Căng thẳng Trung Đông leo thang

Tình hình Trung Đông tiếp tục diễn biến phức tạp sau lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump chống lại Iraq và tuyên bố của Iran từ bỏ cam kết hạn chế làm giàu uranium.

Hàng ngàn người đưa tiễn Tướng Soleimani tại Quảng trường Enqelab-e-Eslami ở Thủ đô Tehran. Ảnh: AP

Hôm 5-1, Tổng thống Trump cảnh báo Baghdad về các lệnh trừng phạt nặng nề sau tin Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài. Lầu Năm Góc đang duy trì khoảng 5.000 binh sĩ ở Iraq. Trường hợp lực lượng Mỹ bị buộc rời đi theo cách không mong đợi, ông Trump cho biết ngoài biện pháp chế tài, Iraq phải trả cho Washington phí căn cứ quân sự “cực kỳ đắt đỏ” mà Mỹ xây dựng tại đây. Theo Reuters, nghị quyết như vậy tuy không ràng buộc với Chính phủ Iraq nhưng Thủ tướng nước này Adel Abdul Mahdi từng nhiều lần kêu gọi chấm dứt sự hiện diện của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu càng sớm càng tốt. Yêu cầu bị hầu hết các nhà lập pháp Hồi giáo Sunni và người Kurd ở Iraq tẩy chay do lo sợ quân nổi dậy lợi dụng tình thế phá hoại an ninh quốc gia, giúp lực lượng dân quân người Shiite thân Iran củng cố sức mạnh. Nhưng qua động thái của Quốc hội Iraq, có thể thấy Baghdad đang cảnh giác trước nguy cơ bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực không chỉ giữa hai cường quốc mà khả năng lan rộng trên toàn khu vực.

Quan hệ Washington-Tehran hiện “căng như dây đàn” sau vụ không kích của Lầu Năm Góc sát hại chỉ huy quân sự hàng đầu Iran Qassem Soleimani. Vụ việc dấy lên làn sóng phẫn nộ và mối lo sợ về cuộc chiến mới ở Trung Đông. Hôm 6-1, Tổng thống Trump tiếp tục cảnh báo về phản ứng quân sự “không cân xứng” với Iran nếu họ tấn công trả đũa Mỹ. Chủ nhân Nhà Trắng cũng bảo vệ kế hoạch nhắm mục tiêu các địa điểm văn hóa của Iran - hành động bị coi là tội ác chiến tranh.

Đồng minh lo ngại

Đồng minh của Mỹ ở Trung Đông tuy thầm vui mừng nhưng cũng đang lo sợ chính họ phải trả giá sau cái chết của tướng Iran. Ở Iraq, nơi Mỹ đã đầu tư hơn 1.000 tỉ USD cùng 5.000 sinh mạng binh sĩ, nhưng rất ít người công khai ủng hộ quyết định của ông Trump. Ngay cả người Kurd và Sunni vốn thân Mỹ cũng giữ im lặng để tránh khiêu khích người Shiite và lực lượng dân quân. Tại Lebanon, các đồng minh của Washington cũng không hô hào kích động lực lượng thân Iran ở đó. Ngay cả Israel cũng kiềm chế do lo ngại trở thành mục tiêu trả đũa. Tình hình đặc biệt nhạy cảm đối với Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) khi các cơ sở hạ tầng và mỏ dầu của họ có thể hấp dẫn các cuộc tấn công.

Theo giới quan sát, tầm ảnh hưởng của Mỹ-Iran ở Trung Đông tạo nên từ nhiều mảnh ghép; do đó việc đánh giá mối đe dọa trả đũa càng thêm khó khăn. Nhưng đáng quan tâm nhất vẫn là mức độ ủng hộ của chính quyền Trump nếu đồng minh bị nhắm mục tiêu. Theo cựu đại sứ Mỹ tại UAE Barbara Leaf, Vùng Vịnh hiện đang “cách ly” với quyết định sát hại tướng Soleimani nhưng vẫn tìm hiểu Mỹ toan tính điều gì kế tiếp. Họ cũng cố đoán bước đi của Iran thậm chí lặng lẽ tiếp cận Cộng hòa Hồi giáo để tránh nguy cơ xung đột.

Trong diễn biến khác, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã mời Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tới Brussels (Bỉ) để thảo luận nhằm hạ nhiệt căng thẳng cùng với khả năng duy trì thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Song, Iran hôm 5-1 cho biết tuy họ vẫn hợp tác với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc nhưng sẽ từ bỏ cam kết hạn chế làm giàu uranium. Trước đó, Iran liên tục vượt qua các quy định nhằm đáp trả Mỹ rút khỏi hiệp ước và tái khởi động trừng phạt từ năm 2018.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, NYT)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/cang-thang-trung-dong-leo-thang-a116913.html