Căng mình ngăn chặn hàng lậu qua sông Sê Pôn

Suốt gần 3 tháng qua, khu vực biên giới thuộc thị trấn Lao Bảo và xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị luôn 'nóng' tình trạng nhập lậu lợn từ Lào vào Việt Nam. Để ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự cho khu vực, Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung (Đoàn 2), Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP và Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã phối hợp triển khai các chốt thường trực, tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ trên biên giới…

BĐBP Quảng Trị tăng cường tuần tra, kiểm soát trên sông Sê Pôn. Ảnh: Trúc Hà

BĐBP Quảng Trị tăng cường tuần tra, kiểm soát trên sông Sê Pôn. Ảnh: Trúc Hà

21 giờ, đội tuần tra trên sông và đội tuần tra trên bộ của Đoàn 2 rời tổ công tác bắt đầu một đêm “trắng”. Gọi là đêm “trắng” bởi ngày nào cũng vậy, từ 21 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau, các đội thay phiên nhau tuần tra, mật phục trên biên giới để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ nhập lậu hàng hóa. Suốt gần 3 tháng qua, Đoàn 2 tăng cường quân số lên cửa khẩu quốc tế Lao Bảo để phối hợp với các đơn vị của Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị ngăn chặn lợn nhập lậu từ Lào vào Việt Nam.

Việc các đầu nậu thu gom lợn ở Thái Lan tập kết ở biên giới Lào, đối diện với khu vực cửa khẩu quốc tế Lao Bảo chờ thẩm lậu đã gây nên tình trạng mất ổn định về an ninh, chính trị. Bên cạnh đó, lợn nhập lậu không qua kiểm dịch cũng gây ra mối nguy cơ về dịch bệnh. Lực lượng Biên phòng triển khai quyết liệt nhiều biện pháp, nhưng các đầu nậu vẫn tìm mọi cách để vận chuyển lợn trái phép qua biên giới.

Đại úy Đặng Văn Hợp, Đội phó Đội chống buôn lậu, Đoàn 2 chia sẻ: Nếu vận chuyển trót lọt, đầu nậu có thể thu lãi 20-30 nghìn đồng/kg lợn hơi. Cuộc sống khó khăn, nhất là sau đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều người dân dù biết vi phạm pháp luật vẫn nhận vận chuyển thuê với giá 2-3 nghìn đồng/con. Thực tế, ở Thái Lan, lợn được nuôi trong trang trại có điều hòa không khí, được ăn uống đầy đủ, nay đưa về biên giới bị nhốt trong chuồng thô sơ, thức ăn thiếu, thời tiết nắng nóng nên số lợn chết hoặc sụt cân nhiều.

Thêm vào đó, với việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam, các đầu nậu lo rằng, nguồn cung sẽ không còn thiếu hụt như trước khiến giá thành giảm. Trong khi đó, BĐBP triển khai lực lượng ngăn chặn 24/24 giờ, rất khó tìm được sơ hở, bởi vậy, các đầu nậu càng ráo riết tìm mọi cách đẩy hàng nhanh ngày nào thì bớt nguy cơ lỗ ngày ấy. Có những thời điểm, mặc dù lực lượng Biên phòng đang chốt giữ, nhưng bên kia biên giới, lợn tập kết sát bờ sông, đưa lên thuyền, phủ bạt chờ sẵn để đưa qua sông.

2 giờ sáng, chúng tôi tiếp tục theo đội tuần tra của Đoàn 2 gồm Đại úy Trần Văn Hiển, Đại úy Đặng Văn Thắng và Thiếu tá Nguyễn Tiến Đạt đi dọc theo bờ sông Sê Pôn, từ xã Tân Thành ngược lên cửa khẩu. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại gặp những chiếc xe máy đi ngược chiều, trời tối mịt, người điều khiển xe máy đeo khẩu trang kín mít nhưng vẫn nhận ra “người nhà” qua bộ quân phục rằn ri. Đường vắng vẻ nhưng cứ vài trăm mét đến 1 cây số lại thấy có bóng điện công suất lớn chiếu sáng cả mặt sông.

