Cảnh báo: Mỗi năm có khoảng 8.000 người Việt mắc mới bệnh thận

Mặc dù là bệnh phổ biến và nguy hiểm nhưng bệnh thận thường không gây ra triệu chứng gì cho tới khi đã tiến triển. Tiến triển của bệnh thận mãn tính rất dễ dẫn đến suy thận mãn tính, làm mất chức năng thận.

Căn bệnh phổ biến và nguy hiểm nhưng thường không gây ra triệu chứng

Theo TS Nguyễn Thế Cường - Trưởng khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Việt Đức, phần lớn mọi người đều biết rõ cơ thể người bình thường có 2 quả thận ở hố thắt lưng với nhiệm vụ rất quan trọng là loại bỏ các cặn bã và dịch dư thừa ra khỏi máu qua nước tiểu, nhờ đó duy trì cân bằng nước điện giải bảo đảm ổn định nội môi và duy trì mọi hoạt động cho cơ thể.

Ngoài ra, thận còn một chức năng rất quan trọng, đó là chức năng nội tiết, nhờ đó cơ thể duy trì tạo máu, duy trì hằng định huyết áp và duy trì cân bằng Canxi của cơ thể.

Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 5 triệu người bị bệnh thận và hàng năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới

Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 5 triệu người bị bệnh thận và hàng năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới

Là cơ quan quan trọng của cơ thể nhưng thận cũng dễ bị tổn thương. Các bệnh lý toàn thân có thể gây nên các bệnh lý tại thận và ngược lại, các bệnh lý thận có thể dẫn đến các bệnh lý ở các cơ quan khác của cơ thể…

Theo số liệu thống kê của Hội Thận học thế giới, ước tính thế giới đang có khoảng 500 triệu người có các vấn đề về bệnh lý mạn tính ở thận.

“Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức, song ước tính có khoảng 5 triệu người bị bệnh thận và hàng năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới. Chỉ tính riêng bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu là khoảng 800.000 người, chiếm 0,1% dân số.

Nguyên nhân chủ yếu là do các bệnh lý tại thận, tăng huyết áp và đái tháo đường. Tiến triển của bệnh thận mạn tính rất dễ dẫn đến suy thận mạn tính, làm mất chức năng thận và người bệnh phải dùng các biện pháp điều trị thay thế”- TS Nguyễn Thế Cường nói.

Tuy nhiên, theo TS Cường, mặc dù là căn bệnh phổ biến và nguy hiểm nhưng bệnh thận thường không gây ra triệu chứng gì cho tới khi đã tiến triển. Ngoài ra, việc tự điều trị tùy tiện của người bệnh cũng là yếu tố làm bệnh thận nhanh tiến triển đến giai đoạn cuối.

Phù, tiểu ít và tăng cân: Những biểu hiện của hội chứng thận hư nguyên phát

Cũng liên quan đến bệnh thận, TS Thế Cường cảnh báo thêm về hội chứng thận hư. Theo đó, hội chứng thận hư là một hội chứng lâm sàng và sinh hóa, xuất hiện khi có tổn thương ở cầu thận do nhiều tình trạng bệnh lý gây nên, đặc trưng bởi phù, protein niệu cao, protein máu giảm, rối loạn lipid máu và có thể đái ra mỡ.

Điều trị hội chứng thận hư thường không thể dứt điểm hoàn toàn do bệnh tái phát nhiều lần, gây nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, tắc mạch và tổn thương thận nặng dần.

“Bình thường trong nước tiểu không có hoặc có rất ít protein do cơ chế tái hấp thu protein ở thận tuy nhiên đối với người mắc hội chứng thận hư nguyên phát, sự có mặt của protein trong nước tiểu sẽ lớn hơn 3,5g/24 giờ.

Protein trong nước tiểu tăng cao có thể làm cho nước tiểu trở nên đục, như xuất hiện bọt, một vài người bệnh sẽ đi tiểu ít và tăng cân hơn bình thường. Bên cạnh đó, phù chân là một trong những biểu hiện dễ nhận biết của hội chứng thận hư”- TS Thế Cường chỉ rõ dấu hiệu của hội chứng thận hư.

Theo TS Cường, hội chứng thận hư bản chất là một bệnh mạn tính, diễn biến đột ngột theo từng đợt. Việc điều trị sẽ giúp làm thuyên giảm bệnh hoàn toàn, song do bệnh thường tái phát nên phải theo dõi điều trị lâu dài. Người bệnh nên tuân thủ theo chế độ điều trị đã vạch ra. Mục tiêu điều trị là giảm triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng, kéo dài thời gian lui bệnh và làm chậm quá trình tổn thương thận.

TS Nguyễn Thế Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc bệnh lý về thận tại Bệnh viện Việt Đức Ảnh Thảo My

TS Nguyễn Thế Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc bệnh lý về thận tại Bệnh viện Việt Đức Ảnh Thảo My

Người bệnh cần chú ý ăn nhạt, dùng thuốc lợi tiểu theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Bù lại protein cho cơ thể bằng cách tăng cường bổ sung protein trong thức ăn, dùng thuốc nhóm Corticoid, lợi tiểu, giảm mỡ máu theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

Trong trường hợp không đáp ứng, hoặc có tác dụng phụ của thuốc, người bệnh cần được sinh thiết thận. Dùng các thuốc ức chế miễn dịch khác như: Cyclophosphamide, Chlorambucil, Azathioprine, Cyclosporine A, Mycophenolate mofetil.

Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, điều quan trọng là mọi người cần được trang bị kiến thức, hiểu biết và lắng nghe cơ thể mình để phát hiện ra sớm những dấu hiệu của bệnh như chân tay phù, thay đổi khi đi tiểu (tiểu nhiều về đêm, tiểu có nước bọt, tiểu ra máu…), người mệt mỏi, sút cân. Đồng thời để phát hiện bệnh sớm nhất, cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nhiều trường hợp nhờ chẩn đoán và điều trị sớm đã làm chậm sự tiến triển đến bệnh thận mạn tính.

Nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về cách phòng, chăm sóc và điều trị các bệnh lý thận, ngày 29/2, Bệnh viện Việt Đức sẽ tổ chức chương trình khám tư vấn miễn phí về các bệnh lý thận cùng với những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực suy thận, thận đa nang, viêm cầu thận mạn, nhiễm trùng tiết niệu...

Địa điểm khám miễn phí tại: Phòng khám số 14, Tầng 2, nhà C4, Khu khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Việt Đức. Đăng ký khám qua tổng đài 19001902.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/canh-bao-moi-nam-co-khoang-8000-nguoi-viet-mac-benh-than-n169011.html