Căng thẳng Mỹ-Trung 'làm khó' cuộc điều tra độc lập về Covid-19

Một số chuyên gia cho rằng, căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến cuộc điều tra độc lập về Covid-19 trở nên khó khăn hơn.

Đã đến lúc WHO phải cải cách

Thủ tướng Canada Justin Treau vừa nhấn mạnh sự cần thiết phải “cải cách” Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên một chuyên gia y tế toàn cầu của châu Âu cảnh báo, căng thẳng địa chính trị hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến công việc này khó đạt được các kết quả thực sự.

Tổng Giám đốc WHO tuyên bố, tổ chức này sẽ tiếp tục vai trò lãnh đạo chiến lược toàn cầu đối phó với đại dịch Covid-19. (Nguồn: Time).

Tổng Giám đốc WHO tuyên bố, tổ chức này sẽ tiếp tục vai trò lãnh đạo chiến lược toàn cầu đối phó với đại dịch Covid-19. (Nguồn: Time).

Trong cuộc họp báo vào hôm qua (19/5), khi được hỏi về cuộc bỏ phiếu của các nước thành viên WHO nhằm tiến hành đánh giá cách đối phó với đại dịch Covid-19 của tổ chức này và về việc liệu Trung Quốc có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của WHO hay không, Thủ tướng Trudeau nói: “Sự cân bằng cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng. Sẽ có những câu hỏi về vai trò của Trung Quốc trong thời gian tới cần phải trả lời và chúng tôi sẽ là một phần của công việc này”.

Ngay sau đó, khi phát biểu với các thành viên của Nghị viện trong một phiên họp trực tuyến, nhà lãnh đạo Canada nói rằng “cần phải tiến hành cải cách WHO và các tổ chức quốc tế khác sau đại dịch Covid-19”.

Tuy nhiên giới quan sát cho rằng, những thay đổi đó có thể không rõ ràng, thậm chí việc đạt được một sự đồng thuận về xem xét phản ứng của WHO đối với đại dịch có thể gây nhiều tranh cãi bởi những căng thẳng hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Khó bề tìm được giải pháp hài lòng cả Mỹ và Trung Quốc

Phát biểu với tờ Global News, bà Ilona Kickbusch, Chủ tịch Trung tâm y tế toàn cầu tại Viện nghiên cứu và phát triển Quốc tế ở Geneve cho rằng, những căng thẳng địa chính trị hiện nay có thể gây khó khăn cho việc tìm ra một giải pháp làm hài lòng cả Mỹ và Trung Quốc. Bà Ilona Kickbusch từng là thành viên của Hội đồng đánh giá Ebola, có nhiệm vụ xem xét phản ứng của WHO khi dịch Ebola bùng phát vào năm 2014 và 2015.

“Trong trường hợp này, nếu căng thẳng địa chính trị gia tăng thì sẽ rất khó khăn để chỉ định một ủy ban mà tất cả mọi người đều nhất trí rằng đây là một ủy ban thực sự độc lập”, bà Kickbusch nói.

Tổ chức Y tế thế giới đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích trong thời gian gần đây về cách thức đối phó dịch bệnh. Nhiều ý kiến cho rằng WHO đã phục thuộc quá nhiều và các số liệu “đáng nghi vấn” của Trung Quốc, kết quả là lãng phí thời gian quý báu trong việc tuyên bố đại dịch toàn cầu.

Hồi đầu tuần này, WHO đã chấp thuận lời kêu gọi của các nước thành viên, yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra độc lập về phản ứng với đại dịch Covid-19. Cùng thời điểm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết chi 2 tỷ USD trong 2 năm tới để giúp các quốc gia khác đối phó với dịch bệnh.

Canada và hơn 100 quốc gia thành viên khác đã ủng hộ một dự thảo nghị quyết kêu gọi đánh giá “công bằng, độc lập và toàn diện” về các hành động của WHO, dự kiến được thực hiện vào thời điểm thích hợp nhất. Việc đánh giá sẽ bao gồm “xem xét kinh nghiệm đạt được và bài học rút ra từ phản ứng y tế quốc tế đối với Covid-19 do WHO điều phối”.

