Căng thẳng thương mại, chứng khoán Trung Quốc giảm điểm liền 3 ngày

Các chỉ số chứng khoán Trung Quốc đã giảm ngày thứ 3 liên tiếp do những quan ngại liên quan đến sức khỏe nền kinh tế nước này trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang.

Nhà đầu tư theo dõi tỷ giá chứng khoán tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhà đầu tư theo dõi tỷ giá chứng khoán tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 30/8, các chỉ số chứng khoán Trung Quốc đã giảm ngày thứ 3 liên tiếp do những quan ngại liên quan đến sức khỏe nền kinh tế nước này trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang.

Chỉ số CSI300 đã giảm 1% xuống 3.351,09 điểm, trong khi Chỉ số Tổng hợp Thượng Hải giảm 1,1% xuống 2.737,74 điểm.

Chứng khoán các ngành công nghiệp chính đều giảm điểm, ngoại trừ lĩnh vực tiêu dùng tăng 0,1%.

Các hoạt động của khu vực nhà máy Trung Quốc trong tháng 8 đã chững lại trong tháng thứ ba liên tiếp do nhu cầu trong nước còn yếu, các nhà xuất khẩu đối mặt với sự bất ổn do tranh chấp thương mại với Mỹ.

Các nhà đầu tư đều khá bi quan và thận trọng do giao dịch thương mại đang ở mức thấp, cũng như quan ngại về diễn biến căng thẳng thương mại hiện nay.

Xét về khu vực, chỉ số chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương MSCI (không kể Nhật Bản) giảm 0,28%, trong khi chỉ số Nikkei giảm 0,09%.

Tính đến 14 giờ 05 phút giờ Việt Nam, tỷ giá đồng nhân dân tệ là 6,8306 RMB/1 USD, thấp hơn 0,15% so với một ngày trước đó.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, chỉ số chứng khoán Thượng Hải giảm 17,2%, chỉ số CSI300 giảm 16,9%, trong khi cổ phiếu H-share của Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong (Trung Quốc) giảm 6,3%.

Cổ phiếu Thượng Hải đã giảm 4,82% trong tháng này. Khoảng 10,61 tỷ cổ phiếu đã được giao dịch trên sàn chứng khoán Thượng Hải, tương đương 79,1% lượng cổ phiếu trung bình giao dịch trong 30 ngày là 13,41 tỷ cổ phiếu/ngày.

Cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung chính thức đầu tiên kể từ đầu tháng 6, diễn ra từ ngày 22-23/8, đã kết thúc mà không đạt đột phá nào.

Hiện hai nước áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD của mỗi bên.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa tìm được lối thoát đang tác động nặng nề không chỉ đối với nền kinh tế hai nước mà còn với cả thế giới.

Các chuyên gia kinh tế ước tính mỗi 100 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu bị đánh thuế có thể khiến thương mại toàn cầu sụt giảm khoảng 0,5%.

Đà giảm của chứng khoán châu Á đã phủ bóng lên niềm tin lạc quan rằng Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có thể đạt được vào ngày 31/8, đồng thời tác động tiêu cực đến thị trường châu Âu.

Cụ thể, chỉ số chứng khoán STOXX 600 đã giảm 0,3%, mức giảm lớn nhất chỉ trong một đêm, trong khi chỉ số DAX của Đức giảm 0,4%. Cổ phiếu ngành khai thác mỏ và cố phiếu ôtô lần lượt giảm 0,9% và 0,5%.

Canada và Mỹ ngày 29/8 đã chính thức nối lại vòng đàm phán lại NAFTA, sau khi Mỹ và Mexico đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau mới đây bày tỏ lạc quan rằng hai bên có thể đạt được thỏa thuận trong ngày đàm phán tiếp theo 31/8.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có nhận định tương tự khi bày tỏ tin tưởng "cuộc đàm phán sẽ diễn ra tốt đẹp."

Những điểm chính trong thỏa thuận NAFTA mới giữa Mỹ, Canada và Mexico sẽ bao gồm một số điều khoản mới đối với mặt hàng ôtô, biện pháp bảo vệ tốt hơn cho người lao động cũng như quy định cho phép xem xét lại thỏa thuận 6 năm một lần.

Hiện Canada vẫn quan ngại về những điểm vướng mắc trong tiến trình đàm phán lại NAFTA, đặc biệt là về thị trường bơ sữa của nước này cũng như quy chế giải quyết tranh chấp giữa các bên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cang-thang-thuong-mai-chung-khoan-trung-quoc-giam-diem-lien-3-ngay/522018.vnp