Căng thẳng Ukraine chưa hề có tín hiệu hạ nhiệt

Xung đột Ukraine có lẽ sẽ tạo ra một cơn ác mộng với toàn châu Âu, điều Mỹ và Anh cũng đều quan ngại. Tuy nhiên, không có động thái nào cho thấy Washington có sự nhượng bộ.

Phải chăng chúng ta đang hướng tới cuộc chiến ở Ukraine và những sự kiện tàn khốc nhất ở châu Âu kể từ năm 1945? Thực tế, châu Âu đang ở bên bờ vực của một thảm họa nhân đạo và kinh tế. Đó chính xác là những gì chính phủ Anh và Mỹ lo sợ. Trong nhiều tuần, họ đã nói rất nhiều về nguy cơ xảy ra chiến tranh. Bi kịch là họ đang hành động rất ít để ngăn chặn nó.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss đã tới Moscow và hội đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. Sau đó, bà chụp ảnh ở Quảng trường Đỏ với một chiếc mũ lông thú, giống với thần tượng của bà là bà đầm thép Margaret Thatcher đã làm trong chuyến thăng Liên Xô.

Tuy nhiên, có vẻ như Ngoại trưởng Anh không đưa ra được bất cứ đề xuất nào làm giảm nguy cơ xung đột. Những gì bà ấy nói với ông Lavrov không khó đoán. Giống như những gì Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nói, bà Truss cảnh báo Nga không được tấn công Ukraine nếu không muốn đối mặt với các lệnh trừng phát nghiêm khắc.

Đường lối của Vương quốc Anh, thứ mà người ta khó có thể phân biệt được với Mỹ, là cảnh báo về những hậu quả khủng khiếp nếu quân đội Nga tràn qua biên giới. Mỹ và Anh đe dọa những lệnh trừng phạt khắt khe tới mức nền kinh tế Nga sẽ suy yếu trầm trọng. Nói cách khác, NATO kiên định việc mở rộng về phía Đông. Đây chính xác là những gì Tổng thống Nga Vladimir Putin không mong muốn.

Cả chính phủ Anh và Mỹ đều không dự tính đưa ra bất cứ nhượng bộ quan trọng nào trước ông Putin để ngăn chặn một cuộc xung đột. Thông điệp chung của họ là nếu Nga tấn công Ukraine, họ sẽ phải trả cái giá vô cùng đắt.

Cách tiếp cận này có thể khiến chiến tranh là điều không thể tránh khỏi. Ông Putin có hơn 100.000 binh sĩ ở biên giới với Ukraine và ông ấy sẽ không rút quân trừ khi yêu cầu của Nga được đáp ứng. Việc rút quân khi chưa đạt được thành tựu gì chắc chắn sẽ trở thành nỗi xấu hổ trước người dân Nga. Ông Putin chắc chắn không bao giờ tỏ ra yếu đuối.

Vậy, có cách nào khác để ngăn chặn cuộc xung đột không? Để trả lời cho câu hỏi này, có lẽ cần tới lịch sử. Trước cách mạng 1917, một phần của Ukraine nằm trong Đế chế Nga. Sau năm 1945, toàn bộ quốc gia này được hợp nhất vào Liên Xô. Có khoảng 8 triệu người dân tộc Nga ở Ukraine, tương đường gần 20% dân số. Nhiều người trong số họ coi Chính quyền Kiev là thù địch.

Hãy tưởng tượng, người Anh sẽ cảm thấy thế nào nếu có vài triệu người Anh sống ở Pháp và bị Tổng thống Emmanuel Macron bắt nạt.

Ngoài ra, người Nga không nghi ngờ gì việc NATO bành trướng về phía đông. Tất cả các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, trừ Ukraine, đều đã gia nhập NATO. Tuy nhiên, liên minh quân sự này hứa với Ukraine vào năm 2008 về việc kết nạp nó vào khối. Dù chưa có thông tin chính thức về thời điểm Ukraine gia nhập NATO điều đó cũng thổi lên hy vọng với nhiều người Ukraine.

