Cảnh báo lũ lớn trên các sông Quảng Nam, Đà Nẵng

Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 5 và mưa lớn kéo dài trên diện rộng, trên các sông thuộc Quảng Nam và Đà Nẵng có khả năng xuất hiện đợt lũ, đỉnh lũ có thể lên đến trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi; ngập lụt sâu, ngập úng tại các vùng trũng, thấp ven sông và các đô thị, khu đông dân cư.

Mưa lớn kéo dài, độ ẩm đất đã gần bão hòa

Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, từ 7h - 13h ngày 14/10, trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to đến mưa rất to như: Tam Trà 104mm, Xuân Bình 97mm, Núi Thành 89mm, Tam Lãnh 77mm, Trà Kot 76mm, Việt An 74mm, Tiên Phong 63mm, Tiên Hà 63mm, Phước Thành 62mm, Đại Hiệp 59mm… Hiện độ ẩm đất ở các địa phương Quảng Nam đã đạt trạng thái gần bão hòa (trên 95%).

TP Đà Nẵng nghiêm cấm người dân và phương tiện không có nhiệm vụ phòng, chống thiên tai đi lại, đánh bắt thủy sản trên sông, vùng trũng thấp, ngập lũ.

TP Đà Nẵng nghiêm cấm người dân và phương tiện không có nhiệm vụ phòng, chống thiên tai đi lại, đánh bắt thủy sản trên sông, vùng trũng thấp, ngập lũ.

Theo dự báo, trong 6 giờ tới, Quảng Nam tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to đến mưa rất to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét các sông suối nhỏ miền núi, sạt lở đất ở sườn dốc, các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Tiên Phước, các xã miền núi huyện Quế Sơn, Đại Lộc, Núi Thành và Phú Ninh. Nguy cơ tác động đến các tuyến đường giao thông, khu vực ven sông suối, các ngầm tràn qua các sông suối...

Hiện nay, mực nước trên sông Vu Gia đang dao động ở mức trên báo động 1 (BĐ1), trên sông Thu Bồn và Tam Kỳ dao động ở mức dưới BĐ1. Cảnh báo từ ngày 14/10 đến ngày 16/10, các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ trên sông Vu Gia ở mức trên BĐ2 đến trên BĐ3, trên sông Thu Bồn ở mức BĐ2 - BĐ3, trên sông Tam Kỳ ở mức BĐ2 - BĐ3.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi; ngập lụt sâu, ngập úng tại các vùng trũng, thấp ven sông và các đô thị, khu đông dân cư. Lũ lớn kéo dài nhiều ngày có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, đời sống, tính mạng và tài sản của nhân dân. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp độ 2 - 3.

Chiều cùng ngày 14/10, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT) TP Đà Nẵng cho biết, theo dự báo, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 5 (bão SONCA), từ hôm nay 14/10 đến hết ngày 15/10, trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và TP Đà Nẵng có đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến 200 - 400mm, có nơi trên 500mm.

Từ hôm nay 14/10 đến ngày 16/10, trên sông Vu Gia và các sông thuộc TP Đà Nẵng khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia ở mức BĐ3 đến trên BĐ3 và các sông thuộc Đà Nẵng có khả năng ở mức dưới BĐ2 đến trên BĐ2. Do mưa lớn xảy ra trên diện rộng và kéo dài nhiều ngày nên cần đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, lũ, ngập lụt trên các sông trong lưu vực.

Ngoài ra, hiện nay, các hồ thủy điện Đak Mi4, Sông Bung 4 và A Vương vẫn đang vận hành về mực nước đón lũ thấp nhất (theo Công văn 295/BCHPCTT&TKCN ngày 12/10/2022 của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam).

Sẵn sàng sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm

Trước tình hình này, Ban chỉ huy PCTT TP Đà Nẵng yêu cầu UBND các quận, huyện khẩn trương khắc phục thiệt hại do đợt mưa, lũ từ ngày 9 -12/10; rà soát các khu dân cư ở vùng trũng, thấp, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê (các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Phú, Hòa Phong) và nhà cửa không kiên cố… sẵn sàng triển khai sơ tán nhân dân ra khỏi các vùng nguy hiểm theo phương án đã được phê duyệt.

Đồng thời chỉ đạo các lực lượng của địa phương phối hợp với các lực lượng quân đội, công an hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa; tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường ngập sâu, ngầm, tràn… theo phân cấp quản lý; nghiêm cấm người dân và phương tiện không có nhiệm vụ phòng, chống thiên tai đi lại, đánh bắt thủy sản trên sông, vùng trũng thấp, ngập lũ, rừng, núi và các khu vực có nguy cơ sạt lở; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”.

Ban chỉ huy PCTT TP Đà Nẵng cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng kiểm tra bảo đảm an toàn các hồ chứa thủy lợi, đặc biệt lưu ý hai hồ chứa lớn là Hòa Trung và Đồng Nghệ. Vận hành hồ chứa theo đúng quy trình và phương án phòng chống thiên tai đã được phê duyệt.

Phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn không cho người dân và phương tiện đi lại trong hồ và tràn xả lũ. Đồng thời kịp thời thông báo cho UBND các quận, huyện, các xã khi mực nước qua tràn về hạ du để cảnh báo cho nhân dân biết, chủ động phòng tránh.

Hải Châu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/canh-bao-lu-lon-tren-cac-song-quang-nam-da-nang/20221014033535093