Căng thẳng Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ: Đối đầu cũ, nguy cơ mới

Căng thẳng Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ leo thang tại biển Aegean sẽ trở nên phức tạp hơn bao giờ hết với những động thái mới nhất từ Pháp vả Ai Cập. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.

Tàu thăm dò Oruc Reis, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đối đầu Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực biển phía Đông Địa Trung Hải. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 13/8, trong một nỗ lực gián đoạn hải trình của tàu thăm dò địa chấn Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ, tàu hộ vệ Limnos của Hy Lạp đã va chạm nhẹ với tàu hộ vệ Kemal Reis trên vùng biển tranh chấp giữa hai quốc gia ở phía Đông Địa Trung Hải ngày 10/8.

Bộ Quốc phòng Hy Lạp cho biết phần mũi tàu Limnos đã va chạm với đuôi tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ, song khẳng định đây là “tai nạn ngoài ý muốn”. Sau đó, tàu hộ vệ này của Hy Lạp vẫn tham gia tập trận chung với hải quân Pháp trên biển Aegan sáng ngày 14/8, trong khi một số tàu chiến khác vẫn tiếp tục theo dõi tàu Oruc Reis ở vùng biển tranh chấp ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu đã kêu gọi Athens hành động “có suy nghĩ”. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan khẳng định tàu hộ vệ Kemal Reis đã đẩy lùi cuộc tấn công của chiến hạm Hy Lạp, cảnh báo “những ai tập kích tàu khoan Oruc Reis sẽ phải trả giá đắt”.

Căng thẳng Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang “nóng” nhất trong hai thập kỷ, đặc biệt sau khi Ankara đưa tàu Oruc Reis, với 6 tàu hộ vệ tháp tùng, thăm dò dầu khí từ ngày 10/8 tại vùng biển phía Đông Địa Trung Hải được Athens tuyên bố chủ quyền. Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp vẫn luôn trắc trở, song sự “góp mặt” của Pháp và Ai Cập có thể khiến nguy cơ xung đột hiện hữu hơn bao giờ hết.

Chưa bao giờ yên bình

Đầu tiên, trong nhiều thế kỷ, Hy Lạp đã trải qua hành trình dai dẳng để giành độc lập từ đế chế Ottoman, tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1923, hai bên đã tiến hành trao đổi bộ phận dân cư theo đạo Hồi giáo và Thiên chúa giáo với nhau.

Thứ hai, mới đây, hai bên lại một lần nữa bất hòa về số phận của nhà thờ Hagia Sophia ở Istanbul. Là nhà thờ Thiên chúa giáo xây dựng năm 532, song công trình này đã được cải tạo thành đền thờ Hồi giáo năm 1453 sau khi Constantinople rơi vào tay đế chế Ottoman. Gần 500 năm sau, trong nỗ lực xây dựng nhà nước thế tục và giảm căng thẳng tôn giáo, “cha đẻ” của Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Kemal Ataturk đã biến nơi này thành bảo tàng. Vì thế, quyết định đưa Hagia Sophia quay lại làm đền thờ Hồi giáo hồi cuối tháng Bảy của Ankara đã khiến Athens “nóng mặt”.

Thứ ba, khi quan hệ song phương căng thẳng, câu chuyện người nhập cư càng nóng lên hơn bao giờ hết. Hy Lạp lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng vị thế trong kiểm soát dòng người nhập cư vào châu Âu để gây áp lực lên Liên minh châu Âu (EU), khi đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát.

Thứ tư, tranh chấp Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ về biển Aegean đã tồn tại từ lâu và trở nên căng thẳng vào những năm 1970, thậm chí từng đẩy hai bên đến bờ vực xung đột vào năm 1987 và 1996. Biển Aegean là khu vực có nhiều hòn đảo nhỏ thuộc chủ quyền Hy Lạp, với một số đảo lớn nằm ngay sát Thổ Nhĩ Kỳ, được Athens khẳng định có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Tuy nhiên, Ankara đã nhiều lần phủ nhận điều này. Trong cuộc trò chuyện với nhật báo Süddeutsche Zeitung của Đức vào cuối tháng 6, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng việc một đảo nhỏ như Kastellorizo với diện tích 12 km2, dân số dưới 500 người, cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ chưa đầy 2 km lại có EEZ dài 200 hải lý (370 km) là “không thể chấp nhận được”. Về phần mình, Ankara khẳng định hoạt động thăm dò dầu khí ở phía Đông Địa Trung Hải, dựa trên biên bản ghi nhớ hồi tháng 11/2019 với Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc bảo trợ, là phù hợp với luật pháp quốc tế.