Đại úy Đặng Văn Thắng nói, đó là các chốt trực tại các điểm lên xuống bến sông của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Lúc chiều, Thiếu tá Nguyễn Văn Hiếu, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cũng đã có những trao đổi về công tác triển khai và những khó khăn mà đơn vị đang gặp phải. Quản lý 16km đường biên giới, trong đó có 11km trên sông Sê Pôn, trước tình hình vận chuyển trái phép lợn qua biên giới, đơn vị đã triển khai 23 chốt cố định, 1 chốt cơ động trên sông. Về cơ bản, đây là các chốt trực phòng, chống Covid-19 trước đây, nay thêm tình hình nhập lậu lợn trái phép, đường biên giới được “tăng dày” thêm các chốt.

Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã tăng cường 100 cán bộ từ tuyến sau chi viện cho các đồn Biên phòng tuyến Việt Nam - Lào, chủ yếu cho Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt, các chốt dựng bằng bạt dã chiến nên điều kiện ăn, ở của cán bộ, chiến sĩ gặp nhiều khó khăn. Duy trì chốt trực từ sau Tết, lại phải thường trực 24/24 giờ, bởi vậy mà việc đổi quân, bố trí thời gian nghỉ ngơi vẫn chưa được tối ưu sao cho vừa đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ mà vẫn bám trụ lâu dài thực hiện nhiệm vụ.

Mấy tháng vừa rồi, phía Lào đóng cửa khẩu, người dân 2 nước không qua lại được. Trong khi ấy, nhiều người Việt thuê đất trồng chuối ở các vùng sát biên giới thuộc huyện Sê Pôn, tỉnh Sa Vẳn Na Khệt. Chuối 2 tháng không được chăm sóc, trông coi nên xảy ra mất trộm hoặc đến kỳ không được thu hoạch kịp thời gây thiệt hại kinh tế rất lớn. Mặc dù đã được tuyên truyền, giải thích, nhưng người dân vẫn tập trung đến các lối mở để tìm cơ hội vượt biên trái phép sang Lào.

Chốt gác của BĐBP trên biên giới huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Trúc Hà

Khi chúng tôi về tới tổ công tác của Đoàn 2 thì kim đồng hồ cũng chỉ 6 giờ sáng. Những người phiên trước đã trở dậy chuẩn bị ca trực mới. Đêm qua, đội tuần tra dưới sông phát hiện được 3 vụ, thông báo cho đội cơ động đến “đón đầu”, giờ vẫn đang phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo lập biên bản xử lý.

Theo Thượng tá Bùi Đức Trung, Đoàn trưởng Đoàn 2, để đối phó với lực lượng Biên phòng, các đối tượng dùng nhiều phương thức, thủ đoạn. Điển hình là tận dụng chuồng trại sát sông Sê Pôn, sẵn sàng thu gom lợn thẩm lậu để thu tiền hoa hồng. Các lối xuống bờ sông, các đối tượng lấy gạch, đá, cành cây, thậm chí dùng dây thép gai để rào đường đi nhằm ngăn chặn lực lượng chức năng xuống bến. Nước sông Sê Pôn vốn đang cạn, việc tuần tra bằng xuồng, ghe đã khó, chúng còn thả lưới nhằm ngăn ca nô tuần tra.

Thậm chí, các chủ lợn còn cho người theo dõi lại lực lượng chống buôn lậu để dễ bề đối phó. Đối với các trường hợp bị bắt quả tang, khi bị phát hiện, các đối tượng thường bỏ chạy, sau đó đưa phụ nữ, trẻ em ra cướp hàng. Dù rất thông cảm với khó khăn của bà con, nhưng chúng tôi vừa tuyên truyền, giải thích, vừa kiên quyết bắt giữ, phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, tịch thu tang vật và tiến hành tiêu hủy theo đúng quy định.

Theo đánh giá, việc cho phép nhập khẩu lợn sống để nuôi, giết mổ làm thực phẩm có thể làm giảm tình trạng nhập lậu lợn vì nguồn cung trong nước ổn định khiến giá thành giảm. Tuy nhiên, cũng đặt ra những vấn đề mới cần phải phòng ngừa như gian lận về số lượng, chủng loại... Đơn vị đã có những đề xuất lên cấp trên, xây dựng kế hoạch, trao đổi với Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị để làm tốt công tác ngăn chặn từ xa và sẵn sàng cho những tình huống mới.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cang-minh-ngan-chan-hang-lau-qua-song-se-pon-post430075.html