Cảnh báo chất lượng công trình sửa chữa Quốc lộ 37 đoạn qua tỉnh Hải Dương

Công trình sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường và thoát nước có tổng chiều dài 1,506km trên QL37 qua TP.Chí Linh, tỉnh Hải Dương có sự khác biệt giữa yêu cầu và thực tế thi công.

Đá dăm được dùng làm vật liệu thi công sửa chữa công trình Quốc lộ 37 đoạn Km87+680–Km87+852 và đoạn Km88+364-Km89+700 lẫn nhiều đất, tạp chất, nhiều vị trí tập kết gần vật liệu đào thải. Công trình do Liên danh Công ty CP cầu đường bộ Hải Dương - Công ty CP Tập đoàn Hồng Lạc thi công

Đá dăm lẫn bùn đất, tạp chất

Ngày 22/8, PV Tạp chí GTVT ghi nhận tại đoạn QL37 qua phường Cộng Hòa, TP.Chí Linh, tỉnh Hải Dương đang có hoạt động thi công, sữa chữa nền đường, mặt đường, cống thoát nước. Tại hai đầu đoạn quốc lộ đang thi công có một số biển thông báo: Phía trước 50m công trường, Đoạn đường thi công Km87+680 đến Km89+700 QL37 (treo dưới biển cảnh báo đi chậm), một số biển cảnh báo tại phạm vi đang thi công… Tuy nhiên, hiện trường không có biển báo thông tin công trình theo quy định, như: tên, quy mô công trình; chủ đầu tư, nhà thầu thi công, ngày khởi công và hoàn thành.

Theo tìm hiểu của PV, đây là công trình "Sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường và thoát nước đoạn Km87+680–Km87+852 và đoạn Km88+364-Km89+700, Quốc lộ 37, tỉnh Hải Dương". Cấp quyết định đầu tư là Cục Đường bộ VN, Sở GTVT Hải Dương làm chủ đầu tư và lựa chọn nhà thầu thi công; đơn vị thi công là Liên danh Công ty CP cầu đường bộ Hải Dương – Công ty CP Tập đoàn Hồng Lạc (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương).

Công trình đến ngày 30/8/2023 phải hoàn thành, nhưng đến ngày 22/8/2023, tại đoạn Km87+680–Km87+852 chưa động thổ nên có nguy cơ chậm tiến độ

Công trình được Cục Đường bộ VN phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng sửa chữa công trình trên vào ngày 28/10/2022, với tổng mức đầu tư hơn 7,09 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách (nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ). Căn cứ quyết định trên, ngày 8/5/2023, Sở GTVT Hải Dương phê duyệt kết quả lựa chọn Công ty CP cầu đường bộ Hải Dương – Công ty CP Tập đoàn Hồng Lạc là đơn vị trúng thầu, giá trị trúng thầu hơn 6,005 tỷ đồng.

Phạm vi thi công của gói thầu trên gồm: sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường, gia cố lề đường và thoát nước với tổng chiều dài 1,506km để đảm bảo bề rộng mặt đường đồng bộ để cải thiện điều kiện khai thác và ATGT; bổ sung hệ thống thoát nước có tổng chiều dài 735m (đoạn từ Km69+08 - Km89+424 và đoạn Km89+580 - Km89+634). Thời gian thực hiện hợp đồng 75 ngày và theo hợp đồng sẽ kết thúc vào ngày 30/8/2023.

Ghi nhận của PV cũng cho thấy, chỉ còn chưa đến 10 ngày nữa sẽ hết thời hạn hợp đồng (30/8/2023) song công trình trên vẫn ngổn ngang, nhất là đoạn đầu tuyến Km87+680 - Km852+852 hiện vẫn chưa động thổ.

Theo thiết kế được duyệt, phần đường bị hư hỏng và lề đường được gia cố bằng cách đào bỏ kết cấu cũ và gia cố bằng 45cm đá dăm (15cm đá dăm loại I, 30cm đá dăm loại II) để thay thế và sau đó tưới thấm bằng nhũ tương. Tuy nhiên, hiện trường công trình cho thấy, lớp đá dăm trên cùng sau khi được lu lèn chặt có lẫn bùn đất, tạp chất

Đáng nói, so sánh giữa thực tế hiện trường đoạn đang thi công và giải pháp sữa chữa, thi công đã được Cục Đường bộ VN phê duyệt cho thấy một số dấu hiệu không đảm bảo chất lượng thi công. Cụ thể, theo giải pháp sửa chữa được phê duyệt, sửa chữa mặt đường hư hỏng cục bộ, gia cố lề được thực hiện bằng cách: đào bóc lớp kết cấu 45cm, xác xới lu lèn nền đường cũ với hệ số K bằng hoặc lớn hơn 0,98; hoàn trả bằng cao độ mặt đường cũ với lớp cấp phối đá dăm loại I dày 15cm/lớp, cấp phối đá dăm loại II dày 30cm và tưới thấm bám bằng nhũ tương…

Trong khi đó, quan sát hiện trường ngày 22/8 cho thấy, các đống vật liệu đá dăm được tập kết tại công trường và đưa vào lu lèn lớp trên cùng (rồi đến lớp tưới thấm nhũ tương) đều không phải đá dăm sạch, mà lẫn nhiều đất, tạp chất và dễ dàng nhận biết bằng mắt thường.

