Căng thẳng với Mỹ khiến Trung Quốc-Triều Tiên-Iran xích lại gần nhau

Trung Quốc ngày càng thân thiết với Triều Tiên và Iran trong bối cảnh 3 quốc gia này đều đang đối mặt với chính sách đối ngoại cứng rắn của ông Trump.

Trung Quốc – Triều Tiên muốn “mở ra chương mới trong quan hệ song phương”

Ông Lật Chiến Thư - Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Chủ tịch Quốc hội) Trung Quốc là Đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc đã tới Bình Nhưỡng dự lễ kỷ niệm Quốc khánh CHDCND Triều Tiên và chuyển lá thư của ông Tập Cận Bình cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trong bức thư này, ông Tập đã ngợi ca "những nỗ lực tập trung vào phát triển kinh tế và cải thiện đời sống người dân" của ông Kim qua "đường lối chiến lược mới", theo Yonhap.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Chủ tịch Quốc hội) Trung Quốc Lật Chiến Thư tại Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên ở Bình Nhưỡng ngày 9/9/2018. Ảnh: Reuters

Là những đồng minh truyền thống, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gặp ông Tập Cận Bình 3 lần trong năm 2018 và khẳng định rằng việc phát triển mối quan hệ với nhà lãnh đạo Trung Quốc đã "mở ra một chương mới trong sự phát triển quan hệ song phương" và ông muốn mối quan hệ này "phát triển nhanh chóng hơn bằng cách tăng cường sự hiểu biết chung giữa hai bên".

Trong cuộc họp báo ngày 10/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã tuyên bố "Trung Quốc sẵn sàng củng cố mối quan hệ với Triều Tiên và ủng hộ Triều Tiên cải thiện kinh tế và đời sống người dân" thậm chí cả khi những khác biệt về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên từng gây căng thẳng một thời gian dài trong khu vực.

Trung Quốc và Triều Tiên là những đối tác thân thiết từ thời kỷ đầu của Chiến tranh Lạnh và vẫn giữ mối quan hệ này kể cả sau khi Liên Xô sụp đổ. Tuy nhiên, sau khi ông Kim Jong Un trở thành thế hệ lãnh đạo thứ 3 của Triều Tiên, ông đã rút dần khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

Đầu năm 2018, ông Kim Jong Un dừng các cuộc thử tên lửa và hạt nhân để theo đuổi các cuộc đàm phán với Hàn Quốc. Tiến trình hòa bình được Hàn - Triều hợp tác với nhau ở các cấp độ hiếm thấy này đã tạo điều kiện cho ông Kim gửi lời mời trực tiếp đến Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 3/2018 để hai nhà lãnh đạo có thể ngồi với nhau trong một cuộc gặp chưa từng có tiền lệ. Không lâu sau khi ông Trump chấp nhận lời mời này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã có chuyến thăm bất ngờ tới Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Kim với một nhà lãnh đạo nước ngoài và là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự tái hòa hợp giữa Triều Tiên và Trung Quốc.

Ông Kim đã gặp ông Tập và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in 3 lần cũng như gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6/2018 với cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lại hòa bình và việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. Trong khi Tổng thống Trump hào hứng với đề xuất của ông Kim thì các quan chức Mỹ vẫn thận trọng khi họ thấy nhịp độ chậm chạp trong tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Tháng 8/2018, ông Trump đã hủy bỏ chuyến thăm lần thứ 4 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng do “không có nhiều tiến triển về giải trừ hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên” và chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Sau việc ông Trump thúc đẩy mối quan hệ với ông Kim, Tổng thống Mỹ tăng cường chỉ trích Bắc Kinh về những hoạt động thương mại không công bằng. Ông Trump thể hiện sự giận dữ với Trung Quốc và một số quốc gia khác, bao gồm cả các đồng minh trung thành của Mỹ bằng cách áp thuế lên hàng nhập khẩu nhôm và thép khiến Bắc Kinh cũng đáp trả bằng những biện pháp của mình. Trong khi Mỹ đe dọa làm leo thang căng thẳng và Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng thì ông Trump và ông Kim vẫn tiếp tục trao đổi với nhau dù 2 quốc gia có những quan điểm khác nhau.

Trung Quốc – Iran muốn cùng nhau “đồng cam cộng khổ”

Tháng 5/2018, ông Trump thông báo Mỹ rút khỏi Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) hay còn gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran - một thỏa thuận được ký kết giữa nhóm P5+1 và Iran năm 2015. Thỏa thuận này đã hạn chế nghiêm ngặt các hoạt động hạt nhân của Iran, đổi lại, quốc gia này sẽ được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, ông Trump và nhiều đồng minh bảo thủ của mình thấy rằng thỏa thuận hạt nhân này là không đủ để hạn chế sự Iran khi quốc gia này vin vào việc hỗ trợ cho quân đội ở nước ngoài và phát triển tên lửa đạn đạo.

Các quốc gia ký kết Thỏa thuận hạt nhân Iran đều bất đồng với Tổng thống Trump và nỗ lực để cứu thỏa thuận này. Nga và Trung Quốc khẳng định sẽ không tuân theo các lệnh trừng phạt mới áp đặt của Mỹ vốn đang làm ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp chủ chốt của Iran và sẽ nhắm tới ngành dầu mỏ của quốc gia này vào tháng 11/2018. Là nhà nhập khẩu hàng đầu dầu mỏ Iran, Trung Quốc nhất trí sử dụng các tàu chở dầu Iran để phục vụ cho các nhu cầu của mình.

Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Tehran tiếp tục thắt chặt trong bối cảnh Mỹ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran. Thậm chí cả khi Mỹ thông báo lập một "Nhóm Hành động Iran" và cảnh báo về việc Iran đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz - tuyến vận chuyển dầu mỏ nhộn nhịp nhất thế giới, Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác về kinh tế, chính trị và quân sự với Iran. Ngày 7/9, ông Trương Hựu Hiệp - Phó Chủ tịch Quân Ủy Trung ương và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami tại Bắc Kinh.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và người đồng cấp Iran Amir Hatami tại Bắc Kinh ngày 7/9. Ảnh: Chinese Military Online

Trang tin trực tuyến chính thức của Quân đội Trung Quốc cho biết: "Ông Trương Hựu Hiệp đã khẳng định tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Iran là "phép thử" cho tình hình quốc tế phức tạp hiện nay và 2 quốc gia sẽ cùng nhau "đồng cam cộng khổ", đồng thời nhận định thêm: "Ông Trương hy vọng 2 bên có thể tiếp tục ủng hộ nhau trong những vấn đề quan trọng liên quan đến những lợi ích cốt lõi của mỗi bên và cùng đóng góp cho nền hòa bình thế giới và sự ổn định khu vực". Về phần mình, ông Ngụy Phượng Hòa cho biết: "Quân đội Trung Quốc sẵn sàng tăng cường đối thoại chiến lược với quân đội Iran, mở rộng phạm vi hợp tác và thúc đẩy sự hợp tác thực tế trong các lĩnh vực khác nhau để tiếp tục đạt được những kết quả mới"./.

Kiều Anh/VOV.VN
Theo Newsweek

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/cang-thang-voi-my-khien-trung-quoctrieu-tieniran-xich-lai-gan-nhau-811276.vov