Cảnh báo gia tăng các bệnh lây truyền qua đường tình dục, vi khuẩn gây bệnh lậu kháng thuốc

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), các bệnh lây truyền tình dục đang gia tăng. Mới đây, có thêm 2 trường hợp mắc bệnh lậu kháng kháng sinh được phát hiện ở bang Massachusetts, Mỹ.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục đang gia tăng

Theo CDC Mỹ, tại quốc gia này, các trường hợp mắc bệnh lậu, giang mai nguyên phát và thứ phát được báo cáo lần lượt tăng 10% và 7% so với năm 2019. Tuy nhiên đây không phải là xu hướng đáng lo ngại duy nhất mà bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng nhiều nhất là bệnh lậu.

Trong những năm gần đây, vấn đề vi khuẩn gây bệnh lậu kháng nhiều loại kháng sinh thông thường đã trở thành mối đe dọa đối với con người trước các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Kháng kháng sinh cũng xảy ra ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Australia, Pháp, Slovenia, Thụy Điển, Anh và Bắc Ireland…

Bệnh lậu do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra.

Bệnh lậu do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra.

Lần đầu tiên ở Mỹ, một chủng lậu kháng thuốc cao được phát hiện tại bang Massachusetts. Bộ Y tế Công cộng Massachusetts cho biết, hai trường hợp đơn lẻ này được phát hiện và cơ quan quản lý đã phát đi cảnh báo với các cơ sở y tế.

Ủy viên Y tế Công cộng Margret Cooke kêu gọi tất cả những người có hoạt động tình dục nên thường xuyên đi khám các bệnh lây truyền qua đường tình dục, giảm số lượng bạn tình và tăng cường sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Đồng thời cơ quan y tế này cũng khuyến cáo các cơ sở y tế tăng cường giám sát chủng vi khuẩn kháng thuốc này.

Chuyên gia về các bệnh lây truyền qua đường tình dục đồng thời là giáo sư tại Đại học Alabama, Trường Y Birmingham, ông Edward Hook nói: "Sự phát triển của kháng kháng sinh là một quá trình không thể tránh khỏi với bệnh lậu."

Chung thủy một vợ một chồng, hoặc sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục giúp phòng ngừa bệnh lậu.

Tại sao có chủng lậu kháng thuốc kháng sinh?

Tiến sĩ Alagia cho biết: "Theo CDC, năm 2021, gần 700.000 trường hợp mắc bệnh lậu đã được xác nhận ở Mỹ, tăng 130% kể từ năm 2009. Chính số ca bệnh lậu gia tăng khiến bệnh lậu dễ kháng thuốc kháng sinh hơn. Điều này đồng nghĩa với việc, tốc độ tiến hóa của vi khuẩn vượt xa tốc độ con người phát triển các loại thuốc mới."

Theo CDC Mỹ, đã có 2,5 triệu trường hợp nhiễm chlamydia, lậu và giang mai được báo cáo vào năm 2021. Có nhiều yếu tố làm gia tăng các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có bệnh lậu là do đại dịch COVID-19 mấy năm vừa qua khiến người dân không có điều kiện để chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, xã hội có xu hướng kỳ thị những người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhiều người bỏ qua các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục và người lớn tuổi ngại đi khám bệnh lây truyền qua đường tình dục… Tất cả những lý do trên làm gia tăng số ca mắc bệnh lậu.

Những điều cần biết về bệnh lậu

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và CDC Mỹ, vi khuẩn gây bệnh lậu là một trong những vi khuẩn kháng thuốc gây lo ngại lớn nhất cho sức khỏe cộng đồng. Khi không được điều trị, bệnh lậu có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Điều lo ngại hơn là bệnh lậu rất phổ biến, nhiều người không có triệu chứng và khó phát hiện.

Ở phụ nữ, bệnh lậu không được điều trị có thể gây bệnh viêm vùng chậu, hoặc các biến chứng như đau vùng chậu mãn tính, vô sinh hoặc thai ngoài tử cung. Ở nam giới, bệnh lậu có thể gây ra tình trạng đau ở các ống nối với tinh hoàn, trong một số trường hợp hiếm gặp, có thể dẫn đến vô sinh.

Nhiều trường hợp mắc bệnh lậu không có triệu chứng

Triệu chứng bệnh lậu

Trong nhiều trường hợp, nhiễm trùng lậu không có triệu chứng. Nếu bạn có triệu chứng bệnh lậu, nó có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể, nhất là đường sinh dục.

Đối với nam giới, các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm đau hoặc sưng ở một tinh hoàn, tiết dịch giống như mủ và đi tiểu đau.

Đối với phụ nữ, các dấu hiệu và triệu chứng bệnh lậu như đi tiểu đau, đau bụng hoặc vùng chậu, chảy máu âm đạo giữa các kỳ kinh và tăng tiết dịch âm đạo.

Bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả vùng kín trực tràng, khớp, cổ họng và mắt.

Nếu có những dấu hiệu trên, hãy đi khám bệnh ngay để nhận được sự điều trị và tư vấn từ bác sĩ.

Bệnh lậu lây truyền thế nào?

Bệnh lậu do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra. Nó thường được truyền từ người này sang người khác trong quá trình quan hệ tình dục. Các yếu tố nguy cơ phổ biến của bệnh lậu bao gồm quan hệ tình dục với người mắc bệnh lậu, quan hệ tình dục với nhiều bạn tình hoặc quan hệ mà không dùng bao cao su.

Bệnh lậu và khả năng sinh sản

Theo CDC Mỹ, chlamydia và bệnh lậu là những nguyên nhân quan trọng có thể phòng ngừa, là căn nguyên gây bệnh viêm vùng chậu (PID) và vô sinh. Những bệnh ở đường sinh dục này có thể gây tổn thương vĩnh viễn ống dẫn trứng, tử cung và các mô xung quanh. Cơ quan y tế của Mỹ đã khuyến cáo rằng, tất cả phụ nữ có hoạt động tình dục dưới 25 tuổi, phụ nữ lớn tuổi có các yếu tố rủi ro như có nhiều bạn tình hoặc bạn tình bị nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục, nên được xét nghiệm hàng năm.

Làm gì để phát hiện sớm mắc bệnh lậu?

Cách thực sự duy nhất để biết liệu bạn có bị nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục hay không là đi khám bệnh và xét nghiệm.

Nếu mắc bệnh lậu, hãy điều trị sớm để bảo vệ sức khỏe của bạn và những người khác. Nên nhớ rằng, ngay cả khi không có triệu chứng, bạn vẫn có thể mắc bệnh và lây lan bệnh lậu. Bởi hiện nay, có tới 50% nam giới và 90% phụ nữ mắc bệnh chlamydia không có triệu chứng và khoảng 80% phụ nữ mắc bệnh lậu không có triệu chứng.

Nguyễn Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/canh-bao-cac-benh-lay-truyen-tinh-duc-gia-tang-vi-khuan-gay-benh-lau-khang-thuoc-169230401165442054.htm