Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung: Bắc Kinh phản đòn?

Không tỏ ra yếu thế trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Bắc Kinh liên tục đưa ra những biện pháp phản đòn Washington khiến mối quan hệ bế tắc giữa hai nước vẫn chưa thể tìm được lối thoát.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp diễn kể từ khi vòng đàm phán thương mại thứ 11 giữa Mỹ và Trung Quốc tại Washington kết thúc ngày 10/5 (theo giờ Mỹ) mà hai bên không đạt được bất cứ thỏa thuận nào. Trước những động thái trừng phạt từ phía Washington, Bắc Kinh không tỏ ra yếu thế, liên tục đưa ra các biện pháp phản đòn. Ảnh: SCMP.

Trung Quốc cáo buộc Mỹ là nhà đàm phán không đáng tin cậy, phá hỏng cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước. Phía Bắc Kinh tuyên bố, chiến tranh thương mại sẽ chỉ gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ. Ảnh: NAR.

Ngày 2/6, Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố sách trắng, đề cập đến lập trường của Trung Quốc về đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Nội dung sách trắng khẳng định, Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại, nhưng cũng không sợ chiến tranh thương mại và sẽ chiến đấu nếu cần thiết. Ảnh: CD.

Lập trường cứng rắn của Trung Quốc có thể được thấy rõ kể từ sau khi vòng đàm phán thương mại thứ 11 với Mỹ sụp đổ hôm 10/5. Ảnh: HER.

Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó đã ra lệnh khởi động quá trình tăng thuế đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá khoảng 300 tỷ USD. Động thái này diễn ra cùng ngày sau khi Mỹ chính thức áp mức thuế 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh: WB.

Đáp trả, ngày 13/5, Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ áp thuế nhập khẩu từ 5%-25% đối với 5.140 sản phẩm từ Mỹ, với trị giá khoảng 60 tỉ USD. Quyết định này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6 vừa qua. Ảnh: ST.

Đến ngày 16/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp tuyên bố trình trạng khẩn cấp quốc gia, trong đó cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị viễn thông nước ngoài mà Washington cho là tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. Ảnh: Independent.

Ngoài Tập đoàn Huawei, có 143 cá nhân và tổ chức khác của Trung Quốc nằm trong "danh sách đen" mà Mỹ cho rằng gây rủi ro tới an ninh quốc gia nước này. Ảnh: FP.

Hôm 20/5, Google đã đình chỉ giấy phép và thỏa thuận chia sẻ với Tập đoàn Huawei, bao gồm việc chuyển giao sản phẩm phần cứng và phần mềm. Điều này đồng nghĩa với việc những sản phẩm chạy Android của hãng điện thoại Trung Quốc sẽ mất quyền truy cập vào các bản cập nhật của hệ điều hành Android. Ảnh: PBS.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa hạ nhiệt, ngày 29/5 vừa qua, Trung Quốc cân nhắc áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm, một thành phần quan trọng trong nhiều sản phẩm công nghệ cao, sang Mỹ nhằm đáp trả Washington. Ảnh: CFP.

“Theo những gì tôi biết, Trung Quốc đang nghiêm túc cân nhắc việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Trung Quốc cũng có thể sử dụng các biện pháp đáp trả khác trong tương lai”, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu Hu Xijin cho hay. Ảnh: NYP.

Chưa hết, ngày 31/5, Trung Quốc thông báo sẽ lập danh sách đen các công ty nước ngoài để trả đũa vụ Huawei. Theo đó, các công ty nằm trong danh sách "thực thể không đáng tin cậy" và "gây tổn hại quyền và lợi ích" của Huawei sẽ buộc phải ngừng cung cấp cho doanh nghiệp Trung Quốc này. Ảnh: TM.

"Quyết định lập danh sách đen của Trung Quốc là một biện pháp 'ăn miếng trả miếng' để thể hiện rằng Trung Quốc có thể nhắm vào các công ty Mỹ", Rajiv Biswas, đến từ công ty IHS Markit, nói. Ảnh: CNN.

Mời độc giả xem thêm video: Nguy cơ từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung (Nguồn: CNBC)

Thiên An (T.H)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/the-gioi-24h/cang-thang-thuong-mai-my-trung-bac-kinh-phan-don-1231628.html