Cảnh báo Mỹ vỡ nợ: Bộ Tài chính và Fed 'bó tay', điều gì sẽ đến sau ngày 1/6?

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ vẫn bế tắc trong việc nâng trần nợ, trong khi Bộ Tài chính nước này cảnh báo chính phủ có thể không còn tiền để trang trải các nghĩa vụ tài chính và có nguy cơ vỡ nợ sớm vào đầu tháng 6 tới.

Bộ Tài chính Mỹ có nguy cơ vỡ nợ vào ngày 1/6. (Nguồn: Forbes)

Bộ Tài chính Mỹ có nguy cơ vỡ nợ vào ngày 1/6. (Nguồn: Forbes)

Ngày 7/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, cơ quan này không còn nhiều dư địa để thực hiện các biện pháp đặc biệt giúp chính phủ Mỹ thoát khỏi cảnh vỡ nợ.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định: "Không ai nên cho rằng, Fed có thể bảo vệ nền kinh tế khỏi những tác động tiềm ẩn trong ngắn hạn và dài hạn của việc không thanh toán hóa đơn đúng hạn. Fed không tham gia vào các cuộc đàm phán về trần nợ. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên cho bên nào".

Điều gì xảy ra sau ngày 1/6?

Bộ trưởng Janet Yellen cho biết, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể hết tiền để đáp ứng tất cả các nghĩa vụ tài chính trước ngày 1/6 hoặc trong vài tuần sau đó. Bế tắc chính trị làm dấy lên mối lo ngại về khả năng vỡ nợ có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu.

Bà Wendy Edelberg, thành viên cao cấp về nghiên cứu kinh tế tại Viện Brookings nhận định, nếu điều đó xảy ra, có khả năng Bộ Tài chính sẽ tuân theo kế hoạch dự phòng đã có từ năm 2011, khi đất nước đối mặt với tình huống tương tự.

Theo kế hoạch này, Bộ Tài chính sẽ không để trái phiếu kho bạc vỡ nợ và sẽ tiếp tục trả lãi cho những trái phiếu chính phủ đến hạn.

Nhưng các khoản thanh toán khác - chẳng hạn như cho các cơ quan, người thụ hưởng An sinh xã hội hoặc nhà cung cấp dịch vụ Medicare - có thể sẽ bị trì hoãn, trừ khi kho bạc có thể đáp ứng tất cả các nghĩa vụ đó đến hạn vào một ngày nhất định.

Việc chính phủ đóng cửa khó có thể xảy ra, mặc dù tiền lương của công nhân liên bang có thể bị trì hoãn.

Kể cả không vỡ nợ, việc chạm trần nợ công cũng khiến chính phủ không còn tiền để chi cho nhiều hoạt động cần thiết, như quốc phòng, y tế và an sinh xã hội.

Hậu quả sẽ thế nào?

Nhà kinh tế học Nancy Vanden Houten tại Oxford Economics nhận định, ngay cả khi không xảy ra vỡ nợ, tình huống như vậy “sẽ rất gây xáo trộn cho thị trường và nền kinh tế”.

Nhà kinh tế học Bernard Yaros của Moody's Analytics thì đưa ra những điểm tương đồng với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - khi Quốc hội không thông qua kế hoạch cứu trợ lớn cho các ngân hàng và thất bại này đã gây ra một đợt bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán, tạo áp lực cho các nhà lập pháp.

Nhà kinh tế này nhấn mạnh: "Lãi suất sẽ tăng đột biến, đặc biệt là lãi suất trái phiếu kho bạc và lãi suất thế chấp. Điều đó sẽ dẫn đến chi phí vay cao hơn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Về lâu dài, giá trị của đồng USD cũng có thể sụt giảm".

Ông Yaros cho biết thêm, các các hộ gia đình hoặc doanh nghiệp không nhận được các khoản thanh toán liên bang còn nợ có thể sẽ rút lại chi tiêu trong thời gian ngắn do mất thu nhập. Song song với đó, niềm tin của người tiêu dùng có thể xấu đi, gây tổn hại cho nền kinh tế.

