Căng thẳng gia tăng giữa Kosovo và Serbia

Trong một tuyên bố gần đây khi nói về tình hình Kosovo, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nói rằng, căng thẳng đang ở mức tồi tệ nhất trong khoảng 24 năm qua, đồng thời ám chỉ một cuộc chiến hỗn hợp đang được tiến hành chống lại Serbia.

Hình ảnh đụng độ giữa người biểu tình gốc Serbia với KFOR ở thị trấn Zvecan, Kosovo vào cuối tháng 5/2023. Ảnh: Reuters

Kosovo là vùng lãnh thổ có dân số chủ yếu là người gốc Albania, từng là một tỉnh của Serbia. Trong lịch sử, Kosovo ly khai, tuyên bố độc lập vào năm 2008 và được khoảng 110 quốc gia thành viên Liên hợp quốc công nhận, trong khi Serbia không công nhận và vẫn coi đây là một phần lãnh thổ của mình.

Vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, căng thẳng sắc tộc kéo dài giữa cư dân Albania và Serbia khiến lãnh thổ bị phân chia theo sắc tộc và bạo lực leo thang, đỉnh điểm là Chiến tranh Kosovo 1998 - 1999. Chiến tranh kết thúc bằng cuộc can thiệp quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Dẫn giải về tình hình gần đây, giới quan sát an ninh khu vực cho biết, tình trạng bất ổn giữa Kosovo và Serbia gia tăng mạnh mẽ vào cuối tháng 4/2023 khi một loạt thị trưởng sắc tộc Albania được bổ nhiệm tại những khu vực đông người gốc Serbia sinh sống. Điều này tạo ra làn sóng phẫn nộ rất lớn đối với người Serbia tại địa phương. Căng thẳng leo thang nghiêm trọng hơn vào cuối tháng 5/2023 khi các thị trưởng người Albania đắc cử nhậm chức.

Thời điểm này cũng xảy ra các cuộc đụng độ giữa người biểu tình gốc Serbia với lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO ở Kosovo (KFOR), khiến hàng chục người bị thương, bao gồm cả binh sĩ KFOR và người biểu tình. Tiếp nối, từ đầu tháng 6/2023 đến nay, liên tiếp các động thái tiêu cực giữa các bên khiến căng thẳng ngày càng leo thang. Điển hình nhất là ngày 14/6, Kosovo áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả các phương tiện vận chuyển hàng hóa và cung cấp hàng hóa từ miền Trung Serbia. Tổng thống Serbia cáo buộc, Kosovo ngăn cản người Serbia ở miền Bắc vùng lãnh thổ này có được thức ăn và thuốc men.

Cùng ngày 14/6, Serbia tuyên bố bắt giữ 3 lính đặc nhiệm Kosovo trên lãnh thổ Serbia. Tiếp đó, Tổng thống Serbia đã gặp các quan chức của nhóm Quinta (gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Italia), Liên minh châu Âu (EU), NATO, KFOR... và đưa ra yêu cầu, các tổ chức quốc tế vào cuộc mạnh mẽ ngăn chặn một cuộc chiến mới ở Balkan.

Ở phía đối lập, chính quyền Kosovo phản đối kịch liệt các động thái của Serbia, yêu cầu Serbia phải trao trả tự do cho 3 lính đặc nhiệm bị bắt giữ. Tổng thống Kosovo Vjosa Osmani cũng cáo buộc các nhà lãnh đạo Serbia gây bất ổn cho Kosovo thông qua những cấu trúc bất hợp pháp của người Serbia, đỉnh điểm là việc tấn công cảnh sát Kosovo, các sĩ quan của KFOR và các nhà báo...

Trong một động thái mới nhất, ngày 18/6, NATO nhấn mạnh cam kết không lay chuyển của KFOR đối với nhiệm vụ tại vùng lãnh thổ này. Người phát ngôn NATO Oana Lungescu khẳng định, cam kết của KFOR là không thay đổi, thể hiện qua việc triển khai bổ sung 500 quân đến khu vực căng thẳng gần đây. Lực lượng KFOR đã tăng lên hơn 4.000 quân, sau khi một tiểu đoàn 500 quân tiếp viện từ Thổ Nhĩ Kỳ được gửi đến Kosovo 2 tuần trước. Cùng với đó, một đơn vị NATO khác đang trong trạng thái sẵn sàng triển khai tới Kosovo trong trường hợp cần thiết.

Theo giới quan sát, tình hình ở Kosovo hiện khá phức tạp và khó lường. Đặc biệt, chính quyền hai bên đều cho thấy thái độ cứng rắn, kiên quyết mà chưa thể tìm thấy điểm chung nhằm định hình các biện pháp giải quyết căn bản thực trạng căng thẳng. Trên thực tế, các cuộc đàm phán do EU hậu thuẫn nhằm bình thường hóa quan hệ Serbia - Kosovo đã kéo dài cả thập kỷ, nhưng những bất đồng vẫn chưa thể giải quyết, điển hình như việc thành lập hiệp hội các đô thị có đa số người gốc Serbia ở phía Bắc Kosovo. Cũng cần điểm lại rằng, Serbia không công nhận nền độc lập của Kosovo.

Cũng theo nhận định của giới quan sát, các cuộc biểu tình vẫn sẽ tiếp diễn cho đến khi yêu cầu của cộng đồng người gốc Serbia được đáp ứng. Song, những yêu cầu này sẽ khó để Kosovo thực hiện. Điều quan trọng là chính quyền Serbia và Kosovo cần đạt được một giải pháp chính trị thực chất để làm cơ sở cho sự ổn định, hài hòa của khu vực nhạy cảm này.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cang-thang-gia-tang-giua-kosovo-va-serbia-post462554.html