Chính vì thế, việc Thổ Nhĩ Kỳ điều tàu Oruc Reis thăm dò dầu khí tại vùng biển tranh chấp này ngày 10/8 đã khiến căng thẳng song phương, vốn đã âm ỉ nhiều thế kỷ, một lần nữa bùng phát.

Tranh chấp Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ về biển Aegean đã tồn tại từ lâu và trở nên căng thẳng vào những năm 1970, thậm chí từng đẩy hai bên đến bờ vực xung đột vào năm 1987 và 1996.

Nguy cơ mới

Tuy nhiên, một số động thái mới từ phía Ai Cập và Pháp có thể tình hình trở nên phức tạp hơn.

Ngày 6/8, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry và người đồng cấp Hy Lạp Nikos Dendias đã ký thỏa thuận phân định lãnh hải, thiết lập EEZ giữa hai nước tại vùng biển phía Đông Địa Trung Hải, nguồn cơn chính của căng thẳng Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây. Phát biểu trong họp báo chung, ông Shoukry mong thỏa thuận này có thể khai thác tiềm năng sẵn có của vùng biển và khẳng định các điều khoản là hoàn toàn phù hợp với Luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tuyên bố khẳng định thỏa thuận trên nằm trong khu vực thềm lục địa của quốc gia này, coi nó là “vô giá trị” và vi phạm chủ quyền hàng hải của Libya.

Tuy nhiên, cả Ankara lẫn Cairo rõ ràng vẫn “vuốt mặt nể mũi”: Trong thỏa thuận nêu trên, bất chấp lời kêu gọi của phía Hy Lạp, Ai Cập đã từ chối đưa đảo Meis và một số phần của đảo Rhodes của Hy Lạp vào danh mục phân định ranh giới lãnh hải, khẳng định sẽ không ký nếu thỏa thuận vi phạm EEZ của Thổ Nhĩ Kỳ. Về phần mình, trong cuộc phỏng vấn với Al Jaazera, Người Phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kahn vẫn nhận định Ai Cập là nước láng giềng với Libya và có thể đóng góp tích cực vào nỗ lực chấm dứt đối đầu quân sự thông qua đối thoại chính trị.

Song thái độ của Paris thì không nhẹ nhàng như vậy. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ có quyết định đơn phương gây căng thẳng, đồng thời điều tàu chiến, máy bay chiến đấu với khu vực tranh chấp, tiến hành tập trận chung với Hy Lạp và Ai Cập nhằm “ngăn chặn mọi hoạt động thù địch trên lãnh hải”.

Đáp lại, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã cáo buộc Pháp hành động “như một đại ca giang hồ” và chính Paris đang làm gia tăng căng thẳng, không chỉ tại Địa Trung Hải mà còn ở Libya và Syria. Bởi lẽ, quan hệ Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ cũng chẳng lấy làm yên ả, đặc biệt khi Paris, dù là dưới thời ông Nicolas Sarkozy hay Emmanuel Macron, luôn từ chối xem xét yêu cầu đưa Ankara trở thành một phần của EU.

Thực tế này khiến tình hình trên biển Aegean căng thẳng và phức tạp hơn bao giờ hết, với quân đội Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ luôn trong tình trạng cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Chừng nào hai bên chưa thể hiện thiện chí để sẵn sàng hạ nhiệt, đây tiếp tục là điểm nóng khu vực thời gian tới.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cang-thang-hy-lap-tho-nhi-ky-doi-dau-cu-nguy-co-moi-121876.html