Cảnh báo chiêu lừa 'chạy' thầu, đầu tư dự án

Nắm được tâm lý chủ doanh nghiệp muốn trúng thầu tại các dự án thi công lớn, các đối tượng lừa đảo bày ra màn kịch 'chạy' thầu, góp vốn đầu tư để dẫn dụ nạn nhân sập bẫy.

Mất tiền tỷ vì cả tin

Với các dự án xây dựng hạ tầng, những gói thầu cung cấp vật tư cát, đá, phương tiện vận chuyển… luôn có sự cạnh tranh gay gắt. Cũng vì tâm lý nôn nóng, thiếu nguồn kiểm chứng, anh Phạm Văn Nhiên (42 tuổi, ngụ Bình Dương) đã bị một nhóm "cò" dự án dẫn dụ hơn 3 năm, thiệt hại gần 2 tỷ đồng.

Phản ánh đến Báo Giao thông, anh Nhiên cho biết, bản thân làm trong lĩnh vực cung cấp cát san lấp, cát xây dựng ở nhiều công trình phía Nam. Cuối năm 2019, khi nghe thông tin có dự án xây dựng tổ hợp nhà máy Hóa Dầu miền Nam tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), anh đã nhờ một người bạn tìm cách liên hệ.

Qua giới thiệu, anh Nhiên quen biết Võ Minh Long (40 tuổi, quê Long An). Trong những lần gặp đầu tiên, Long tự giới thiệu đang công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM nên anh rất tin tưởng. Long nói có người em gái tên Vân đang làm ở Công ty Cổ phần tập đoàn Hoàn Cầu và công ty này đã trúng gói thầu cung cấp 3 triệu m3 cát san lấp.

Cán bộ công an làm việc với Nguyễn Minh Thế, đối tượng mạo danh ACV để lừa đảo.

Sau khi dẫn anh Nhiên đến Công ty Hoàn Cầu trao đổi về nội dung công việc bao gồm khối lượng cát sẽ cung cấp, đơn giá, phương thức thanh toán, Long "mở bài" rằng anh Nhiên phải đưa trước số tiền 1 tỷ đồng để Long đi lo công việc tới khi anh Nhiên trúng thầu. Long cam kết nếu việc không thành sẽ hoàn trả lại.

Tháng 11/2019, anh Nhiên nhờ người chuyển tiền 3 lần vào 3 số tài khoản do Long chỉ định bao gồm: Tài khoản ngân hàng của Võ Minh Long, Võ Thị Bé Nam, Chu Thị Vân, tổng số tiền 110 triệu đồng. Đến tháng 12/2019, anh tiếp tục chuyển tiền 3 lần nữa vào số tài khoản của Võ Minh Long, tổng số tiền 800 triệu đồng.

Chưa dừng lại, Long dựng lên màn kịch cần mở chứng thư bảo lãnh ngân hàng để làm căn cứ tạm ứng cho nhà thầu phụ nên yêu cầu anh Nhiên chuyển tiếp 500 triệu đồng. Anh Nhiên tin tưởng và đã chuyển đủ số tiền vào tài khoản của Võ Minh Long.

Tuy nhiên, sau khi đã chuyển tổng cộng 1,5 tỷ đồng cho Long và các tài khoản mà Long chỉ định, anh Nhiên mới phát hiện dấu hiệu nghi vấn.

"Khi tôi yêu cầu Long đưa đến Công ty Hoàn Cầu để ký hợp đồng thầu phụ thì Long thoái thác và tìm cách kéo dài thời gian. Lo lắng, tôi đến văn phòng của công ty trên đường Phan Văn Sửu, quận Tân Bình để tìm hiểu thì phát hiện công ty này đã trả mặt bằng chuyển đi đâu không rõ", anh Nhiên kể.

Sau nhiều lần bị anh Nhiên đòi tiền từ 2021-2022, Long chặn số điện thoại của anh Nhiên. Trong các bản ghi âm anh Nhiên lưu lại, có đoạn Long thách thức: "Cứ thưa đi, anh đi hầu".

Ngày 25/10/2023, tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của anh Nhiên, Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã đề nghị anh Nhiên bổ sung thông tin, tài liệu để làm căn cứ giải quyết. "Tôi bị dẫn dụ vào kịch bản lừa đảo vì gói thầu cung cấp 3 triệu m3 cát, giá thị trường lên đến hơn 500 tỷ đồng", anh Nhiên nói.

Anh Nhiên không phải nạn nhân duy nhất rơi vào kịch bản phải "bơm tiền" để được làm nhà thầu phụ cung cấp cát. Trong suốt nhiều tháng đầu năm 2023, PV Báo Giao thông nhận được các phản ánh về một hợp đồng mua cát trị giá hơn 1.000 tỷ đồng.

