Cảnh báo mưa dông, lốc, sét, mưa đá ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam. Dự báo khoảng chiều tối và đêm nay 11-4, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh ở phía đông Bắc Bộ.

Gần sáng và ngày 12-4 ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, phía tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Từ chiều tối nay, các tỉnh vùng núi phía bắc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Từ đêm nay, mưa dông mở rộng ra các nơi khác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; từ ngày 12-4, mưa dông mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ đêm nay, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét với nền nhiệt độ thấp nhất khoảng 15 đến 18 oC, vùng núi có nơi dưới 14 oC.

* Theo dự báo của Ðài Khí tượng - Thủy văn khu vực Tây Nguyên, hiện nay, khu vực này đang bước vào giai đoạn chuyển từ mùa khô sang mùa mưa. Các hình thái thời tiết cực đoan như dông, lốc, sấm sét có khả năng gia tăng.

* UBND tỉnh Kon Tum vừa chỉ đạo các địa phương phải tổ chức rà soát, kiểm tra chất lượng an toàn của các pa-nô, áp-phích, biển quảng cáo đúng yêu cầu kỹ thuật quy định, có khả năng chống chịu được sức gió mạnh khi có mưa dông, gió lốc xảy ra; chỉ đạo các chủ đầu tư dự án triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn khi thi công xây dựng, lắp đặt, sử dụng giàn giáo, vận hành cần cẩu tại các công trình đang thi công, nhất là đối với các công trình trên cao…

* Ngày 10-4, Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang cho biết, tối ngày 8 và 9-4, mưa lớn kèm theo dông, lốc xuất hiện tại bốn huyện Châu Thành, Phú Tân, An Phú, Tri Tôn và TP Châu Ðốc, thị xã Tân Châu đã làm 14 căn nhà dân bị sập, tốc mái. Cơ quan chức năng tỉnh đã đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các hộ bị thiệt hại khắc phục hậu quả.

* Tại Kiên Giang, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng cho biết, mực nước trong các tuyến kênh đê bao vùng đệm thuộc hai xã Minh Thuận và An Minh Bắc hiện đã xuống rất thấp, có nơi cạn kiệt đến đáy làm sụt lún, sạt lở nhiều tuyến đường giao thông nông thôn. Ðịa phương này đã phát hiện bảy vị trí sụt lún đê bao ngoài Vườn quốc gia U Minh Thượng (tỉnh lộ 965) với tổng chiều dài 168 m; trong đó 40 m sụt lún mặt đường hoàn toàn.

* Chi cục Thủy sản Trà Vinh cho biết, do nắng hạn và xâm nhập mặn, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản chủ lực của tỉnh đều giảm diện tích và bị thiệt hại nặng hơn so các năm trước. Cụ thể, từ đầu vụ đến nay, toàn tỉnh mới thả nuôi được 13.944 ha tôm sú, bằng 90% diện tích so cùng kỳ, chỉ đạt 66% so kế hoạch. Tôm thẻ chân trắng thả nuôi 2.570 ha đạt 30% kế hoạch. Cua biển thả nuôi được 11.651 ha, giảm hơn 348 ha so cùng kỳ. Riêng với cá lóc, từ đầu vụ đến nay chỉ có 257 lượt hộ thả nuôi trên diện tích 50 ha, mới đạt 16% so kế hoạch. Nắng nóng làm 22% diện tích tôm sú và 18% diện tích tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại…

* Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, để bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân trong các tháng mùa khô hạn cao điểm, ngay từ đầu mùa khô 2020, tỉnh đã cho mở 67 vòi cấp nước miễn phí cho các hộ dân sinh sống ven biển, ven sông chưa được hưởng lợi từ các trạm cấp nước tập trung. Lượng nước cấp cho người dân đến nay đạt gần 16.000 m3.

* Theo số liệu quan trắc ngày 10-4, độ mặn ở các sông trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cao nhất là 16‰. Ðể ứng phó tình hình xâm nhập mặn trong thời gian còn lại của mùa khô, ngành thủy lợi tỉnh Hậu Giang sẽ thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, hút bùn, vận hành đóng cống khi độ mặn từ 1,5‰ trở lên…

* Chiều 10-4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðắk Lắk cho biết: Ðến thời đểm hiện nay, tỉnh Ðắk Lắk đã có 8.949 ha cây trồng bị hạn, trong đó có 3.761 ha lúa, 2.011 ha cây hoa màu, 3.176 ha cây lâu năm.

Trong số diện tích cây trồng bị khô hạn trên địa bàn tỉnh, riêng huyện Ea Kar có đến 5.456 ha thiếu nước tưới do mực nước sông Krông Pắk giảm mạnh, trong đó có 1.832 ha lúa. Hơn 1.260 hộ dân ở các huyện Ea Súp, Krông Bông, Ea Kar, Ea H’leo, Cư M’gar và Lắk… bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

* Tính đến nay, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã có 485,45 ha lúa vụ đông xuân bị thiệt hại do nắng hạn kéo dài. Cụ thể, diện tích bị thiệt hại từ 70% đến mất trắng hơn 350 ha, diện tích lúa bị thiệt hại 30 đến 70% hơn 135 ha.

* Tại Kon Tum, nắng nóng kéo dài trong nhiều tháng qua làm nguồn nước ở nhiều hồ đập trên địa bàn huyện Ðăk Hà khô cạn; đồng ruộng nứt nẻ, nhiều diện tích lúa chết dần và cháy khô. Theo thống kê chưa đầy đủ, huyện Ðăk Hà có 71,57 ha lúa mất trắng, khoảng 93 ha lúa thiếu nước tưới, đứng trước nguy cơ thất thu.

* UBND huyện Krông Nô (tỉnh Ðắk Nông) cho biết, tổng diện tích cây trồng thiếu nước tưới trên địa bàn đến thời điểm này khoảng 3.166 ha. Trong đó, xã Tân Thành 870 ha; Ðức Xuyên 300 ha; Nam Xuân 1.130 ha; Nâm N’đir 650 ha; Nâm Nung 210 ha; Ðắk Mâm 6 ha. Ngoài cây trồng, huyện Krông Nô có 412 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

* Ðến nay, toàn bộ 125 xã, phường, thị trấn của tỉnh Lào Cai được công bố hết dịch tả lợn châu Phi. Tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện có 368.469 con, bằng 70,1% tổng đàn lợn trước khi có dịch. Ngành nông nghiệp tỉnh tích cực hướng dẫn người dân tái đàn theo quy định an toàn sinh học.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44028902-canh-bao-mua-dong-loc-set-mua-da-o-bac-bo-trung-bo-va-tay-nguyen.html