Thực tế, việc gia nhập NATO mang lại cho Ukraine những lợi ích về mặt quân sự. Chương 5 Hiến chương NATO nêu rõ nếu một nước bị tấn công đồng nghĩa với cả khối bị tấn công. Tuy nhiên, cần nghĩ tới cảm xúc của Nga. Việc Ukraine tham gia NATO chẳng khác nào đặt một con dao bên mạn sườn Nga. Ukraine gia nhập NATO cho phép Mỹ đặt hệ thống phòng thủ trên khắp 1.200 km biên giới giữa Nga với Ukraine.

Không khó để hình dung Tổng thống Putin cảm thấy thế nào. Khi Liên Xô đặt tên lửa hạt nhân ở Cuba vào năm 1962, nơi chỉ cách Florida chỉ 90 dặm, Tổng thống John F. Kennedy đã yêu cầu Liên Xô phải loại bỏ chúng. Khi đó, thế giới đã tiến rất gần tới một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Vậy tại sao Chính quyền Biden lại không thể cảm thông với nỗi lo lắng của người Nga. Hỏi ngược lại, liệu ông Biden có cho phép đặt tên lửa hạt nhân ở Cuba hay bên kia biên giới Mexico hay không. Điều an ủi là ông Biden đã không nghe lời cố vấn của Nghị sĩ Tory Tobias Ellwood, Chủ tịch ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Vương quốc Anh. Ông Ellwood đề xuất NATO gửi một sư đoàn lên tới 20.000 binh sĩ đến Ukraine. Nếu điều này là sự thực, một cuộc chiến toàn diện sẽ ngay lập tức nổ ra.

Việc Ukraine trở thành thành viên NATO chắc chắn cũng nằm ngoài sự tưởng tượng của nhiều người. Với tư cách một nước NATO, Ukraine có thể cố gắng lấy lại bán đảo Crimea. Trường hợp đó, Moscow sẽ không ngồi yên và toàn khối NATO bị kéo vào một cuộc chiến với Nga, cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới.

Thời gian gần đây, Tổng thống Putin đã đưa ra một vài yêu cầu mà phương Tây mô tả là thái quá, bao gồm việc rút quân đội NATO khỏi phần lớn Đông Âu. Điều này rõ ràng không thể được NATO chấp nhận nhưng mục đích chính của người Nga là ngăn NATO kết nạp Ukraine.

Thật không may, người Anh và người Mỹ không quan tâm đến các cuộc đàm phán một cách nghiêm túc. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Macron đã thể hiện sự nhạy bén thông qua việc tới Moscow để hội đàm với Tổng thống Putin hồi đầu tuần này. Nước Đức, vốn phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga, lại rất mong chờ đường ống Nord Steam 2 trị giá hàng tỷ USD nhanh chóng bơm khí. Đó cũng là lý do để họ lo lắng về tính hiệu quả trong các cuộc đàm phán.

Tại sao nước Anh lại không như vậy. Có vẻ như đây không phải lần đầu tiên nước Anh tỏ ra quá phụ thuộc vào Mỹ, quốc gia thúc đẩy NATO bao vây Nga. Thay vì cứng nhắc và đối mặt với một cuộc xung đột không thể tránh khỏi, nước Anh nên cố gắng tìm lời giải bằng việc đáp ứng một số quan ngại của Nga trong khi vẫn bảo vệ được lợi ích NATO.

Thực tế, ông Putin có lẽ không muốn chiến tranh. Nền kinh tế của Nga quá dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, dù con gấu đã yếu nhưng nó hoàn toàn có thể nổi giận nếu suốt ngày bị chọc bởi một cây gậy. Gấu Nga nổi giận là điều mà chả châu Âu đều không mong muốn thấy.

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nghich-ly-my-va-anh-lo-so-xung-dot-o-ukraine-nhung-lai-chang-lam-gi-de-ngan-chan-dieu-do-42022112191214490.htm