Căng thẳng leo thang giữa Nga và EU

Trong một tuyên bố mới đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã cáo buộc chiến dịch thông tin, chính trị của các nước phương Tây nhằm mục đích kiềm chế Moscow. Tuyên bố trên của bà Zakharova đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) gia tăng liên quan tới việc hai bên liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt với quan chức của nhau.

Trả lời phỏng vấn báo giới ngày 1-5, giờ Moscow, bà Zakharova nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, Nga đã đưa ra đề xuất về những vấn đề mới nổi, những vấn đề cần giải quyết bằng biện pháp ngoại giao hiện có với các đối tác EU. Tuy nhiên, các nước EU lại có xu hướng đáp trả bằng hành động không thân thiện. Theo bà Zakharova, các nỗ lực của Nga nhằm biến đề xuất thành đối thoại mang tính xây dựng đều bị phía EU ngăn chặn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh, việc Nga áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 8 quan chức EU ngày 30-4 vừa qua chỉ là “biện pháp trả đũa đối với những hành động hoàn toàn thiếu thân thiện và đôi khi thù địch từ phía phương Tây”. Theo Reuters, trong danh sách quan chức EU bị cấm nhập cảnh vào Nga lần này có cả Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Sassoli, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách các vấn đề giá trị và minh bạch Vera Jourova, Chủ tịch Hội đồng truyền thông điện tử Latvia Ivars Abolins... “Đây là hành động đáp trả việc EU cấm 6 công dân Nga nhập cảnh vào lãnh thổ EU hồi tháng 3 vừa qua”, bà Zakharova khẳng định.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Reuters.

Ngay sau đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Chủ tịch EP David Sassoli đã ra tuyên bố chung lên án quyết định của Nga, cho rằng điều này là “không thể chấp nhận được, không có bằng chứng pháp lý và hoàn toàn không có cơ sở”. EU tuyên bố “bảo lưu quyền đưa ra những biện pháp thích hợp để đáp trả”. Trong một tuyên bố riêng rẽ, Đức cũng đã chỉ trích quyết định của Nga. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức thể hiện rõ lập trường của Berlin bác bỏ biện pháp cấm nhập cảnh của Nga nhằm vào 8 quan chức EU và các nước thành viên. Berlin cũng cho rằng biện pháp của Moscow sẽ làm gia tăng căng thẳng không cần thiết.

Trên thực tế, quan hệ Nga-phương Tây đã xuống dốc trầm trọng kể từ năm 2014 liên quan đến tình hình bất ổn ở miền Đông Ukraine và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý ở vùng lãnh thổ này. Kể từ đó, quan hệ Nga-EU dường như được “lập trình” trong những chu kỳ căng thẳng leo thang và vòng xoáy đối đầu, mà tâm điểm là việc EU cáo buộc Moscow dính líu tới vụ một cựu điệp viên hay một nhân vật đối lập nghi bị đầu độc... Những động thái gần đây còn cho thấy, hai bên dường như đang “ngắt kết nối” trong quan hệ song phương khi chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, Nga và các nước thành viên EU như Hà Lan, Italy, Đức, Thụy Điển và Ba Lan liên tiếp trục xuất các nhà ngoại giao của nhau. Tháng 3 vừa qua, EP ra một nghị quyết tuyên bố Nga không còn là một “đối tác chiến lược” của EU, trong khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định, nước này “sẵn sàng cắt đứt hoàn toàn quan hệ” nếu EU tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc với Moscow.

Tuy nhiên, cũng như Mỹ, EU khó có khả năng đóng hoàn toàn cánh cửa hợp tác với Nga. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, nhiều vấn đề quốc tế “nóng” trên thế giới như chương trình hạt nhân của Iran, xung đột ở Trung Đông hay căng thẳng tại Ukraine... cần được giải quyết với sự tham gia của cả Nga và các nước phương Tây. Nói cách khác, Mỹ và EU đều có lợi ích chiến lược trong việc thúc đẩy đối thoại với Nga trong nhiều vấn đề quốc tế. Đó là lý do giải thích vì sao dù liên tục có những đòn “ăn miếng trả miếng”, nhưng Nga và EU vẫn có sự nhượng bộ, kiềm chế nhất định để không đẩy mối quan hệ có tầm ảnh hưởng này vào bước đường cùng.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/cang-thang-leo-thang-giua-nga-va-eu-658446