Cảnh báo bệnh giang mai bẩm sinh!

Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện (BV) Da Liễu TPHCM đã 'Báo cáo hàng loạt ca giang mai bẩm sinh' được ghi nhận. Đây là tình trạng cần được cảnh báo đối với thai phụ vì bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi hoặc trẻ sau sinh.

Biểu hiện của bệnh.

Tại Hội nghị Khoa học Da Liễu khu vực phía Nam năm 2018 vừa tổ chức, các bác sĩ BV Da Liễu TPHCM đã "Báo cáo hàng loạt ca giang mai bẩm sinh" được ghi nhận trong thời gian qua. Theo đó, một thai phụ (ngụ tỉnh Hòa Bình), khi mang thai chỉ làm siêu âm thai, không làm xét nghiệm về máu. Khi thai 35,5 tuần thì vỡ ối sớm, được chuyển đến BV Hùng Vương (TPHCM), lúc này thai phụ được phát hiện là bị giang mai nhờ xét nghiệm huyết thanh. Sau sinh, bé biểu hiện phát ban toàn thân, kèm bóng nước to dễ vỡ, sau đó tróc vảy đóng mài, huyết thanh giang mai dương tính, tế bào bạch cầu trong dịch não tủy tăng, hình ảnh tổn thương xương đùi…

Ngay sau đó, bé được chuyển đến BV Da liễu và được nhóm BS Nguyễn Đình Bảo Hưng và ThS.BS Huỳnh Thị Thanh Thùy tiếp cận chẩn đoán đây là một ca giang mai bẩm sinh giai đoạn sớm. Theo các bác sĩ BV này, sau khi hội chẩn, bé được điều trị theo phát đồ. Sau 3 tháng điều trị, bé khỏe hoàn toàn với sang thương da biến mất, huyết thanh giang mai giảm đáng kể so với lúc đầu. BS. Nguyễn Đình Bảo Hưng cho biết, giang mai bẩm sinh là bệnh lây truyền từ mẹ sang con. Trường hợp nói trên được tiếp cận sớm, nên sau điều trị không để lại di chứng.

Được biết, giang mai là một bệnh nhiễm khuẩn được lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, đường máu và lây từ mẹ sang con. Bệnh giang mai có đặc điểm diễn biến nhiều năm, thậm chí có khi mang bệnh suốt đời. Bệnh có lúc xảy ra rầm rộ thành từng đợt với những tổn thương lâm sàng đặc biệt, có khi ngấm ngầm không có triệu chứng lâm sàng làm cho người bệnh chủ quan nghĩ là bệnh đã khỏi. Vì vậy nếu không được điều trị, bệnh có thể làm thương tổn các phủ tạng, nhất là da, tim mạch và thần kinh trung ương; chúng gây ra nhiều biến chứng với những hình thái khác nhau nên rất khó cho việc chẩn đoán và điều trị.

“Nếu người mẹ mắc bệnh giang mai lúc mang thai thì thai nhi sẽ bị lây nhiễm bệnh từ người mẹ và khi chào đời trẻ đã mang sẵn bệnh giang mai dưới nhiều hình thái khác nhau gọi là bệnh giang mai bẩm sinh”, một bác sĩ BV Da liễu TPHCM nói.

Theo BS Thanh Thùy, về căn bệnh, Tổ chức Y tế thế giới ước tính có tới 1,5 triệu ca giang mai trong thai kỳ xảy ra mỗi năm. Ngoài những biến chứng như biến dạng xương-răng, mù lòa, điếc, sinh non… ở trẻ giang mai bẩm sinh, rất nhiều trẻ đã không thể ra đời do khi mắc giang mai, thai phụ có nguy cơ cao bị sẩy thai, thai chết lưu. Tuy nhiên, nguy hiểm vì người phụ nữ mang thai không biết mình có bệnh nên không điều trị, do đó dễ truyền bệnh cho thai nhi gây giang mai bẩm sinh.

“Về bệnh giang mai bẩm sinh, các thai phụ nên được tầm soát bệnh giang mai trong thai kỳ và trước lúc sinh để được điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến thai nhi…” các bác sĩ khuyến cáo.

K.L

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/suc-khoe/canh-bao-benh-giang-mai-bam-sinh-638727.ldo