Căng thẳng Mỹ-Iran leo thang sau vụ tấn công nhà máy lọc dầu Ả Rập Saudi

Mỹ tin rằng cuộc tấn công làm tê liệt các cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi vào cuối tuần trước do phía tây nam Iran gây ra, một số quan chức Mỹ nói với Reuters hôm 17/8.

Cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi bị tấn công. Nguồn: Reuters

Cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi bị tấn công. Nguồn: Reuters

Ba quan chức, nói chuyện với Reuters dưới điều kiện được giấu tên, cho biết các vụ tấn công có sự tham gia của cả tên lửa hành trình và máy bay không người lái, cho thấy tình hình phức tạp cao hơn so với suy nghĩ ban đầu.

Các quan chức đã không cung cấp bằng chứng hoặc giải thích những gì tình báo Mỹ đang sử dụng để đưa ra các đánh giá này. Reuters nhận định, thông tin này nếu chính xác và được chia sẻ công khai, có thể gây áp lực hơn nữa cho Washington, Riyadh và những nước khác buộc phải đáp trả, thậm chí bằng biện pháp quân sự.

Truyền hình nhà nước Ả Rập Saudi cho biết Bộ Quốc phòng nước này sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào 18/9 đưa ra bằng chứng về sự tham gia của Iran trong vụ tấn công nhà máy lọc dầu Aramco, bao gồm cả bằng chứng liên quan đến vũ khí của Iran đã sử dụng trong vụ tấn công.

Iran phủ nhận có liên quan đến các cuộc tấn công này. Các đồng minh của Iran trong cuộc nội chiến Yemen, lực lượng Houthi, đã đứng ra nhận trách nhiệm, tuyên bố họ tấn công các nhà máy bằng máy bay không người lái, một số trong số đó được trang bị động cơ phản lực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16/9 cho biết, có vẻ như Iran - nơi có lịch sử lâu dài không hòa thuận với nước láng giềng Ả Rập Saudi - đứng đằng sau các cuộc tấn công.

Nhưng các đồng minh của Mỹ vẫn không bị thuyết phục, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói rằng chưa ai có thể đưa ra bằng chứng chắc chắn máy bay không người lái không “xuất phát từ nơi này hay nơi khác.”

Ả Rập Saudi, đang tìm cách trấn an các thị trường dầu mỏ sau cuộc tấn công vào 14/8 đã giảm một nửa sản lượng dầu của nước này, hôm 17/9 tuyên bố hoạt động sản xuất sẽ được khôi phục vào cuối tháng.

Cùng ngày Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã bác bỏ các cuộc đàm phán với Mỹ trừ khi chính quyền Tổng thống Trump quay trở lại hiệp ước hạt nhân giữa Iran và phương Tây mà Mỹ rút khỏi năm ngoái.

Các quan chức của Iran, ở bất kỳ cấp độ nào, sẽ không bao giờ nói chuyện với các quan chức Mỹ ... đây là một phần trong chính sách của họ nhằm gây áp lực lên Iran, Đài truyền hình nhà nước Iran dẫn lời ông.

Ông Trump hôm 17/9 cho biết không muốn gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong một sự kiện của Mỹ tại New York trong tháng này.

Quan hệ Mỹ-Iran xấu đi sau khi ông Trump rút khỏi hiệp ước hạt nhân ký năm 2015 và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các chương trình hạt nhân và đạn đạo của Tehran, làm tổn thương nghiêm trọng nền kinh tế nước này. Ông Trump cũng muốn Iran ngừng hỗ trợ các lực lượng khu vực, bao gồm phiến quân Houthi, lực lượng đối lập chống lại phe thân Chính phủ Yemen trong cuộc nội chiến tại Yemen.

Các nhà lãnh đạo Iran công khai ủng hộ lực lượng Houthi, nhưng Tehran phủ nhận hỗ trợ nhóm này quân sự và tài chính.

Bất chấp nhiều năm bị không kích, phiến quân Houthi tự hào có máy bay không người lái và tên lửa có thể tiến sâu vào Ả Rập Saudi, kết quả của một chiến dịch vũ khí được theo đuổi và mở rộng mạnh mẽ kể từ khi nội chiến Yemen bắt đầu bốn năm trước.

