Canh bạc rủi ro của ông Kim Jong Un

Triều Tiên vừa phát hành bộ tem với hình ảnh giống cảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đứng cạnh nhau. Bộ tem ra đời để kỷ niệm cuộc gặp gỡ của hai nhà lãnh đạo vào đầu mùa hè này ở khu phi quân sự (DMZ) giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: NYT

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: NYT

Vì sao Triều Tiên gọi giờ phút đó là “lịch sử”? Bởi vì họ cần làm như vậy, trong bối cảnh ông Kim nhiều lần chấp nhận xuống thang để có bất kỳ cơ hội gặp gỡ nào mà người Mỹ tạo ra.

Bài bình luận đăng trên báo Mỹ New York Times hôm 15/8 cho rằng, cuộc gặp ở Bàn Môn Điếm là bước đi sai lầm gần đây nhất của ông Kim. Trong một thời gian dài, Triều Tiên sử dụng chiến thuật bên miệng hố chiến tranh, và họ vẫn phóng tên lửa liên tục trong những tuần qua. Tuy nhiên, có vẻ ông Kim đang bị người Mỹ vượt mặt trong cuộc đấu trí lần này.

Hãy bắt đầu từ cuộc gặp ở Bàn Môn Điếm. Trước đây, Triều Tiên chủ động mọi yếu tố trong hoạt động ngoại giao, từ địa điểm, thời gian, chương trình thảo luận và khách mời, nếu không họ sẽ không chịu gặp. Nhưng vào tháng 6 vừa qua, với một đoạn tweet có vẻ ngẫu hứng gợi ý gặp gỡ ở DMZ, ông Trump đã đảo ngược nguyên tắc lễ tân suốt 70 năm qua của Triều Tiên. Chỉ trong vài giờ, cấp dưới của ông Kim khẳng định nhà lãnh đạo của họ sẽ đến. Tổng thống Mỹ đến, rồi rời đi sau cuộc gặp mà không đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào.

Việc ông Kim chấp nhận đến cuộc gặp đó không chỉ vì muốn xuất hiện cùng nhà lãnh đạo của nước quyền lực nhất thế giới, mà điều ông cần chỉ ông Trump mới mang lại được: nới lỏng các biện pháp trừng phạt đang bóp nghẹt kinh tế Triều Tiên. Chỉ có tổng thống Mỹ mới có thể chấm dứt các biện pháp trừng phạt đơn phương nghiêm ngặt của Bộ Tài chính Mỹ. Và chừng nào Mỹ còn có quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thì bất kỳ đề xuất nào về việc nới lỏng trừng phạt quốc tế cũng sẽ chết khi vừa được trình lên.

Triều Tiên vẫn có thể xoay xở đôi chút bằng các kênh riêng, nhưng rõ ràng nền kinh tế nước này đang bị tổn thương. Tháng trước, cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư của Hàn Quốc báo cáo rằng, nhập khẩu hàng hóa vào Triều Tiên giảm gần 1/3 trong giai đoạn 2017-2018. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc tính toán rằng tổng sản phẩm quốc nội của Triều Tiên năm 2018 giảm mạnh nhất kể từ những năm 1990. Đầu năm nay, Liên Hợp Quốc cảnh báo tình trạng mất mùa do hạn hán khiến 10 triệu dân Triều Tiên, tương đương 40% dân số, đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.

Khiêu khích vừa phải

Tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội, ông Kim có vẻ đã định “dụ” ông Trump trao đổi chuyện nới lỏng trừng phạt nói chung lấy việc đóng băng một trong nhiều cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Sau khi đạt được một thỏa thuận mang tính biểu tượng với ông Trump tại Singapore, ông Kim và các phụ tá dường như bước vào cuộc gặp lần thứ hai bằng sự tự tin.

Nhưng ông Trump không làm như thế. Không có thỏa thuận nào được chốt ở Hà Nội, một kết quả được cho là tồi tệ đối với ông Kim. Báo chí nhà nước Triều Tiên im lặng về cuộc gặp lần hai trong mấy ngày liền, có thể do bối rối.

Chính phủ Triều Tiên giờ đối mặt với trở ngại mới. Nếu dùng lại bài cũ, bất kỳ mối đe dọa đáng kể nào cũng có thể khiến cộng đồng quốc tế thắt chặt thêm trừng phạt. Nhưng nếu Triều Tiên từ bỏ kiểu làm đó và tiếp tục nỗ lực xây dựng quan hệ Trump - Kim, các biện pháp trừng phạt sẽ vẫn ở đó cho đến khi Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa, và nền kinh tế của nước này cuối cùng cũng bị ngạt thở, chỉ là chậm hơn mà thôi.

Đó là lý do Triều Tiên đang dùng cách khiêu khích vừa phải, để vừa không phá hoại quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo, vừa gây lo ngại cho đối thủ rằng, Bình Nhưỡng có thể quay lại đường cũ.

Vì thế các vụ phóng thử tên lửa tầm ngắn trong vài tuần qua, dù bị ông Trump cho là không đáng lo ngại, vẫn phục vụ mục đích của Triều Tiên: đe dọa lực lượng đồn trú của Mỹ ở Hàn Quốc.

Nhưng canh bạc này có thể không mang lại kết quả như mong muốn của Bình Nhưỡng. Mỹ vừa rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga. Họ nói rằng, đang cân nhắc đưa tên lửa tầm trung mới đến châu Á. Nếu được triển khai, kế hoạch đó sẽ không chỉ kiểm soát sức mạnh của Triều Tiên trên bán đảo, mà còn khiến Trung Quốc gây thêm sức ép lên Bình Nhưỡng phải phi hạt nhân hóa để ngăn cản Mỹ đưa tên lửa đến.

Bình Giang

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/canh-bac-rui-ro-cua-ong-kim-jong-un-1453180.tpo