Trong nội dung hợp đồng, bên thuê vận chuyển yêu cầu nhà thầu chở 5 triệu m3 cát từ cảng Vĩnh Xương (tỉnh An Giang) về cảng Bãi Vòng (tỉnh Kiên Giang). Tuy nhiên, khi PV nhập vai, đề nghị gặp trực tiếp đơn vị phác thảo nội dung hợp đồng, nhóm người môi giới liền yêu cầu chuyển khoản phí "lót tay" 100 triệu đồng. Nhóm người này sau khi không được đáp ứng bèn chặn số điện thoại, hủy kết bạn trên mạng xã hội.

Nhận diện tội phạm

Mới đây, Công an tỉnh Bình Phước đã bắt giữ Nguyễn Trần Thế Đại (20 tuổi, ngụ TP.HCM) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đại là đồng phạm liên quan vụ án Nguyễn Minh Thế (28 tuổi, quê Kiên Giang), mạo danh là nhân viên Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để lừa đảo đầu tư dự án sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai).

Đại cùng với Thế làm việc cho một công ty chuyên lừa đảo qua mạng tại Campuchia với nhiệm vụ sử dụng tài khoản Facebook vào các hội, nhóm kết bạn làm quen, sau đó dụ dỗ các "con mồi" chuyển tiền đầu tư vào dự án "ma" trên app.

Để các "con mồi" tin tưởng, nhóm lừa đảo đăng tải hình ảnh nhiều dự án lớn như sân bay Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành, chung cư căn hộ. Tất cả hình ảnh đều sao chép từ mạng internet, thậm chí được chỉnh sửa thêm logo và tên của công ty lừa đảo.

Luật sư Nguyễn Tiến Hiểu, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, đã tiếp nhận nhiều vụ việc tương tự khi người bị hại tìm đến nhờ hỗ trợ pháp lý. Theo luật sư, hầu hết các nạn nhân đều khá mơ hồ trong giai đoạn đầu sau khi bị chiếm đoạt tiền. Thậm chí, có người còn hy vọng đối tượng lừa đảo vẫn đang lo "chạy" dự án cho mình hoặc cho rằng có sự cố khách quan.

Trên thực tế, kịch bản lừa đảo đã được tính toán từ trước. Đối tượng lừa đảo đã đưa ra thông tin giả về gói thầu dự án, sau đó sắp đặt các cuộc hẹn, đưa ra các cam kết làm cho bị hại tin đó là thật và chuyển tiền.

Sau khi kết bạn với chị M bằng tài khoản tên Quốc Bảo Nguyễn, Thế tự mạo nhận là nhân viên ACV, chuyên tư vấn về các gói đầu tư, đấu thầu ở dự án sân bay Long Thành qua website wed.techc.top.

Khi thấy chị M quan tâm, Thế cam kết lợi nhuận từ 3-13%. Thấy các thông tin cụ thể, sống động về sân bay Long Thành trên app đầu tư, chị M tin tưởng chuyển nhiều lần số tiền 2,8 tỷ đồng vào số tài khoản do Thế cung cấp. Quá trình truy xét, công an phát hiện Thế và Đại còn bàn bạc mượn chị M 65 triệu đồng để "đầu tư dự án" sau đó chiếm đoạt.

Trao đổi với PV về phương pháp nhận biết, phòng ngừa tội phạm lừa đảo, một điều tra viên cao cấp tại TP.HCM cho rằng, đặc thù của tội phạm lừa đảo nằm ở kịch bản và chuỗi thông tin giả mà chúng đưa ra.

Đã có không ít vụ việc mà tội phạm dạng này để tạo niềm tin đã tự mạo nhận làm trong ngành công an, kiểm sát, quân đội, các ngành nghề có uy tín. Đối với kịch bản lừa chạy trúng thầu dự án hoặc đầu tư dự án, người dân có nghi vấn có thể chủ động cắt đứt kịch bản của tội phạm bằng cách đề nghị đến tận công trường để tham khảo, yêu cầu cung cấp hợp đồng của nhà thầu chính.

Đối với các yêu cầu chuyển khoản bảo lãnh, người dân nên trực tiếp làm việc với ngân hàng để đảm bảo quyền lợi. Đối với các giao dịch thực hiện trực tiếp với đối phương trong thỏa thuận kinh tế, nên soạn cam kết, điều khoản cụ thể và yêu cầu người nhận tiền ký xác nhận.

Quân Chính

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/canh-bao-chieu-lua-chay-thau-dau-tu-du-an-192231128002255306.htm