Cảnh báo: Không nên 'đánh cược' tính mạng với những loại nấm lạ ở rừng

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ nhiều người trong một gia đình bị ngộ độc do cùng ăn phải nấm lạ tự lấy ở gần nhà, rừng về chế biến.

Suýt chết vì thiếu hiểu biết

Vụ việc gần đây nhất xảy ra ngày hôm qua (26/9) trên địa bàn tỉnh Bình Định. Theo thông tin ban đầu do người nhà cung cấp, vào sáng 24/9, chị Đinh Thị D. (ngụ ở thôn Suối Đá, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) đi làm rẫy cách nhà khoảng 1 km, thấy nấm lạ rồi hái khoảng 100 gram đem về nấu cháo nấm ăn bữa tối. Sau khi nấu xong chị để đó và chạy sang hàng xóm có việc. Ở nhà, người bà cùng 2 cháu ngoại đem nồi cháo ra ăn. Sau đó vài tiếng thì cả 3 bà cháu đều bị hôn mê phải nhập viện khẩn cấp.

Theo các bác sĩ, 2 người cháu nhập viện trong tình trạng hôn mê, được điều trị ở khoa Nhi. Riêng bà ngoại có dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn, người trong trạng thái lơ mơ được điều trị ở khoa Nội tổng hợp. Đến 15h ngày 25/9, sau nhiều giờ điều trị tích cực, các bệnh nhân đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, ăn uống, đi lại bình thường.

Theo bác sĩ, do các bệnh nhân bị ngộ độc nấm, có chất ảnh hưởng đến thần kinh, có khả năng sẽ bộc phát nên vẫn đang được tiếp tục theo dõi.

Hàng loạt vụ ngộ độc do ăn phải nấm lạ tự hái ngoài rừng.

Tương tự, vào tháng 7/2018, Khoa Cấp cứu, chống độc (Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh) đã điều trị cho 4 người trong một gia đình bị ngộ độc do ăn nấm rừng.

Theo lời bệnh nhân, anh Lê Đình D. đi rừng về hái được nhiều nấm lạ, rất tươi và nói vợ nấu cho cả gia đình. Sau khi ăn khoảng 30 phút, cả gia đình 4 người có cảm giác ngứa họng, đau bụng và đi ngoài nhiều lần. Nghi bị ngộ độc nên nhờ anh em đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Bác sĩ Trần Tiền, Khoa Cấp cứu, chống độc- Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh cho biết, các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng buồn nôn, đau quặn bụng... Qua thăm khám, các bác sĩ xác định họ bị ngộ độc do ăn nấm nên xử lý truyền dịch, giải độc. Rất may cấp cứu kịp thời chứ nếu muộn không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Một vụ ngộ độc nấm khá nghiêm trọng cũng xảy ra với một gia đình ở Hà Giang cách đây ít lâu. Theo đó vào ngày 28/3, gia đình ông Sùng Diêu H. tại thôn Khau Mèng, xã Thuận Hòa huyện Vị Xuyên (Hà Giang) lên rừng hái khoảng 200 g nấm đem về nhà nấu canh ăn sáng. Tuy nhiên, 13h cùng ngày, cả gia đình ông Hồng gồm 4 người đều xuất hiện triệu chứng đau đầu, buồn nôn và đi ngoài.

Mặc dù vậy, đến 22h gia đình ông Sùng Diêu H. mới đến Bệnh viện Đa khoa Hà Giang cấp cứu, điều trị trong tình trạng nguy kịch. Trong khi đó, 2 bệnh nhân Sùng Văn H. (28 tuổi) và Thào Thị V. (48 tuổi) đã tử vong tại bệnh viện do không phát hiện kịp thời.

Không nên "cược" tính mạng với những loại nấm lạ ở rừng

Nói tới nấm độc tại Việt Nam, PGS.TS. Hoàng Công Minh – nguyên chủ nhiệm bộ môn Độc học, Trung tâm Phòng chống nhiễm độc - Học viện Quân y cho biết, Việt Nam là nước nhiệt đới khí hậu nóng ẩm nên thuận tiện cho các loài nấm phát triển, đặc biệt vào mùa Xuân, Hè. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện ở Việt Nam có khoảng 50 - 100 loài nấm độc khác nhau trong đó có những loài có độc tố gây chết người như nấm độc tán trắng, nấm ô tán trắng phiến xanh, nấm độc trắng hình nón.

Theo TS Hoàng Công Minh, độc tố của các loại nấm này có thể thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu và thường gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, rất phức tạp và khó tiên lượng.

Trước nhiều vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã nhiều lần khuyến cáo người dân tuyệt đối không thu hái, không chế biến và không ăn nấm mọc hoang dại, nấm lạ, không rõ nguồn gốc, nấm nghi ngờ không bảo đảm an toàn dù chỉ một lần.

Cũng theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, nếu nhỡ ăn và phát hiện sớm các triệu chứng ngộ độc liên quan đến việc ăn nấm như buồn nôn, nôn, đau bụng, ỉa chảy, đau đầu… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời, tránh tình trạng đến bệnh viện quá trễ sẽ nguy hiểm tới tính mạng.

An Dương

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tu-y-hai-nam-la-ve-che-bien-nhieu-gia-dinh-bi-ngo-doc-suyt-mat-mang-d149258.html