Điều này gây lo ngại về chất lượng, độ bền kết cấu của phần đường, lề đường được sửa chữa, gia cố và sự phù hợp so với báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình đã được Cục Đường bộ VN phê duyệt.

Theo thiết kế, đoạn Km88+334,659 - Km89+681 được bổ sung hệ thống ống cống thoát nước dọc và bố trí trung bình khoảng 35m/hố thu nước, song thực tế đoạn Km89+600 chỉ được gia cố lề đường

Lo ngại về thoát nước, bảo đảm ATGT

Đối với hạng mục sửa chữa hệ thống thoát nước dọc đường, theo thiết kế được phê duyệt: trên đoạn Km87+680 - Km87+839 giữ nguyên hiện trạng hệ thống rãnh dọc hai bên tuyến, chỉ sửa chữa các tấm đan cũ bị hư hỏng. Còn đoạn Km88+334,659-Km89+681: bổ sung hệ thống thoát nước dọc bằng cống tròn D600 bằng bê tông cốt thép lắp ghé; bố trí trung bình khoảng 35m/hố thu để thu nước mặt đường…

Tuy vậy, theo phản của người dân và quan sát của PV, khu vực đoạn Km89+600 (bên phải tuyến) chỉ được gia cố lề đường mà không bổ sung hệ thống thoát nước rãnh dọc bằng cống tròn và hố thu để thoát nước mặt đường như thiết kế. Bà Lê Thị Nguyệt, số nhà 274, nhà ven QL37 tại Km89+600 phản ánh, sau khi lề đường trước cửa nhà được gia cố có chiều cao hơn nhiều so với mặt sân và ngăn lối thoát nước mưa từ sân ra đường, trong khi không thấy đơn vị thi công bổ sung đường ống thoát nước tại đoạn đường này. "Với hiện trạng này, nước mưa từ sân nhà tôi không có lối chảy thoát ra ngoài. Tôi đã phản ánh với đơn vị thi công nhưng không biết họ có giải quyết không", bà Nguyệt nói.

Ngoài đoạn trên, một số vị trí thuộc đoạn Km88+365-Km89+700 có mặt đường thấp hơn lề đường, nhưng không được bổ sung hệ thống thoát nước nên có nguy cơ sau khi công trình hoàn thành vẫn bị đọng nước, tiềm ẩn nguy cơ tác động xấu đến chất lượng kết cấu bề mặt đường.

Công trình "Sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường và thoát nước đoạn Km87+680–Km87+852 và đoạn Km88+364-Km89+700, Quốc lộ 37, tỉnh Hải Dương" không tuân thủ theo phương án đảm bảo ATGT được phê duyệt, tập kết chất thải ngay trên đường thi công, gây ô nhiễm môi trường và sử dụng chất thải thi công để đổ vào nhà dân nằm ven Quốc lộ 37 đoạn trên đường Nguyễn Thái Học (ảnh cuối)

Ghi nhận tại hiện trường cũng cho thấy, đơn vị thi công không thực hiện đủ các hạng mục bảo đảm ATGT như phương án đảm bảo ATGT được Sở GTVT Hải Dương phê duyệt. Có thể kể đến như: trên biển báo đặt tại điểm đầu khu vực thi công không bố trí đèn xoay; dọc đường thi công không có hệ thống cọc tiêu phản quang ngăn cách với đường đang khai thác; không có người trực điều tiết đảm bảo giao thông; tập kết chất đổ thải ngay ven đường và dùng chất thải để đổ vào nhà dân.

Liên quan đến vấn đề quản lý chất thải, công nhân tại công trường cho biết, chất thải thi công sẽ do chính quyền địa phương xử lý. Tuy vậy, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó chủ tịch UBND phường Cộng Hòa (Tp. Chí Linh, Hải Dương) cho biết, đơn vị thi công có trách nhiệm xử lý chất thải, song từ khi thi công đến nay chưa thấy di chuyển mà tập kết ngay tại ven đường.

Về phía Ban Quản lý bảo trì công trình giao thông (trực thuộc Sở GTVT Hải Dương, trực tiếp quản lý công trình), PV Tạp chí GTVT đã liên hệ để làm việc nhưng chưa nhận được phản hồi. Tạp chí GTVT sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vấn đề này.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, ngày 28/7/2023, Thanh tra Sở GTVT Hải Dương cũng đã tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm ATGT trên công trường đường bộ vừa thi công vừa khai thác này.

Huy Lộc - Minh Tùng

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/canh-bao-chat-luong-cong-trinh-sua-chua-quoc-lo-37-doan-qua-tinh-hai-duong-183230825160536521.htm