Quá trình sẽ được thực hiện thông qua các cuộc phỏng vấn với những nhân viên hàng đầu của WHO, các chuyến thăm trực tiếp, xem xét tài liệu và các cuộc họp với những quốc gia bị ảnh hưởng, cũng như việc liệu các nước thành viên của WHO có tuân thủ nghĩa vụ của họ theo Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) hay không.

IHR là một tập hợp các yêu cầu ràng buộc về mặt pháp lý đối với mỗi quốc gia để xây dựng và duy trì năng lực y tế công cộng nhằm bảo vệ người dân trước sự lây lan của dịch bệnh. IHR được tạo ra vào năm 2005, như một phần của phản ứng toàn cầu nhằm tăng cường năng lực y tế cộng đồng sau đại dịch SARS năm 2003-2004. Hiện giờ văn bản vẫn chưa được cập nhật.

“Ủy ban đánh giá Quy định Y tế Quốc tế đã đưa ra kết luận rằng IHR không cần phải sửa đổi. Nhưng tôi cho đây là một kết luận sai bởi chúng tôi thấy rằng có nhiều điều khoản trong IHR không phát huy hiệu quả đối với sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19”, bà Kickbusch nói.

Chuyên gia này nhấn mạnh, các quốc gia thành viên cần phải tìm kiếm những cách thức cần thiết để cải thiện tổ chức WHO: “Không những xem xét lại bản thân WHO mà còn phải xem xét cách tương tác giữa nước thành viên trong tổ chức. WHO được tạo nên từ các nước thành viên. Chúng ta có thể khiến tổ chức này lớn mạnh hơn và phản ứng tốt hơn đối với các đại dịch trong tương lai nhưng tất cả chúng ta cũng cần phải rút ra những bài học”.

Điều gì xảy ra nếu Mỹ rút khỏi WHO?

Những diễn biến mới nhất này xảy ra sau khi Tổng thống Trump tạm thời đóng băng khoản tài trợ của Mỹ dành cho WHO vào tháng 4/2020. Hôm 18/5, ông Trump cảnh báo xem xét lại tư cách thành viên của Mỹ nếu WHO không thực hiện “những cải cách đáng kể”.

Theo CNN, WHO sẽ mất đáng kể nguồn tài trợ nếu Mỹ dừng hoàn toàn việc cấp kinh phí hoặc rút khỏi tổ chức này. Vẫn chưa rõ liệu các quốc gia khác có gia tăng đóng góp để lấp đầy khoảng trống nếu Mỹ rút đi hay không nhưng kịch bản này đã khiến nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới lo ngại, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

“Chúng ta cần một WHO lớn mạnh để đối phó dịch bệnh Covid-19. WHO là chúng ta, các nước thành viên”, Tổng thống Pháp Macron phát biểu trước Hội đồng Y tế thế giới hôm 18/5.

Thủ tướng Đức Angiela Merkel cũng kêu gọi sự hợp tác quốc tế để đánh bại dịch bệnh: “Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng toàn cầu với hàng trăm nghìn người bị mắc bệnh, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, xã hội. Quy mô của dịch bệnh cho thấy hầu như không có quốc gia nào có thể tránh khỏi. Vì thế không một nước nào có thể đơn phương giải quyết vấn đề. Chúng ta phải làm việc cùng nhau”.

Trước đó hôm 19/5, EU đã chỉ trích mạnh mẽ mọi nỗ lực nhằm tách rời WHO. “Hợp tác toàn cầu và đoàn kết thông qua các nỗ lực đa phương là lựa chọn hiệu quả và khả thi duy nhất để giành chiến thắng trong cuộc chiến này như chúng tôi đã nhấn mạnh nhiều lần. Đây là thời điểm của sự đoàn kết chứ không phải thời điểm đổ lỗi hay làm tổn hại sự hợp tác đa phương", phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu Virginie Battu-Henriksson nêu rõ.

Giới phân tích cho rằng, nếu Mỹ quyết định rời WHO thì sẽ không có một quốc gia nào nối gót hành động này. Hơn nữa, Mỹ sẽ không có quyền truy cập vào các nguồn tài nguyên của WHO trong cuộc chiến chống Covid-19 nếu nước này không còn là thành viên. Với sự đóng góp to lớn của mình, Washington hiện nay vẫn là thành viên chính có vai trò quan trọng trong tổ chức./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo CNN, Global News

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cang-thang-mytrung-lam-kho-cuoc-dieu-tra-doc-lap-ve-covid19-1050463.vov