Căng thẳng Nga - Ukraine: Đôi bên cùng lợi

Dù ít hay nhiều, cả Nga và Ukraine đều được hưởng lợi từ cuộc đụng độ tại eo biển Kerch, một lần nữa lại bùng lên mâu thuẫn đã tồn tại từ lâu giữa Moscow và Kiev.

Kể từ khi Liên Xô tan rã, tranh chấp chủ quyền đối với eo biển Kerch giữa Nga và Ukraine đã luôn tồn tại. Sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014 khiến cho khu vực này càng trở nên phức tạp và nhạy cảm. Do đó, vụ đụng độ giữa Nga và Ukraine xảy ra hôm 25/11 tại eo biển Kerch - nơi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng thuộc tuyến đường huyết mạch nối Biển Đen với biển Azov, được cho là sự việc nghiêm trọng nhất xảy ra giữa hai nước trong những năm gần đây.

Tàu Ukraine bị Nga bắt giữ được đưa về cảng Kerch, Crimea ngày 26/11. (Nguồn: Reuters)

Một cuộc khẩu chiến đã nổ ra khi Nga và Ukraine đều cáo buộc đối phương cố ý gây nên vụ va chạm trên. Văn phòng Tổng thống Ukraine cho rằng Nga đã có “một hành vi xâm lược, cố ý làm leo thang căng thẳng tình hình ở biển Azov và eo biển Kerch”. Không kém cạnh, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Karasin chỉ ra rằng chính Ukraine mới là “kẻ chủ mưu” vì thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành giống như đã được sắp đặt trước.

Trước cáo buộc của Nga, Ukraine lập tức có nhiều hành động đáp trả như đề nghị họp khẩn với tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), kêu gọi đồng minh châu Âu gia tăng trừng phạt Nga, viện trợ quân sự nhiều hơn nữa cho Ukraine và ban bố tình trạng chiến tranh trong 30 ngày. Những động thái này cho thấy Kiev đang chủ động phóng đại tối đa ảnh hưởng của sự kiện này nhằm thu hút dư luận trong và ngoài nước.

Song không khó để nhận ra cả hai nhà lãnh đạo đều mong muốn sử dụng sự kiện này nhằm khơi dậy chủ nghĩa dân tộc, phục vụ mục đích chính trị của riêng mình. Tổng thống Putin đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 do nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân khi đưa ra lời thề “không bao giờ trả lại Crimea”. Việc bắt giữ tàu chiến của Kiev đi qua eo biển Kerch được cho là nhằm níu kéo tỷ lệ ủng hộ của ông Putin, vốn sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục (62% so với 88% khi mới nhậm chức) sau những ồn ào xung quanh chính sách tuổi nghỉ hưu và nền kinh tế tăng trưởng chậm.

Về phần mình, nhà lãnh đạo Ukraine Poroshenko đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 3/2019. Trong bối cảnh tỉ lệ ủng hộ giảm xuống 7,8% cùng với tình trạng suy thoái kinh tế và tham nhũng nghiêm trọng vẫn tiếp diễn, Tổng thống Poroshenko đã sử dụng vết thương lịch sử Nga – Ukraine nhằm kích động chủ nghĩa dân tộc, chuyển dịch mâu thuẫn trong nước và tập hợp lực lượng, từ đó đảo ngược cục diện bầu cử vốn đang bất lợi cho ông.

Bên cạnh đó, với việc Liên minh châu Âu (EU) đang cải thiện quan hệ với Nga và đường ống dẫn khí "Dòng chảy phương Bắc 2" sắp được hoàn thành, Ukraine được cho là đang lợi dụng vụ đụng độ với Nga để cản trở tiến trình khôi phục quan hệ Nga – EU, đồng thời “mặc cả” với Mỹ nhằm gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ và EU trong vấn đề đường ống dẫn khí.

Tuy có những toan tính khác nhau, song cả Nga và Ukraine đều không mong muốn căng thẳng leo thang thành chiến tranh – do đó, bất chấp những tuyên bố trước đó, tình hình tại eo biển Kerch đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngày 4/12, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Volodymyr Omelyan cho biết một số tàu của Ukraine, dưới sự kiểm tra và giám sát gắt gao từ phía Nga, đã được phép lưu thông tại biển Azov, với hai cảng biển Mariupol và Berdyansk phần nào hoạt động trở lại.

Trong bối cảnh hai bên đã không còn nhiều lợi ích khi xung đột tiếp diễn, động thái này có thể là tín hiệu tích cực, mở đầu cho quá trình hòa giải giữa Kiev và Moscow.

Hải An

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/cang-thang-nga-ukraine-doi-ben-cung-loi-82984.html