Căng thẳng thương mại Mỹ -Trung tăng nhiệt

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6/8 đã liệt Trung Quốc vào danh sách các nước 'thao túng tiền tệ', sau khi Ngân hàng Trung ương nước này cho phép đồng NDT hạ giá ngay trong bối cảnh chiến tranh thương mại.

 Cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung tăng nhiệt.

Cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung tăng nhiệt.

“Thao túng tiền tệ” Động thái trên xuất hiện sau khi ông Trump trên Twitter cáo buộc chính quyền Bắc Kinh hạ thấp giá đồng NDT, sau đó thêm rằng những biện pháp như vậy được Trung Quốc sử dụng để “đánh cắp từ các doanh nghiệp và nhà máy của chúng ta, làm mất đi công ăn việc làm, giảm lương nhân công của chúng ta và làm ảnh hưởng tới giá cả các mặt hàng nông sản. Không còn như vậy nữa!”.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc trước đó đã cho phép đồng NDT hạ thấp dưới mức 7 NDT đổi 1 đồng USD, được xem là cột mốc quan trọng xét về tâm lý thị trường và là lần đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ qua. Động thái này được cho là nhằm trả đũa việc ông Trump dọa áp thuế 10% đối với lượng hàng 300 tỷ USD của Trung Quốc.

Cụ thể, ngày 5/8, Trung Quốc đã để đồng NDT lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu phá ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD, khiến các thị trường tài chính hỗn loạn và giới đầu tư chờ xem đồng tiền này có giảm sâu hơn nữa hay không. Sau đó, sang ngày 6/8, Trung Quốc cho biết đang bán trái phiếu bằng đồng NDT tại Hong Kong, động thái được cho là sẽ hạn chế đà bán ra đối với đồng NDT.

Bắc Kinh cũng đồng thời đặt ra mức tỷ giá trung tâm 6,9683 NDT/USD, cao hơn thị trường dự đoán dù vẫn là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2008. Phiên này, đồng NDT trên thị trường nước ngoài ban đầu đã rớt xuống mức thấp nhất chưa từng có là 7,1265 NDT đổi 1 USD, nhưng sau đó đã phục hồi lên mức 7,0495 NDT đổi 1 USD trong sáng ngày 6/8.

Đồng NDT giảm giá ngay trong bối cảnh chiến tranh thương mại kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh, hai bên liên tục đưa ra biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn nhau trong khi các vòng đàm phán thương mại được nối đi nối lại nhiều lần.

Các đời Tổng thống Mỹ thường sử dụng một bản báo cáo cứ 2 năm 1 lần về công cụ tiền tệ như một công cụ ngoại giao để đối phó với các nước mà họ cho là có tỷ lệ hối đoái gây tổn hại tới công ăn việc làm và đà tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Mỹ chưa từng gắn danh “thao túng tiền tệ” cho một quốc gia khác kể từ sau khi họ làm như vậy với Trung Quốc vào đầu những năm 1990, dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Việc Washington gắn danh một quốc gia không lập tức kích hoạt các đòn trừng phạt, nhưng nó bị chính phủ nước bị gắn danh đó coi như một hành động khiêu khích.

Bộ Tài chính Mỹ từng liên tiếp từ chối việc gắn danh “thao túng tiền tệ” cho Trung Quốc, dù ôngTrump từng thề sẽ làm vậy trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Thay vào đó, Trung Quốc bị liệt vào “danh sách theo dõi” của Bộ Tài chính, cùng với 8 quốc gia khác.

Quan ngại lớn

Bộ Tài chính Mỹ đã thể hiện “quan ngại lớn” trước việc đồng NDT hạ giá so với đồng USD, ngay trong lúc các vòng đàm phán thương mại đang diễn ra, đồng thời kêu gọi Trung Quốc có các bước đi nhằm tránh có “một đồng tiền suy yếu liên tục”. Hôm đầu tuần này, Bộ Tài chính Mỹ nói rằng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thừa hiểu rằng họ “có nhiều kinh nghiệm trong việc thao túng tiền tệ và luôn sẵn sàng làm vậy”, chỉ ra một tuyên bố mà Ngân hàng này đưa ra trước đó.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc trước đó đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh rằng họ “có nhiều kinh nghiệm cùng các công cụ chính sách, và sẽ tiếp tục đổi mới gói công cụ quản lý, đưa ra các biện pháp cần thiết nhằm vào hành vi phản hồi tích cực có thể diễn ra trên thị trường hối đoái nước ngoài”.

Tổng thống Trump từng nhiều lần tranh luận rằng, phía Trung Quốc cố gắng hạ giá đồng tiền của họ một cách dần dần trong năm ngoái để giúp giảm nhẹ tầm ảnh hưởng của đòn áp thuế nhằm vào lượng hàng có giá trị lên tới hàng trăm tỷ USD của họ, trong bối cảnh thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng nhiệt.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/cang-thang-thuong-mai-my-trung-tang-nhiet-tintuc444066