Căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có sớm được hóa giải?

Động thái giảm căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản vừa qua được cho là để giảm tác động sau khi Mỹ - Trung vừa 'trả đũa' lẫn nhau.

Liệu căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có sớm được hóa giải?

Liệu căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có sớm được hóa giải?

Vừa qua, Hàn Quốc đã hoãn quyết định đưa Nhật Bản ra khỏi danh sách các đối tác thương mại tin cậy. Động thái này được thực hiện sau khi Nhật Bản cấp phép xuất khẩu lô hàng nguyên liệu công nghệ cao đầu tiên sang Hàn Quốc sau khi quốc gia này thực hiện biện pháp hạn chế xuất khẩu.

Cùng với việc không đưa thêm bất kỳ sản phẩm nào vào danh mục hạn chế xuất khẩu, quyết định được kỳ vọng sẽ phần nào làm dịu căng thẳng đang ngày một leo thang giữa hai quốc gia láng giềng, đồng thời là những đồng minh quan trọng của Mỹ tại châu Á.

Theo các nhà quan sát, đây là bước đi nhằm giảm nhẹ tác động khi thương chiến Mỹ - Trung đang dần tăng nhiệt khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ sau khi nước này hạ giá đồng nhân dân tệ (CNY).

Hiện nay, kinh tế Hàn Quốc đã phải chịu nhiều tác động tiêu cực từ việc nền kinh tế giảm tốc và chiến tranh thương mại. Trong tháng 7, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc giảm 16,3%. Hoạt động giao dịch xuyên biên giới lĩnh vực chất bán dẫn giảm hơn 28%.

Tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc cũng đang xuống dốc. Rõ ràng, các biến động tỷ giá với NDT tiếp tục là cơn gió nghịch chiều với kinh tế Hàn Quốc. Trong khi đó, với Nhật Bản, khi mức lương thực tế tại đây đã giảm trong 6 tháng liên tiếp tính tới tháng 6/2019. Nỗ lực kiềm chế đà tăng giá đồng yên của chính phủ Nhật Bản cũng không thành công khi giới đầu tư tìm tới đồng tiền này như nơi trú ẩn an toàn.

Đồng yên đã tăng giá 3% kể từ đầu năm tới nay so với USD, khiến các khoản nợ ngày càng dày lên và hàng hóa xuất khẩu trở nên đắt đỏ hơn.

Trên thị trường xuất hiện thông tin, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ neo giữ lại đồng yên (JPY). Nếu vậy, quốc gia này sẽ cùng Trung Quốc bước vào danh sách thao túng tiền tệ, điều không lấy làm dễ chịu với vị thế một trong những trung tâm tài chính - kinh tế hàng đầu thế giới.

Nền kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc được cho là sẽ chịu thiệt hại nặng nề khi thuế quan của chính quyền Trump áp lên Trung Quốc. Các hiệu ứng kích nổ chỉ mới bắt đầu, không chỉ ở Bắc Á mà còn đang dần lan tỏa trên toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Mặt khác, căng thẳng giữa Mỹ - Trũng cũng sẽ kéo theo mối quan hệ đối tác giữa ba ông lớn khu vực Bắc Á trở nên "bằng mặt không bằng lòng". Các nhà phân tích cho biết, Trung Quốc có thể từ bỏ ngoại giao cấp cao hoặc sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để đối phó lại với hai nước láng giềng nếu họ đồng ý cho phép tên lửa tầm trung của Mỹ được đặt trên lãnh thổ.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói rằng Washington muốn triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung tại châu Á càng sớm càng tốt. Mặc dù không nêu địa điểm cụ thể nhưng giới quan sát cho rằng một số nước có thể được cân nhắc là Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Theo chuyên gia Adam Ni, một nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Macquarie ở Sydney nhận định, Trung Quốc lo ngại những hành động như vậy cũng có nguy cơ đe dọa và làm tổn hại đến lợi ích của Bắc Kinh khi căng thẳng với Washington gia tăng. "Kinh tế là một đòn bẩy lớn nhất mà Trung Quốc sở hữu, đặc biệt là với các quốc gia tại châu Á khi quốc gia này là đối tác kinh tế lớn nhất trong khu vực với Nhật Bản và Hàn Quốc", ông cho biết.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế, hạn chế nhập khẩu hàng hóa, hạn chế cấp thị thực cho công dân; đồng thời siết hoạt động của các công ty của Nhật Bản và Hàn Quốc tại thị trường Trung Quốc có thể được Bắc Kinh áp dụng ngay lập tức. Và nếu điều này xảy ra, nền kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ chịu những tổn thương nặng nề.

Hiện nay, Nhật Bản và Hàn Quốc đang nằm giữa hai ông lớn Mỹ - Trung. Về mặt chính trị, là đồng minh lâu năm của Mỹ, cả hai quốc gia này đều cần hệ thống phòng thủ của Mỹ để đối phó với Triều Tiên và những cuộc tập trận của Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, về kinh tế, cả hai quốc gia đều đang phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc khi hầu hết các nhà máy sản xuất của doanh nghiệp hai nước đang hiện diện tại thị trường này.

Do đó, về ngắn hạn, Nhật Bản và Hàn Quốc cần xếp lại những mâu thuẫn cá nhân để giải quyết "gọng kìm" đnag chực siết lại bất cứ lúc nào. Hơn bao giờ hết, hai quốc gia này cần nhận thức một điều quan trọng, họ cần là đồng minh vững chắc hơn là đối thủ của nhau.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/lieu-cang-thang-giua-nhat-ban-va-han-quoc-co-som-duoc-hoa-giai-155693.html