Căng thẳng Nga-Áo về gián điệp: 'Chuyện bé' khó xé ra to

Căng thẳng xung quanh việc trục xuất một nhà ngoại giao Nga bị tình nghi gián điệp liệu có thể cản bước đà phát triển trong quan hệ Nga-Áo? Bình luận của Thế giới & Việt Nam.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Sebastian Kurz. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong tháng qua, Nga đã nhiều lần trở thành tâm điểm chú ý của thế giới, khi tuyên bố chế tạo thành công và cấp phép vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới, hay cam kết hỗ trợ quân sự khi cần thiết với chính quyền của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko trong sóng gió tại Minsk.

Khởi nguồn sự cố

Ngày 24/8, Nga một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý khi Bộ Ngoại giao Áo ra thông cáo trục xuất một nhà ngoại giao xứ bạch dương, với cáo buộc vi phạm Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao. Theo trang Kronen Zeitung (Áo), với sự giúp đỡ của một công dân Áo, nhà ngoại giao Nga đã làm gián điệp tại một doanh nghiệp công nghệ cao trong nhiều năm. Sau thông báo của Bộ Ngoại giao Áo, người này sẽ phải rời khỏi Áo trước ngày 1/9. Đây là lần đầu tiên nhân viên của Bộ Ngoại giao Nga bị trục xuất khỏi Áo.

Ngay lập tức, Đại sứ quán Nga tại Vienna đã lên tiếng phản đối, cho rằng đây chỉ là sự hiểu lầm. Ông Vladimir Jabarov, Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Liên bang Nga về các vấn đề quốc tế khẳng định: “Chúng tôi có quan hệ ngoại giao tốt đẹp và bền vững với nước Áo. Tôi tin rằng đây là một sự hiểu lầm và nó cuối cùng sẽ được giải quyết.” Quan chức này cho rằng vài tháng gần đây, vài sự việc tương tự xảy ra khi một số quốc gia châu Âu trục xuất các nhân viên ngoại giao Nga, gọi đây là “phong trào độc hại” và cần xem xét “kẻ đứng đằng sau chiến dịch bài trừ người Nga.”

Thêm vào đó, trong cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập Đại sứ Áo tại Nga Johannes Aigner để phản đối, tuyên bố sẽ trục xuất một nhà ngoại giao của Vienna, đồng thời và khẳng định hành động của Nga phù hợp với nguyên tắc “có qua có lại” trong quan hệ quốc tế.

Quyết định của Nga khiến nhiều người lo ngại rằng căng thẳng ngoại giao này có thể trở nên nghiêm trọng hơn, làm cho quan hệ Nga-Liên minh châu Âu (EU) thêm sứt mẻ. Tuy nhiên, nếu cân nhắc hai yếu tố then chốt trong quan hệ Moscow-Vienna, mọi chuyện không hẳn là như vậy.

Quan hệ bất thường…

Thứ nhất, Áo là một trong những thành viên EU có quan hệ tốt nhất với Nga. Nước Áo sau Thế chiến II được đặt dưới sự quản lý của quân Đồng minh, tách khỏi nước Đức và được chia thành bốn khu vực cai quản. Tuy nhiên, Liên Xô lại không xây dựng chính quyền riêng tại khu vực tiếp quản như tại Đông Đức. Thay vào đó, Áo được yêu cầu ký Hiệp ước Nhà nước Áo (1955), duy trì sự trung lập tuyệt đối trong Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và phương Tây.

Điều này cho phép Áo xây dựng quan hệ với cả Nga và Mỹ, trở thành điểm trao đổi gián điệp của cả hai bên. Năm 1968, Áo trở thành quốc gia Tây Âu đầu tiên nhập khẩu khí tự nhiên từ Liên Xô. Năm 2010, Sân bay quốc tế Vienna chứng kiến Moscow trả tự do cho 4 nhân viên tình báo của Mỹ và Anh, đổi lấy hành động tương tự của Washington đối với 10 điệp viên Nga bị bắt giữ.

Tháng 3/2018, sau khi cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc tại London, Áo là quốc gia EU duy nhất không trục xuất quan chức ngoại giao Nga. Đồng thời, Vienna là điểm dừng chân đầu tiên của ông Vladimir Putin sau khi tái đắc cử Tổng thống tháng 6/2018. Trong chuyến thăm, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Sebastian Kurz, CEO Tập đoàn OMV (Áo) và Gazprom (Nga) đã ký thỏa thuận kéo dài hợp đồng cung cấp khí tự nhiên cho Áo tới năm 2040.

…tới câu chuyện bình thường

Thứ hai, đây không phải là lần đầu tiên Áo bắt giữ những người được cho là hoạt động gián điệp cho Nga. Trên thực tế, các nguồn tin của cảnh sát Áo từ những năm 2000 cho biết Cơ quan Tình báo Nước ngoài (SVR) của Nga đã duy trì cơ sở lớn nhất châu Âu tại Vienna trong thời gian dài.

Năm 2018, Thủ tướng Sebastian Kurz từng gây chú ý khi xác nhận thông tin về một đại tá quân đội đã nghỉ hưu từng làm gián điệp cho Nga trong suốt 30 năm, cung cấp bí mật quốc gia cho Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU) từ năm 1992 – tháng 9/2018. Tuy nhiên, sau các cuộc điều tra và trao đổi từ cả hai phía, ông Kurz khẳng định Áo tôn trọng Hiệp ước năm 1955 về duy trì tính trung lập và cho biết sẽ không có “hành động đơn phương” nào với Nga.

Tháng 3/2018, sau khi cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc tại London, Áo là quốc gia EU duy nhất không trục xuất quan chức ngoại giao Nga. Đồng thời, Vienna là điểm dừng chân đầu tiên của ông Vladimir Putin sau khi tái đắc cử Tổng thống Nga tháng 6/2018.

Như vậy, có thể thấy quan hệ Nga-Áo vẫn đang phát triển tốt đẹp, bởi hai bên có nhiều lợi ích đan xen, phụ thuộc lẫn nhau. Đối với Vienna, Moscow đóng vai trò then chốt trong hợp tác chính trị và năng lượng. Ngược lại, Nga coi Áo là đối tác quan trọng, kênh liên lạc gián tiếp nhằm duy trì kết nối với EU nói riêng và phương Tây nói chung.

Khi ấy, điều tốt nhất mà hai bên có thể làm ở thời điểm hiện tại là hạ nhiệt căng thẳng, đưa quan hệ song phương trở lại đúng quỹ đạo, củng cố và mở rộng hợp tác. Với sự kiềm chế và cân nhắc về lợi ích, hai bên sẽ hạn chế để “chuyện bé” xé ra to, phục vụ lợi ích song phương nói riêng và đáp ứng mong mỏi của cộng đồng quốc tế nói chung.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cang-thang-nga-ao-ve-gian-diep-chuyen-be-kho-xe-ra-to-122297.html