Reuters trích lời một quan chức cao cấp khác của chính quyền Trump cho biết, tuyên bố sử dụng 10 máy bay không người lái trong các cuộc tấn công của Houthi, đã bị giảm bớt bởi thực tế Abqaiq đã bị tấn công ít nhất 17 lần. Vị trí bị tấn công thứ hai, ông nói thêm, đã bị bắn trúng ít nhất hai lần bởi đạn dược có hệ thống dẫn đường chính xác.

“Tuyên bố của Houthi không chính xác”, quan chức Mỹ, người đã nói chuyện với các phóng viên với điều kiện giấu tên, nói rằng phiến quân Houthi chưa bao giờ sử dụng loại máy bay không người lái (UAV), hoặc drone, được sử dụng trong các cuộc tấn công.

Khói bốc lên trong vụ hỏa hoạn tại nhà máy lọc dầu của Tập đoàn dầu khí Aramco ở thành phố Abqaiq, Ả Rập Saudi. Ảnh: Reuters

Ả Rập Saudi nghi ngờ

Ả Rập Saudi đã yêu cầu các chuyên gia quốc tế tham gia điều tra, điều này cho thấy các cuộc tấn công không đến từ Yemen, Bộ Ngoại giao nước này cho biết.

Một trong ba quan chức Mỹ tin các tài liệu của Ả Rập Saudi thu thập được sau các vụ tấn công sẽ mang lại bằng chứng hấp dẫn ... sẽ chỉ ra cuộc tấn công này đến từ đâu.

Một nhóm chuyên gia của Mỹ đang giúp Ả Rập Saudi đánh giá bằng chứng từ các cuộc tấn công vào các cơ sở quan trọng của công ty dầu khí Aramco ở Abqaiq và Khurais.

Bộ trưởng năng lượng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman hôm 17/9 cho biết sản lượng dầu nước này sẽ đạt được 11 triệu thùng /ngày vào cuối tháng 9; khẳng định trong một cuộc họp báo, nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới này sẽ giữ nguồn cung dầu đầy đủ cho các khách hàng trong tháng này.

Ông cho biết Ả Rập Saudi sẽ giữ vai trò là nhà cung cấp an toàn cho thị trường dầu mỏ toàn cầu, đồng thời nói thêm, nước này cần thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo, khi các cuộc tấn công trước gây thiệt hại cho ngành công nghiệp dầu mỏ Ả Rập Saudi và nền kinh tế toàn cầu.

Một ngày sau khi Mỹ cảnh báo “chuẩn bị sẵn sàng” để đối phó với sự cố tại Ả Rập Saudi, ông Trump hôm 16/9 đã không sử dụng những lời nói hoa mỹ như trước, mà khẳng định “không hề vội vã” đáp trả và Washington đang phối hợp với các quốc gia vùng Vịnh và châu Âu.

“Ngay bây giờ tôi không cân nhắc các biện pháp trả đũa. Chúng tôi muốn tìm một cách chắc chắn ai đã làm điều này,” ông Trump nói.

Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới Ả Rập Saudi vào 17/9.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết hiệp ước hạt nhân Iran, mà các nước châu Âu đang cố gắng cứu vãn, là điều mà “chúng ta cần phải quay lại”.

Ả Rập Saudi, nơi đã hỗ trợ các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn của Mỹ đối với Iran, cho biết một cuộc điều tra ban đầu cho thấy các cuộc tấn công được thực hiện bằng vũ khí của Iran.

Galip Dalay, một chuyên gia tại Trung tâm Brookings Doha ở Qatar nghĩ rằng sự tinh vi của các cuộc tấn công và trong thực tế một hoạt động như vậy sẽ đòi hỏi chỉ thị từ quan chức cấp cao.

“Về cơ bản, Iran nói, ‘Nếu chúng tôi không thể xuất khẩu dầu, thì không ai có thể làm điều đó.’ Về cơ bản, Iran đang tìm cách gây bất ổn cho thị trường toàn cầu khi các lệnh trừng phạt của Mỹ hưởng rõ ràng tới khả năng bán dầu của Iran.”

Mai Anh (theo Reuters)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/cang-thang-my-iran-leo-thang-sau-vu-tan-cong-nha-may-loc-dau-a-rap-saudi-87917.html