Căng thẳng ngoại giao bất ngờ leo thang ở vùng Vịnh

Trong một động thái bất ngờ, ngày 5-6, đồng loạt nhiều nước ở vùng Vịnh tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với lý do chính quyền Doha can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác đồng thời ủng hộ cho khủng bố. Đây được xem là cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất trong khu vực kể từ năm 1981, khi thành lập Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), gồm 6 quốc gia thành viên: Saudi Arabia, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Kuwait và Oman.

Phần lớn thành viên trong GCC đang tìm cách cô lập Qatar sau những cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố. Ảnh: Liberation.fr

Mở màn cho căng thẳng ngoại giao ở vùng Vịnh là Saudi Arabia, Bahrain và UAE khi các quốc gia này bày tỏ phản đối việc Qatar chỉ trích các phát ngôn của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) chống Iran và tuyên bố chống lại các phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm chính thức Trung Đông và vùng Vịnh mới đây. Sau khi xảy ra tranh cãi gay gắt trên, Saudi Arabia, Bahrain và UAE đã quyết định chặn các trang web của hãng truyền hình Qatar Al Jazeera vì cho rằng phương tiện truyền thông này có liên quan đến việc truyền bá chủ nghĩa khủng bố và kích động bất ổn chính trị.

Ngay sau đó, một loạt nước khác gồm Ai Cập, Libya, Yemen, Mandives cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố. Ai Cập từ lâu chỉ trích Qatar vì đã "chứa chấp" các thủ lĩnh của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và cho phép họ tiếp cận với các phương tiện truyền thông. Các nguồn tin ngoại giao cho rằng đây là "sự can thiệp của Qatar vào công việc nội bộ của các nước Arab", và đó là lý do thúc đẩy các động thái chống lại Qatar, bắt đầu bằng việc ngăn chặn các kênh truyền hình, báo chí và sau đó là chấm dứt quan hệ ngoại giao.

Trong một động thái cứng rắn, Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập, UAE và Yemen đã thông báo sẽ rút toàn bộ nhân viên ngoại giao khỏi Qatar, lên kế hoạch cắt đứt giao thông đường không và đường thủy với nước này. Saudi Arabia cũng thông báo quân đội Qatar sẽ bị rút khỏi cuộc nội chiến hiện tại ở Yemen và sẽ đóng cửa biên giới trên bộ với Qatar, cách li nước này với phần còn lại của bán đảo Arab.

Chính quyền Doha đã lên tiếng bày tỏ "lấy làm tiếc" và coi các quyết định này là "vô lý", dựa trên những cáo buộc "vô căn cứ", đồng thời tuyên bố không có bất kỳ lý giải hợp pháp nào cho quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao của các quốc gia trên.

Quan hệ giữa Qatar với các nước vùng Vịnh khác đã bị gián đoạn từ cuối năm 2016 do các nước GCC cáo buộc Qatar ủng hộ Phong trào Anh em Hồi giáo ở Ai Cập. Tuy nhiên, chính quyền Doha đã phủ nhận tài trợ cho các nhóm cực đoan, nhưng tuyên bố ủng hộ tài chính cho nhóm Hamas hiện đang kiểm soát Dải Gaza và cho phép một số quan chức cao cấp Hamas sống lưu vong tại nước này từ năm 2012. Căng thẳng gia tăng sau khi Qatar có những tuyên bố ủng hộ Iran thời gian gần đây.

Trước nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng sâu rộng trong khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có quan hệ mật thiết với Qatar trong lĩnh vực năng lượng, đã kêu gọi các bên kiềm chế, đồng thời khẳng định Ankara sẵn sàng làm mọi điều có thể để giúp "tháo ngòi nổ" căng thẳng giữa Qatar và các quốc gia trong khu vực, cũng như giải quyết các vấn đề một cách hòa bình.

Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bày tỏ hy vọng căng thẳng ngoại giao hiện nay tại vùng Vịnh sẽ không ảnh hưởng tới quyết tâm trong cuộc chiến chung chống “chủ nghĩa khủng bố quốc tế”.

Mỹ, đồng minh thân cận của Qatar cũng kêu gọi các bên kiềm chế để cùng tìm ra giải pháp cho những bất đồng. "Tất cả các quan hệ đối tác của chúng tôi tại vùng Vịnh là cực kỳ quan trọng và chúng tôi mong chờ các bên tìm ra con đường giải quyết những bất đồng càng sớm càng tốt", Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố nêu rõ.

Theo nhiều chuyên gia chính trị, quyết định của một số quốc gia Arab chấm dứt quan hệ với Qatar, quốc gia giàu tài nguyên khí đốt có thể là một khởi đầu của việc cô lập khu vực đối với Doha. Tuy nhiên, những biện pháp cô lập này sẽ tác động mạnh tới người dân Qatar vì Qatar nhập khẩu hầu hết thực phẩm từ Saudi Arabia, quốc gia duy nhất có chung biên giới với Doha.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cang-thang-ngoai-giao-bat-ngo-leo-thang-o-vung-vinh/