Ngày 3/5, Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng (CEA) đã cảnh báo rằng, nếu chính phủ nước này ngừng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính thì những cú sốc kinh tế có thể khiến hơn 8 triệu người mất việc làm vào mùa Hè này và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm khoảng 6%.

Theo CEA: "Một vụ vỡ nợ chưa từng có như vậy có thể sẽ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế, với tăng trưởng việc làm có thể chuyển từ tốc độ tăng nhanh ở thời điểm hiện tại sang thiệt hại lên đến hàng triệu việc làm.

Ngay cả với một kịch bản vỡ nợ ngắn được giải quyết nhanh chóng, Mỹ cũng có thể mất tới 500.000 việc làm và giảm 0,6% GDP thực tế".

Các nhà kinh tế học của Goldman Sachs thì ước tính, việc phá vỡ trần nợ sẽ ngay lập tức dừng 1/10 hoạt động kinh tế của Mỹ.

Còn hãng tin AP nhận định, nếu chính phủ không thể vay tiền để tiếp tục thanh toán các hóa đơn của mình trong một thời gian dài, hàng triệu người có thể mất việc làm, doanh nghiệp phá sản, sự sụp đổ chồng chất trên thị trường tài chính và nỗi đau kinh tế kéo dài.

Thiệt hại về tài chính sẽ xảy ra nhưng nguyên nhân có thể đến từ chính trị, sự rạn nứt giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, hơn là vấn đề "sức khỏe" của nền kinh tế Mỹ.

Khi nào Mỹ vỡ nợ?

Một quốc gia được coi là vỡ nợ khi quốc gia đó không đáp ứng các nghĩa vụ tài chính, chẳng hạn như đối với một quốc gia khác hoặc đối với các nhà đầu tư đã mua trái phiếu của quốc gia đó.

Ông Yaros cho hay, con đường dẫn đến khả năng vỡ nợ sẽ được thông báo rõ ràng.

Cơ sở cho tất cả các động thái thị trường là các ước tính khác nhau về thời điểm chính phủ Mỹ có thể sử dụng hết các lựa chọn - thường được gọi là “ngày X”.

Ông Yaros nói: “Nền kinh tế lớn nhất thế giới cần phải làm điều đó bởi vì nếu họ không đưa ra bất kỳ hướng dẫn cụ thể nào về 'ngày X' hoặc ngày mặc định, thì các nhà lập pháp sẽ không cảm thấy áp lực phải đi đến một thỏa hiệp".

Điều gì xảy ra sau khi vỡ nợ?

Bà Edelberg cho biết, việc vỡ nợ hoàn toàn đối với trái phiếu kho bạc sẽ “rất có thể dẫn đến sự gián đoạn nghiêm trọng đối với thị trường chứng khoán và có thể lan tỏa nghiêm trọng đến các thị trường tài chính khác”.

Mỹ vỡ nợ cũng sẽ tác động đến chi phí và khả năng cung cấp tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Bà nói thêm: “Những diễn biến đó có thể làm suy yếu danh tiếng của thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ, một trong những thị trường an toàn và thanh khoản nhất trên thế giới".

Hiện tại, thật khó để biết Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ sẽ thỏa hiệp như thế nào. Các cuộc đàm phán giữa hai đảng được cho là khó khăn hơn để có thể đạt được 1 thỏa thuận về mức trần nợ công.

Nhà kinh tế Vanden Houten dự đoán, có thể các nhà lập pháp đã đạt được một thỏa thuận ngắn hạn, kết nối thỏa thuận này với tất cả các dự luật chi tiêu phải được thông qua vào đầu năm tài chính mới vào tháng 10 năm nay.

(theo The Japan Times)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/canh-bao-my-vo-no-bo-tai-chinh-va-fed-bo-tay-dieu-gi-se-den-sau-ngay-16-226410.html