Cảnh báo lừa đảo lao động kỹ năng đặc định

Lao động kỹ năng đặc định được Nhật Bản chính thức tiếp nhận từ ngày 1-4-2019, tuy nhiên đầu tháng 7 vừa qua, Việt Nam và Nhật Bản mới ký Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng chương trình, đặc biệt là loại trừ các cơ quan trung gian xấu và các hoạt động trái pháp luật liên quan đến lao động kỹ năng đặc định.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), việc hợp tác đưa lao động kỹ năng đặc định sang Nhật Bản mở ra cơ hội lớn cho lao động có kỹ năng Việt Nam. Lao động kỹ năng đặc định là tên chương trình visa cấp cho lao động đặc thù, có chuyên môn, kỹ năng cao. Lao động này có tư cách lưu trú như người lao động (NLĐ) của Nhật Bản, nên sẽ được hưởng chế độ lương, phúc lợi như lao động Nhật Bản.

Thứ trưởng ngoại giao Nhật Bản đi thực tế một doanh nghiệp phát triển nhân lực tại TP HCM

Để chuẩn bị cho việc phái cứ lao động kỹ năng đặc định được diễn ra đúng tinh thần bản MOC đã ký, Dolab đưa ra cảnh báo tình trạng cò mồi, môi giới đưa NLĐ vào những cái bẫy lừa đảo. Đại diện Dolab cho biết mặc dù vừa triển khai nhưng đã có một số công ty rục rịch tuyển lao động với lời giới thiệu mức lương từ 4.000-5.000 USD, kèm theo chế độ phúc lợi và được đem gia đình, vợ con theo. Theo Dolab, không phải NLĐ nào cũng đủ điều kiện để sang Nhật Bản làm việc theo chương trình lao động kỹ năng đặc định. "Chỉ có các công ty phái cử được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép mới có quyền thẩm định cấp phép cho lao động này đi làm việc tại Nhật Bản. Do đó, những người có nhu cầu đi ra nước ngoài làm việc cần phải tìm hiểu kỹ trước những thông tin mà các đối tượng này đưa ra. Để tránh bị lừa đảo, NLĐ phải nắm rõ thông tin, hiểu đúng những chương trình mình có ý định tham gia, khi có thắc mắc có thể gọi tới Dolab hoặc trung tâm dịch vụ việc làm các địa phương để được tư vấn, giới thiệu" - đại diện Dolab cảnh báo.

Tin-ảnh: G.Nam

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/canh-bao-lua-dao-lao-dong-ky-nang-dac-dinh-20190805212320613.htm