ạ?

- Cả đời tôi yêu cái đẹp, cái tốt, cái tài, từ vẻ đẹp hình thể , vẻ đẹp nhân cách, trí tuệ của con người đến vẻ đẹp trong văn chương, nghệ thuật, nhất là cái đẹp của thiên nhiên, trời đất…Đến bây giờ vẫn vậy, đúng như bạn nói CÀNG GẶP NHỮNG ĐIIỀU XẤU THÌ TA CÀNG PHẢI SỐNG TỐT ĐẸP .

Cảm ơn ông.

Nguyễn Tham Thiện Kế (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/cang-gap-dieu-xau-thi-cang-phai-song-dep-tintuc418079